TQ lên tiếng vụ xây đảo nhân tạo, căn cứ quân sự trái phép ở Trường Sa

10/09/2014 07:51
Hồng Thủy
(GDVN) - Cái bà Oánh gọi là "cải tạo điều kiện sống và làm việc cho nhân viên trên đảo" thực chất chính là mở rộng các hoạt động đồn trú quân sự trái phép.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 10/9 đưa tin, hôm qua 9/9 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã bị các phóng viên truy vấn về việc nước này xây dựng đảo nhân tạo và căn cứ quân sự (bất hợp pháp) trên 6 bãi đá nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc thôn tính, chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988 đến nay).

Theo tờ Hoàn Cầu, có phóng viên đã đặt câu hỏi rằng, theo đài BBC, Trung Quốc đã và đang tiến hành hoạt động xây dựng (trái phép) quy mô lớn, biến một số bãi đá ở Trường Sa thành đảo nhân tạo, tại sao Bắc Kinh lại làm như vậy?

Bà Hoa Xuân Oánh trả lời, (cái gọi là) lập trường của Trung Quốc rất rõ, Trung Quốc có (cái gọi là) chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa và các vùng biển phụ cận. Do đó hoạt động của Trung Quốc tại các bãi đá, rặng san hô ở Trường Sa là "sự vụ chủ quyền của Trung Quốc", không có gì để bàn cãi?!

Phóng viên tiếp tục truy hỏi, Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn như vậy là nhằm mục đích thương mại hay tính toán quân sự? Bà Hoa trả lời, theo bà ta biết thì các hoạt động xây dựng (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa chủ yếu là "cải thiện điều kiện sống và làm việc (bất hợp pháp) của các "nhân viên" trên đảo.

Như vậy có thể thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục luận điệu ngang ngược đòi "chủ quyền" phi lý đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trên cơ sở cái vô lý ấy để tiếp tục lộng hành bất chấp tất cả, thích làm gì thì làm. Hoa Xuân Oánh không thừa nhận, cũng không phù nhận việc Trung Quốc đang đảo hóa trái phép ở 6 bãi đá ở Trường Sa mà chỉ nói "ỡm ờ" rằng đó là hoạt động "cải tạo điều kiện sống và sinh hoạt cho nhân viên trên đảo".

Tuy nhiên, bản thân các câu hỏi của phóng viên Trung Quốc hoặc quốc tế chất vấn bà Oánh mà tờ Thời báo Hoàn Cầu không nêu đích danh cho thấy, chính truyền thông Trung Quốc cũng như quốc tế đã thừa nhận các hành vi biến đá thành đảo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa. Không dừng lại ở đó, nó còn cho thấy quy mô Trung Quốc đang tiến hành rất lớn.

Truyền thông và giới phân tích quốc tế không ngờ nghệch đến mức tin vào những gì Trung Quốc nói, bởi đồn trú trái phép trên 7 bãi đá ở Trường Sa (Gạc Ma, Chữ Thập, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Châu Viên và Vành Khăn) chẳng có "nhân viên" nào, mà là lượng binh lính thuộc hạm đội Nam Hải với đầy đủ vũ khí đạn dược.

Vì vậy, cái bà Oánh gọi là "cải tạo điều kiện sống và làm việc cho nhân viên trên đảo" thực chất chính là mở rộng các hoạt động đồn trú quân sự trái phép, xây dựng căn cứ quân sự mới nhằm mục đích độc chiếm Biển Đông như nhiều chuyên gia đã phân tích.

Hiện trường Trung Quốc xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Gạc Ma, Trường Sa.
Hiện trường Trung Quốc xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Gạc Ma, Trường Sa.

The Diplomat ngày 10/9 cho biết, trong bài viết "Công trường (xây dựng) đảo của Trung Quốc" đăng trên BBC, phóng viên Rupert Wingfield Hayes đã kể lại hành trình của mình trên chiếc thuyền đánh cá Philippines tiếp cận với hòn đảo nhân tạo Trung Quốc đã xây dựng (bất hợp pháp) trên đá Gạc Ma.

Mô tả lại những gì tận mắt chứng kiến ở Gạc Ma, Rupert cho biết: Hàng triệu tấn đất đá và cát đã được nạo vét từ đáy biển và bơm vào các dải san hô để tạo thành vùng đất mới. Dọc theo đó có thể thấy rõ các đội xây dựng đang xây một bức tường lấn biển, có xe tải bơm trộn bê tông, cần cẩu lớn, ông thép lớn và những ánh lửa lóe lên từ những ngọn đuốc hàn.

Rupert Wingfield Hayer lưu ý rằng không ai có khả năng chắc chắn Trung Quốc sẽ làm gì với những hòn đảo mới. Philippines quan ngại Trung Quốc sẽ xây 1 căn cứ không quân trái phép ở Gạc Ma, tuy nhiên Bắc Kinh cũng có thể đưa dân thường ra những đảo nhân tạo này để củng cố yêu sách (vô lý, phi pháp của họ).

Hoạt động này cũng có thể là xây dựng các đảo như một kết thúc riêng biệt. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) các tính năng ngầm nước như những bãi cát ngầm không thể được tuyên bố bởi bất kỳ bên nào.

Ngoài ra phần 7 của UNCLOS quy định, các đảo, bãi đá không thể duy trì sự sống của con người hay đời sống kinh tế riêng, không duy trì được sự sống của con người thì không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Theo quy định này, toàn bộ quần đảo Trường Sa chỉ được giới hạn trong phạm vi 12 hải lý mỗi đảo, bãi đá mà không có vùng đặc  quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Hồng Thủy