Tokyo nâng cao cảnh giác khi tàu Hồng Kông tiến sát Senkaku

15/08/2012 15:42
Nguyễn Hường (nguồn AFP)
(GDVN) - Nhật Bản đã nâng cao cảnh giác khi một nhóm những người ủng hộ Bắc Kinh đi thuyền tới gần quần đảo tranh chấp với Trung Quốc.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã nâng cao cảnh giác vào hôm 15/8 sau khi một nhóm những người ủng hộ Bắc Kinh đang tiến sát tới gần quần đảo tranh chấp với Trung Quốc.
Tàu của Cảnh sát biển Nhật Bản giám sát một tàu dân sự Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu ngư tháng 8/2012.
Tàu của Cảnh sát biển Nhật Bản giám sát một tàu dân sự Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu ngư tháng 8/2012.

"Chúng tôi đang đề cao cảnh giác nhằm để ngăn chặn họ đi vào vùng biển thuộc lãnh thổ của Nhật Bản hoặc lên các đảo và sẽ hành động thận trọng để tránh khả năng có thể xảy ra một vụ va chạm" - AFP dẫn lời một quan chức thuộc Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản cho biết.
Theo đó, một nhóm gồm 14 nhà hoạt động ủng hộ Trung Quốc từ Hồng Kông và Ma Cao đã lên một tàu cá Trung Quốc mang tên "Khởi phong 2" xuất phát từ Hồng Kông hôm 12/8 hướng tới vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. 
Các nhà hoạt động trên tuyên bố họ là thành viên của một nhóm được gọi là "Ủy ban hành động vì Điếu Ngư". Ban đầu, 4 nhà hoạt động Đài Loan cũng dự định sẽ tham gia vào chuyến đi trên. Tuy nhiên, hôm 15/8, họ đã đột ngột rút lại ý định trên với lý do tàu cá họ thuê không dám ra biển.

Theo nhóm này, hoạt động trên của họ được tổ chức để phản đối việc một nhóm các nhà lập pháp Nhật Bản lên kế hoạch thăm đảo Senkaku/Điếu Ngư và khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này.
Dự kiến, nhóm các nhà hoạt động này sẽ đến Điếu Ngư/Senkaku vào ngày hôm nay, đúng ngày kỷ niệm 67 năm ngày Nhật Bản đầu hàng trong Thế chiến II. 
"Thuyền của chúng tôi hiện cách Điếu Ngư/Senkaku khoảng 50 hải lý" - Chan Miu-tak, Chủ tịch Ủy ban hành động vì Điếu Ngư, nói với AFP tại Hồng Kông. 
"Hai tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang giám sát chặt chẽ" - ông Chan nói thêm.
Cũng theo ông, phía Nhật Bản chưa đưa ra thông báo nào về việc các nhà hoạt động trên đã vượt qua đường phân giới.
Nguyễn Hường (nguồn AFP)