Trung - Ấn đồng ý rút quân đối đầu ở biên giới?

27/09/2014 07:49
Hồng Thủy
(GDVN) - Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không đề cập đến căng thẳng biên giới mà chỉ nói về "thành công" trong chuyến thăm Ấn Độ của Tập Cận Bình.
Căng thẳng biên giới Trung - Ấn leo thang ngay trong chuyến công du Ấn Độ của ông Tập Cận Bình.
Căng thẳng biên giới Trung - Ấn leo thang ngay trong chuyến công du Ấn Độ của ông Tập Cận Bình.

Bưu điện Hoa Nam ngày 27/9 đưa tin, Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý rút các toán quân đang đối đầu nhau trên biên giới cao nguyên khu vực dãy Himalaya, New Delhi cho biết hôm Thứ Sáu, kết thúc vụ đối đầu lớn nhất của 2 nước trong năm qua.

Quân đội 2 nước đã huy động khoảng 1000 lính tập kết ở Ladakh trong tháng này, Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự vi phạm một thỏa thuận duy trì hòa bình ở biên giới cho đến khi đàm phán xong xuôi. Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj cho biết bà đã gặp Vương Nghị, người đồng cấp Trung Quốc tại New York hôm Thứ Năm, 2 bên đồng ý rút quân khỏi các vị trí ban đầu vào cuối tháng này.

Trung Quốc đã đánh bại Ấn Độ trong cuộc chiến ngắn ngủi năm 1962 và kể từ đó tới nay vấn đề biên giới vẫn chưa được giải quyết dù 17 vòng đàm phán đã trôi qua. Quân đội 2 nước thậm chí không đồng ý với đường kiểm soát thực tế hoặc lệnh ngừng bắn sau cuộc chiến năm 1962.

Vấn đề biên giới lại nóng lên ngay trong chuyến thăm nhà nước của ông Tập Cận Bình sang Ấn Độ vừa qua. New Delhi cho biết, hàng trăm binh sĩ Trung Quốc đã xâm nhập vào khu vực Chumar ở Ladakh, kéo theo xe ủi đất và xe tải để xây dựng 1 con đường.

Trung Quốc trước đó phản đối quyết định của Ấn Độ xây dựng một chòi canh trên đỉnh đồi trong khu vực cũng như một kênh thủ lợi ở Demchok, một khu vực khác trên tuyến biên giới tranh chấp dài 3500 km.

Chỉ huy quân sự 2 nước đã tổ chức một cuộc họp hôm Thứ Năm tại 1 cửa khẩu để làm việc, tìm cách ngăn chặn căng thẳng leo thang, một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết, nhưng từ chối cung cấp chi tiết.

Hai cuộc họp trước đó hồi đầu tuần này đã thất bại trong nỗ lực xoa dịu tình hình nghiêm trọng nhất kể từ lần quân đội 2 nước đối đầu nhau 21 ngày hồi năm ngoái khi Trung Quốc cho quân sang hạ trại tại khu vực Depsang.

Tuy nhiên, về cuộc gặp giữa 2 ngoại trưởng bên lề cuộc họp tại Liên Hợp Quốc trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không đề cập đến căng thẳng biên giới mà chỉ nói về "thành công" trong chuyến thăm Ấn Độ của Tập Cận Bình.

Hồng Thủy