Tính toán giá thành của một tiêm kích F-35: rối như canh hẹ

14/09/2011 14:50
Chấn Hưng (theo Defencenews)
(GDVN) - Xunh quanh giá thành chính thức của một chiếc chiến đấu cơ, hiện nay cả BQP và các cơ quan chuyên môn của Mỹ đều chưa biết tính thế nào cho đúng.

Hiện nay trong Bộ Quốc phòng Mỹ chưa thống nhất được chính xác giá của một chiếc tiêm kích hỗn hợp (JSF) F-35 là bao nhiêu khi Văn phòng chương trình JSF có một cách tính còn Văn phòng định giá Lầu Năm góc lại có một cách tính khác.

“Hiện cả hai chưa thống nhất được với nhau, và giá cuối cùng cho một chiếc F-35 sẽ chỉ được đưa ra khi hai bên đạt được sự nhất trí”, một quan chức chương trình JSF cho biết.

Việc một chiếc F-35 cần những trang bị gì và có giá thành bao nhiêu cũng khiến các cơ quan chức năng của Mỹ phải đau đầu
Việc một chiếc F-35 cần những trang bị gì và có giá thành bao nhiêu cũng khiến các cơ quan chức năng của Mỹ phải đau đầu

Quan trọng hơn, điều này ảnh hưởng đến quyết định ngân sách cuối cùng của Quân đội tới năm 2013 và của Quốc hội trong năm 2012.

Một điều rõ ràng là giá thành cho một chiếc F-35A sẽ không thể là 65 triệu USD theo thời giá đồng USD năm 2010.

Theo một quan chức của chương trình F-35, đây là mức giá trung bình cho một chiếc F-35 xuất xưởng theo tính toán của nhà thầu Lockeed Martin, khi tuần trước ông này đưa ra cùng mức giá trên nhưng là của thời giá đồng USD năm 2011.

“Điều này phù hợp cho chi phí của thế hệ tiêm kích thứ tư hiện tại, không bao gồm vỏ, hệ thống gây nhiễu, các trang bị điện tử, thùng chứa nhiên liệu, hệ thống theo dõi và tìm kiếm hồng ngoại, thiết bị quan sát đêm, mũ bảo hiểm và các hệ thống khác”, nữ phát ngôn viên Laure Quincy của Lockheed Martin cho biết.

Một quan chức của Văn phòng chương trình F-35 còn cho biết, mức giá 65 triệu USD mà Lockheed Martin đưa ra là “không trung thực” bởi nó còn chưa bao gồm giá của động cơ F-35 Pratt&Whitney. “Văn phòng đã nhiều lần yêu cầu hãng này ngừng đưa mức giá đó vào các báo cáo”, ông nói.

Một nguồn tin công nghiệp đã phủ nhận điều này và cho rằng mức giá 65 triệu USD đã bao gồm động cơ và bày tỏ rằng có thể quan chức trên đã không biết được điều này.

Ông cho biết giá trên là mức trung bình cho cả kế hoạch sản xuất 3.163 chiếc tiêm kích F-35. Hiện nay Mỹ có kế hoạch sẽ mua khoảng 2.433 chiếc F-35 như thế.

Ngay cả khi tính toán của quan chức chương trình JSF là đúng, và cái giá 65 triệu USD do Lockheed Marin đưa ra không bao gồm động cơ, thì dòng F-35A vẫn có mức giá rất cạnh tranh.

“Đó là do chất lượng của các thành phần khác, chẳng hạn như bộ cảm biến, được tính như một phần của giá mà nhà thầu đưa ra”, nhà phân tích David Rockwell của tập đoàn Teal Group cho biết.

“Ra-đa và bộ cảm biến luôn luôn do nhà thầu cung cấp, các dòng F-35 và F/A-18 cũng như thế”, Rockwell nói. “Rất hiếm khi Bộ Quốc phòng yêu cầu lắp cảm biến”.

Với mức giá 76 triệu USD, những chiếc phản lực này sẽ có đầy đủ các thiết bị cảm biến cùng khả năng tàng hình, đây là những thiết bị mà các chiến đấu cơ thế hệ thứ tư cũ như F/A-18E/F hay EA-18G không có.

Thậm chí nếu mức giá là 80 triệu USD sẽ còn nhiều trang bị tối tân khác đi kèm, một nhà phân tích khác thuộc Teal Group cho biết. Những thiết bị như tàng hình, cảm biến, kết nối số liệu đều rất cần thiết cho một chiến đấu cơ như F-35.

Ngay cả việc tính toán giá thành cho một chiếc Boeing F/A-18E/F Super Hornet cũng có nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Chiếc Super Hornet này hiện đang có hai mức giá: 60,3 triệu USD và 53 triệu USD
Chiếc Super Hornet này hiện đang có hai mức giá: 60,3 triệu USD và 53 triệu USD

Một nhà phân tích của Teal Group trên cơ sở ngân sách năm 2011 cho biết chi phí cho một chiếc Super Hornet là 60,3 triệu USD, trong đó khung máy bay và thiết bị điện tử là 40,2 triệu USD; động cơ và phụ kiện là 8,4 triệu USD; hệ thống điện tử của nhà thầu là 6,2 triệu USD; hệ thống điện tử của chính phủ là 1,7 triệu USD; cộng với một số chi phí phụ trợ khác.

Số liệu này do tài liệu ngân sách Hải quân đưa ra. Tuy nhiên, giá này còn chưa bao gồm Thiết bị truy tìm mục tiêu nâng cao hồng ngoại, gây nhiễu…

Tuy nhiên, cả tính toán của Teal Group và của Hải quân đều không trùng khớp với báo giá mà Boeing đưa ra.

Phát ngôn viên Philip Carder của Boeing cho biết: “Giá cho một chiếc Super Hornet là 53 triệu USD, không bao gồm động cơ, thiết bị ra-đa quét điện tử APG-79, thiết bị tác chiến điện tử; bồn chứa nhiên liệu ngoài, mũ bảo hiểm có gắn thiết bị nhận diện.

Chấn Hưng (theo Defencenews)