Trung Quốc có thể chế tạo tàu sân bay ở Hồ Lô Đảo?

21/01/2013 07:27
Đông Bình
(GDVN) - Báo Trung Quốc tự tin sẽ dần hình thành cụm chiến đấu tàu sân bay trực thăng Type 081 và tàu sân bay nội địa cỡ lớn đối phó Nhật Bản.
Dư luận phổ biến cho rằng, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc sẽ chế tạo ở Thượng Hải
Dư luận phổ biến cho rằng, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc sẽ chế tạo ở Thượng Hải

Tờ “Phương Đông” Trung Quốc vừa có bài viết dẫn các nguồn tin cho rằng, đối với một cuộc “đại chiến tàu sân bay” có thể bùng phát giữa Nhật-Trung, một số phương tiện truyền thông Nhật Bản khẳng định Lược lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản nắm chắc phần thắng tương đối lớn, bởi vì Nhật Bản đang triển khai sản xuất tàu sân bay trực thăng 22DDH có lượng giãn nước khoảng 25.000 tấn.

Tờ Sankei Shim bun cho biết, tàu sân bay này sẽ được biên chế máy bay chiến đấu cất/hạ cánh thẳng đứng F-35B mua của Mỹ, nên sức chiến đấu của nó không dễ bị coi nhẹ. Ngoài ra, Nhật Bản đã có ít nhất 2 tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga.

Nhưng, có phân tích cho rằng, tàu sân bay trực thăng này trang bị quá ít máy bay chiến đấu, nhiều nhất chỉ hơn 10 chiếc. Ngoài ra, hiện nay, triển vọng của máy bay chiến đấu F-35B không rõ ràng, chưa biết lúc nào mới có thể trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Ngược lại, đối với Trung Quốc, từ tàu sân bay trực thăng Type 081 đến tàu sân bay nội địa cỡ lớn cùng cấp với tàu sân bay Liêu Ninh, sẽ dần dần hình thành đầy đủ cụm chiến đấu tàu sân bay.

Trong hàng ngũ của Hải quân Mỹ, tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn có thể đóng vai trò hạt nhân của một hạm đội đặc biệt, đóng vai trò như một chiếc “nửa tàu sân bay”. Còn tàu tấn công đổ bộ Type 081 đang được Trung Quốc chế tạo cũng được gọi là tàu sân bay trực thăng, trong tương lai nó sẽ đảm đương nhiệm vụ quan trọng là săn ngầm và tập kích đổ bộ.

Nhà máy đóng tàu cỡ lớn ở Thượng Hải, Trung Quốc
Nhà máy đóng tàu cỡ lớn ở Thượng Hải, Trung Quốc

Trang mạng quân sự Nga cho rằng, gần đây, một hình ảnh được đăng tải trên mạng cho thấy, Trung Quốc rất có thể đã khởi công chế tạo tàu tấn công đổ bộ Type 081. Có phân tích suy đoán, lượng giãn nước của tàu sân bay trực thăng Type 081 sẽ đạt khoảng 20.000 tấn, có thiết kế kết cấu thân tàu tương tự tàu tấn công đổ bộ Mistral của Pháp, có thể mang theo ít nhất 12 máy bay trực thăng vận tải và máy bay trực thăng tấn công, dự kiến Trung Quốc sẽ chế tạo 6 chiếc tàu sân bay trực thăng Type 081.

Một số chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, trong tương lai, sau khi cụm chiến đấu tàu sân bay Trung Quốc được thành lập, khả năng săn ngầm sẽ là điểm yếu lớn nhất của hạm đội mặt nước này.

Nhưng, cùng với sự xuất hiện của tàu sân bay trực thăng Type 081, tình hình này sẽ thay đổi rất lớn. Bởi vì, tàu sân bay trực thăng Type 081 sẽ mang theo rất nhiều máy bay trực thăng săn ngầm, bảo đảm cảnh báo sớm săn ngầm tốt cho cụm chiến đấu tàu sân bay.

Ngoài ra, sau tàu sân bay Liêu Ninh, việc tự sản xuất được tàu sân bay cỡ lớn đã trở thành mục tiêu trọng điểm của ngành đóng tàu Trung Quốc.

