Triều Tiên vẫn kiên quyết đòi "đàm phán trên cơ" Hàn Quốc

22/06/2013 15:18
Hồng Thủy (Nguồn: Yonhap, Hoàn Cầu)
(GDVN) -Phái viên hàng đầu của Bắc Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc cho biết đàm phán giữa 2 miền Triều Tiên chỉ có thể nối lại khi Seoul từ bỏ điều kiện tiên quyết của mình về "đàm phán đồng đẳng" theo tiêu chuẩn quốc tế, liên quan tới cấp bậc trưởng đoàn của Bình Nhưỡng.
Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Sin Son-ho
Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Sin Son-ho
Hôm qua 21/6 phái viên hàng đầu của Bắc Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc cho biết đàm phán giữa 2 miền Triều Tiên chỉ có thể nối lại khi Seoul từ bỏ điều kiện tiên quyết của mình về "đàm phán đồng đẳng" theo tiêu chuẩn quốc tế, liên quan tới cấp bậc trưởng đoàn của Bình Nhưỡng. Hai miền Triều Tiên gần đây đã chuẩn bị cho cuộc hội đàm cấp Bộ trưởng đầu tiên trong vòng 6 năm, nhưng đến phút chót cuộc đàm phán đã bị hủy bỏ vì một tranh cãi xung quanh cấp bậc của trưởng đoàn hai bên. Trong khi Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc dẫn đầu đoàn đại biểu Seoul thì Bình Nhưỡng lại cử một quan chức còn dưới hàm Thứ trưởng làm trưởng đoàn. Trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hợp Quốc, Đại sứ Bắc Triều Tiên Sin Son-ho vẫn tiếp tục nhắc lại mối đe dọa chiến tranh và đi kèm với nó là một lời đề nghị đối thoại "điển hình". Trước đó Bắc Triều Tiên đã bất ngờ chủ động đưa ra đề xuất đàm phán trực tiếp với Mỹ nhưng Washington tỏ ra không mặn mà với yêu cầu từ Bình Nhưỡng do những điều kiện đi kèm. Điều kiện mà Triều Tiên đặt ra cho Mỹ có thể tóm gọn trong 2 việc, một là lập tức giải tán Bộ tư lệnh Liên hợp mà Mỹ lập ra tại Hàn Quốc, hai là Mỹ kết thúc "chính sách thù địch" đối với Bắc Triều Tiên, đặc biệt là vấn đề cấm vận kinh tế. Trong khi đó Nhà Trắng cho rằng Bình Nhưỡng cần thể hiện thiện chí bằng hành động chứ không phải chỉ ở lời nói, đầu tiên là chấp hành các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Mặc dù tình hình bán đảo Triều Tiên đã lắng dịu hơn nhiều so với vài tháng trước, nhưng triển vọng ngồi vào bàn đàm phán dường như vẫn rất mong manh do những khác biệt quá lớn về "điều kiện tiên quyết" của các cuộc đàm phán mà các bên đưa ra.

Hồng Thủy (Nguồn: Yonhap, Hoàn Cầu)