TQ thiếu nghiêm trọng tàu ngầm hạt nhân và nhân tố Nga

01/11/2011 10:54
Việt Dũng (Theo Tân Hoa xã)
(GDVN) - Hiện nay và trong tương lai, cán cân lực lượng tàu ngầm ở khu vực Thái Bình Dương vẫn sẽ nghiêng về Mỹ và đồng minh.

Ngày 20/10, tạp chí “Nhà ngoại giao” Nhật Bản cho biết, thực lực tàu ngầm Trung Quốc bị đánh giá cao, số lượng tàu ngầm hạt nhân thiếu nghiêm trọng. Trước khi tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới đi vào hoạt động, tàu ngầm cũ có thể phải nghỉ hưu trước.

Năm 2006 tàu ngầm lớp Tống của Trung Quốc tiếp cận tàu sân bay Mỹ là một sự kiện khiến hải quân Mỹ cảm thấy sốc nhất trong những năm gần đây. Khi đó, một chiếc tàu ngầm lớp Tống lặng lẽ xuất hiện ở gần tàu sân bay Kitty Hawk của Mỹ, còn chiếc tàu sân bay 80.000 tấn này đang tập trận ở biển Đông.

Tàu ngầm lớp Tống có lượng choán nước 2.200 tấn và tàu sân bay Kitty Hawk kề sát với nhau, rất gần, hoàn toàn có thể sử dụng ngư lôi để tấn công. Trước khi tàu ngầm Trung Quốc nổi lên mặt nước, tàu chiến bảo vệ tàu sân bay của Mỹ lại không phát hiện ra tung tích của nó.

Biên đội tàu ngầm lớp Tống của hải quân Trung Quốc
Biên đội tàu ngầm lớp Tống của hải quân Trung Quốc

Khi đó, một quan chức NATO bình luận: “Đối với người Mỹ, mức độ sốc của sự kiện này giống như Liên Xô cũ phóng vệ tinh Trái đất nhân tạo đầu tiên”.

Sự kiện này cho thấy khi đó lực lượng tàu ngầm của hải quân Trung Quốc đã có sự tăng trưởng đột phá, đồng thời cho thấy, Trung Quốc muốn đuổi hải quân Mỹ khỏi Tây Thái Bình Dương. Cựu Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ Hank McKinney khi đó đưa ra cảnh báo rằng: “Trung Quốc đang xây dựng một lực lượng tàu ngầm đáng tin cậy, sẽ khiến cho hải quân Mỹ khó mà duy trì ưu thế ở khu vực duyên hải Trung Quốc và vùng biển phụ cận”.

Khi đó, điều khiến các quan chức quân sự Mỹ lo ngại nhất là, Trung Quốc có thể chế tạo 20 chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công kiểu mới trong 10 năm tới. Uy lực của loại tàu ngầm này sẽ lớn hơn tàu ngầm lớp Tống. Năm 2007, chuyên gia quân sự Thomas Menken cho biết: “Tàu ngầm hạt nhân tấn công ngày càng nhiều sẽ giúp Trung Quốc có thể chống lại hải quân Mỹ ở vùng biển cách bờ biển Trung Quốc xa hơn”.

Dư luận đánh giá quá cao về thực lực tàu ngầm của Trung Quốc

Nhưng 4 năm sau đó (2011), lời cảnh báo của McKinney và Menken đã được chứng minh là những dự đoán sai. Hải quân Trung Quốc vẫn có một ít tàu ngầm hạt nhân, tàu ngầm lớp Tống và các tàu ngầm động cơ diesel tầm ngắn khác vẫn là trụ cột của lực lượng dưới biển của Trung Quốc.

Sản lượng tàu ngầm mới của Trung Quốc đã giảm xuống, hơn nữa số lượng tàu ngầm của hải quân Trung Quốc trong mấy năm tới cũng có thể giảm đi.