Tàu tấn công đổ bộ Type 081 Trung Quốc (tưởng tượng)
Tàu tấn công đổ bộ Type 081 Trung Quốc (tưởng tượng)

Tuần san “Tin tức Quốc phòng” Mỹ cho rằng, từ khi tàu sân bay Liêu Ninh đưa vào hoạt động, dư luận bên ngoài chuyển sự chú ý tới chương trình tàu sân bay nội địa của Trung Quốc.

Gần đây, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Trung Quốc nói bóng gió rằng, họ hứa hẹn tiếp nhận nhiệm vụ chế tạo lô tàu sân bay nội địa đầu tiên. Tờ “Tin tức Quốc phòng” dẫn lời người phụ trách của tập đoàn này cho biết, họ đã chuẩn bị tốt cho chế tạo “căn cứ hàng không trên biển”.

Có tin cho biết, do quan tâm đến các chương trình lớn của Hải quân Trung Quốc, Mỹ đang tích cực liên hệ với các cơ quan tình báo của các nước xung quanh Trung Quốc, tìm cách hợp tác điều tra tiến triển cụ thể của công trình tàu sân bay Trung Quốc.

Theo những tin tức của cơ quan tình báo Mỹ, Trung Quốc có 7 xưởng đóng tàu thích hợp cho chế tạo thân tàu sân bay cỡ lớn, những xưởng này cơ bản phân bố ở trong các nhà máy đóng tàu của 2 tập đoàn lớn là Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Trung Quốc và Tập đoàn công nghiệp nặng tàu thủy Trung Quốc, vị trí đặt ở Đại Liên, Thanh Đảo, Hồ Lô Đảo, Thượng Hải và Quảng Châu.

Nhà máy đóng tàu ở Trường Hưng, Thượng Hải
Nhà máy đóng tàu ở Trường Hưng, Thượng Hải

Bài báo nhấn mạnh, xưởng đóng tàu của Tập đoàn công nghiệp nặng tàu thủy Trung Quốc ở Hồ Lô Đảo có nhà xưởng to lớn và đóng kín, tàu sân bay có thể được tiến hành chế tạo mô-đun ở đó, đồng thời có khả năng tránh được sự theo dõi của vệ tinh do thám Mỹ.

Tờ “Tin tức Quốc phòng” cho rằng, nhà máy đóng tàu Hồ Lô Đảo và nhà máy đóng tàu Trường Hưng của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Trung Quốc, nhà máy đóng tàu Đại Liên của Tập đoàn công nghiệp nặng tàu thủy Trung Quốc là 3 nhà máy đóng tàu có khả năng chế tạo tàu sân bay nhất của Trung Quốc.

Bắt đầu từ năm 2009, liên tục có chuyên gia quân sự phương Tây chú ý đến Trung Quốc triển khai xây dựng hạ tầng quy mô lớn, thậm chí cho rằng, xưởng đóng tàu số 3 của công ty đóng tàu ở một hòn đảo nào đó chuẩn bị cho chế tạo tàu sân bay.

Bài báo cho rằng, cơ sở đóng tàu này tựa như một thành phố cỡ nhỏ, có đường ở bên trong, có tới 7 phân xưởng cỡ lớn trở lên, chưa tính phân xưởng dân dụng, ở cơ sở này còn có 2 bến lắp ráp thiết bị dài đến vài trăm mét.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp Ford của Mỹ
Tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp Ford của Mỹ

Ngoài ra, thép tấm là một vấn đề căn bản trong chế tạo tàu sân bay, được một số phương tiện truyền thông cho là Trung Quốc đã giải quyết được vấn đề này. Tạp chí “Công nghệ mũi nhọn” của Đài Loan phỏng đoán, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc có khả năng ra đời ở Thượng Hải, ngoài khả năng đóng tàu mạnh, còn phải tính tới doanh nghiệp Bảo Cương – nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, trực tiếp phục vụ cho công nghiệp đóng tàu.

Báo chí phương Tây phổ biến phỏng đoán, trong 3-5 năm tới, Trung Quốc sẽ trước tiên đưa ra 2 tàu sân bay nội địa có lượng giãn nước 60-70 nghìn tấn, bên cạnh đó, máy bay chiến đấu tàng hình J-31 có thể trở thành máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư trang bị cho chúng. Bài báo tự tin cho rằng, so sánh như vậy, mới phân rõ “cao thấp” sức mạnh “trên giấy” của hải quân hai nước Trung Quốc và Nhật Bản.

Chiến đấu cơ tàng hình J-31 Trung Quốc
Chiến đấu cơ tàng hình J-31 Trung Quốc
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". 
Đông Bình