Đồng thời, Hải quân Mỹ và các đồng minh Thái Bình Dương của họ đã có một kế hoạch, sẽ duy trì số lượng tàu ngầm không thay đổi hoặc tiếp tục tăng lên. Năm 2006, các nhà quan sát phương Tây từng lo ngại, sự cân bằng lực lượng tàu ngầm ở Thái Bình Dương sẽ nghiêng lệch. Loại quan điểm này là chính xác, nhưng đây lại là nghiêng về Mỹ và đồng minh.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công của Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân tấn công của Trung Quốc

Căn cứ vào báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố đầu năm 2011, hải quân Trung Quốc có tổng cộng hơn 60 tàu ngầm, trong đó có 5 tàu ngầm hạt nhân tấn công. 5 tàu ngầm hạt nhân tấn công này lần lượt là 3 chiếc tàu ngầm hạt nhân 091 lớp “Hán” và 2 chiếc tàu ngầm hạt nhân 093 lớp “Thương”. 3 chiếc tàu ngầm 091 đang chuẩn bị nghỉ huu, trong khi đó tàu ngầm 095 thế hệ mới mãi đến năm 2015 mới có thể đi vào hoạt động.

Số lượng tàu ngầm động cơ diesel của Trung Quốc vượt xa tàu ngầm hạt nhân, đạt trên 50 chiếc, bao gồm 13 tàu ngầm lớp “Tống”, 4 tàu ngầm kiểu mới 041 lớp “Nguyên”, 12 tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất, và rất nhiều tàu ngầm lớp Romeo và tàu ngầm lớp “Minh” lỗi thời.

Ngoài ra, Trung Quốc còn sở hữu 4 - 5 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo mang tính chất thử nghiệm. So với Trung Quốc, hải quân Mỹ hiện có tổng cộng 71 tàu ngầm, bao gồm 53 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 4 tàu ngầm trang bị tên lửa dẫn đường và 14 tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo.

Trung Quốc quá phụ thuộc vào Nga về công nghệ tàu ngầm

Chỉ 5 năm trước đây, các nhà phân tích Mỹ còn dự đoán, số lượng tàu ngầm của Trung Quốc có thể vượt Mỹ vào năm 2011. Trước năm 2006 - 2011, nhất định xảy ra một số sự cố, đã làm thay đổi xu thế phát triển lực lượng tàu ngầm của hải quân Trung Quốc.

Những sự kiện này bao gồm: Trung Quốc ngừng nhập khẩu tàu ngầm hạt nhân; sản lượng tàu ngầm nội địa giảm xuống; Mỹ đã nâng cao sản lượng tàu ngầm.

Trong hai sự kiện đầu, nhân tố Nga được phản ánh rất rõ ràng. 12 tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga giúp cho số lượng tàu ngầm của hải quân Trung Quốc tăng lên rõ rệt vào năm 2005 – 2006. Trong 2 năm đó, Trung Quốc đã tăng 7 tàu ngầm.

Tàu ngầm 039 và tàu ngầm lớp Kilo tại căn cứ hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm 039 và tàu ngầm lớp Kilo tại căn cứ hải quân Trung Quốc

Nhưng Nga không có nhiều khả năng tiếp tục bán một số lượng lớn tàu ngầm cho Trung Quốc, bởi vì chính phủ Nga đã coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh tiềm tàng. Số lượng tàu ngầm của Nga đang giảm, số lượng các loại gồm tàu ngầm hạt nhân tấn công, tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo và tàu ngầm động cơ diesel trong tương lai có thể không hơn 12 chiếc.

Chuyên gia quân sự Fisher cho biết, Nga có thể muốn số lượng tàu ngầm của Trung Quốc thấp hơn của mình trong tương lai.

Trong tình hình Nga ngừng xuất khẩu, Trung Quốc chắc chắn phải tự chế tạo tất cả tàu ngầm. Nhưng Trung Quốc rất phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Nga về phương diện tàu ngầm. Đến năm 2003, Nga vẫn là nhà cung cấp công nghệ và trang bị chủ yếu cho kế hoạch phát triển tàu ngầm hạt nhân của Ấn Độ và Trung Quốc.

Lực lượng tàu ngầm của hải quân Trung Quốc bị hạn chế bởi ngành công nghiệp quốc phòng nước này. Trong tình hình Nga không cung cấp động cơ và linh kiện điện tử, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc không thể phát huy vai trò.

Mặc dù trong thời điểm tốt nhất, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vẫn không thể hoàn toàn giải quyết vấn đề an toàn và chất lượng. Cùng với việc thỏa thuận mua tàu ngầm lớp Kilo từng bước hoàn thành, Trung Quốc năm 2007 chỉ tăng 2 tàu ngầm, năm 2008 tăng 0 tàu ngầm, năm 2009 và năm 2010 đều tăng 2 tàu ngầm.

Điều này tương tự với tốc độ tăng tàu ngầm gần đây của Mỹ. Trong đầu thế kỷ 21, số lượng tàu ngầm tăng trung bình hàng năm của Mỹ chỉ là 1 chiếc. Kế hoạch cắt giảm giá thành năm 2005 đã giảm giá thành của tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia của Mỹ xuống khoảng 2 tỷ USD. Mỹ có thể bắt đầu từ năm nay mua 2 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia/năm.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới nhất của Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới nhất của Trung Quốc

Lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc không thể đối phó với Mỹ

Tuổi thọ sử dụng tàu ngầm Mỹ là 35 năm, còn tuổi thọ tàu ngầm Trung Quốc không quá 30 năm, hơn nữa chất lượng tàu ngầm của Trung Quốc tương đối kém. Căn cứ vào dự đoán của Bộ Quốc phòng Mỹ, số lượng tàu ngầm của Mỹ trong 30 năm tới sẽ không ít hơn 51 chiếc.

Mặc dù trong dự đoán lạc quan nhất, số lượng tàu ngầm hạt nhân tấn công được Trung Quốc sở hữu trong 10 năm tới cũng rất nhỏ. Con số này có thể sẽ giảm xuống trong thời gian tới, bởi vì tàu ngầm lớp 091 có thể nghỉ hưu trước khi tàu ngầm lớp 095 đi vào hoạt động.

Để can dự lực lượng quân sự ở vùng biển bên ngoài duyên hải Trung Quốc, Trung Quốc cần có tàu ngầm hạt nhân. Nhưng tình hình thực tế là, Trung Quốc vừa không chế tạo nhiều tàu ngầm hạt nhân, cũng không có hứng thú đóng quân ở nước ngoài.

Lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc chủ yếu dựa vào tàu ngầm động cơ diesel. Tàu ngầm này có hành trình rất ngắn, chủ yếu lấy phòng ngự là chính. Cote cho rằng: “Tàu ngầm động cơ diesel hiện có của Trung Quốc rất ít xuất hiện ở bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất, mãi mãi sẽ không thể vượt qua ngoài chuỗi đảo thứ hai”.

Căn cứ tàu ngầm của hải quân Trung Quốc
Căn cứ tàu ngầm của hải quân Trung Quốc
Mặc dù là vũ khí mang tính phòng ngự, tàu ngầm động cơ diesel của Trung Quốc cũng thiếu tính linh hoạt. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, khả năng kết nối giữa quân đội Trung Quốc với tàu ngầm là rất hạn chế.

Thiếu các bộ cảm biến và vũ khí trang bị tiên tiến nhất khiến cho nó khó mà bám theo tàu ngầm của Mỹ. Cote nói: “Khả năng chống tàu ngầm của Trung Quốc rất hạn chế, trong khi tàu ngầm của Mỹ là tàu ngầm khó bị theo dõi và tấn công nhất thế giới. Vì vậy, Trung Quốc sẽ khó có thể ngăn chặn tàu ngầm Mỹ xâm nhập lãnh hải nước này”.
Việt Dũng (Theo Tân Hoa xã)