"Trung Quốc có thể sắp áp đặt vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông"

17/05/2018 06:57
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc đã dựng bộ khung ADIZ ở Trường Sa, Hoàng Sa với hệ thống tác chiến điện từ, tên lửa chống hạm YJ-12, tên lửa phòng không HQ-9B và máy bay J-11.

Philippines Daily Inquirer ngày 16/5 dẫn lời nhà phân tích Richard Heydarian nhận định, Trung Quốc sẽ sớm thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, một diễn biến mới đáng lo ngại trong khu vực tranh chấp phức tạp.

"Người Trung Quốc đang thiếu một tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tiến tới thời điểm đó.

Bây giờ chúng ta đã thấy Trung Quốc họ phát triển bộ khung của một vùng nhận diện phòng không (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa, sẽ cung cấp cho họ khả năng áp đặt một ADIZ.

Rõ ràng, tất cả các hình ảnh chụp từ vệ tinh đã chứng minh với chúng ta rằng, Trung Quốc đã hành động ngược với lời họ nói, đó là thực tế không thể phủ nhận", ông Richard Heydarian nói với Philippines Daily Inquirer.

Nhà nghiên cứu người Philippines, Richard Heydarian, ảnh:guadalajarageopolitics.com.
Nhà nghiên cứu người Philippines, Richard Heydarian, ảnh:guadalajarageopolitics.com.

Đầu tháng này, kênh CNBC của Mỹ đưa tin, Trung Quốc đã triển khai lắp đặt hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 và hệ thống tên lửa phòng không HQ-9B lên 3 đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập.

Tháng Tư vừa qua Trung Quốc cũng đã cài đặt thiết bị tác chiến điện từ gây nhiễu ra đa trên bãi Chữ Thập và Vành Khăn.

Tại một diễn đàn về an ninh hàng hải ở Manila tuần trước, Chuẩn đô đốc Rommel Jude Ong, Chánh thanh tra Hải quân Philippines nói rằng, sớm muộn Trung Quốc cũng sẽ đưa chiến đấu cơ ra các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Ông nói:

"Một vài ngày trước, chúng tôi rất ngạc nhiên với các báo cáo rằng Trung Quốc đã triển khai các tên lửa chống hạm và phòng không lên 3 đảo nhân tạo, Xu Bi, Chữ Thập và Vành Khăn.

Tôi cho rằng bước đi tiếp theo của họ sẽ là triển khai máy bay tấn công hải quân J-11, có bán kính tác chiến 1.500 km. 

Nhìn trên bản đồ, máy bay Trung Quốc có thể hoạt động trên toàn bộ phạm vi quốc gia quần đảo Philippines, bao gồm cả các lỗ hổng nghiêm trọng ở Luzon cũng như Palawan."

Trung Quốc đã bố trí bất hợp pháp chiến đấu cơ J-11 trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc Đà Nẵng, Việt Nam) từ 2016 và nhiều khả năng sẽ làm điều này ở các đảo nhân tạo bất hợp pháp dưới Trường Sa. Ảnh: J-11 tham gia huấn luyện ở Biển Đông năm 2016, nguồn: Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Trung Quốc đã bố trí bất hợp pháp chiến đấu cơ J-11 trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc Đà Nẵng, Việt Nam) từ 2016 và nhiều khả năng sẽ làm điều này ở các đảo nhân tạo bất hợp pháp dưới Trường Sa. Ảnh: J-11 tham gia huấn luyện ở Biển Đông năm 2016, nguồn: Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Richard Heydarian bình luận về chính sách của Tổng thống Rodrigo Duterte với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, rằng:

"Sự bằng lòng của ông ta không giúp gì cho tình hình. Bất luận thế nào, nó cũng đang khuyến khích Trung Quốc đẩy nhanh sự thống trị của họ với các vùng biển lân cận.

Lý tưởng nhất, những gì Philippines nên làm là phải thể hiện rõ lập trường trước Trung Quốc rằng, Philippines sẽ sử dụng Phán quyết Trọng tài.

Nhưng chính quyền đã làm suy yếu Phán quyết của chúng ta bằng cách hạ thấp, bác bỏ các giá trị của Phán quyết.

Trung Quốc đã tiếp tục được khuyến khích bởi sự bằng lòng của chính quyền Rodrigo Duterte không chỉ ở Biển Đông, mà còn ở rãnh Philippines (rãnh Benham).

Trung Quốc không muốn có chiến tranh hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Biển Đông. Bởi phần lớn giao dịch của họ, trên 60% đi qua Biển Đông.

Bất kỳ cuộc chiến tranh nào cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của chính Trung Quốc. Chiến tranh chắc chắn sẽ làm suy yếu hình ảnh của Trung Quốc trên toàn khu vực và đẩy các nước nhỏ về phía Hoa Kỳ.

Cũng có những quan điểm băn khoăn, quân đội Trung Quốc có thể chỉ là hổ giấy, chưa chắc đã mạnh như họ tuyên truyền."

Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 vẫn là chỗ dựa vững chắc cho các nước ven Biển Đông trong việc đấu tranh chống chủ nghĩa bành trướng. Ảnh minh họa một phiên điều trần của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông. Nguồn: PCA.
Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 vẫn là chỗ dựa vững chắc cho các nước ven Biển Đông trong việc đấu tranh chống chủ nghĩa bành trướng. Ảnh minh họa một phiên điều trần của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông. Nguồn: PCA.

Theo Richard Heydarian, có một sự lựa chọn thứ 3 là chiến lược cân bằng, bảo hiểm rủi ro. Chiến lược này cho phép Philippines tiến thoái dễ dàng, khi cần có thể chiến đấu, trong tình huống khác cần lùi lại cũng có không gian để lùi lại.

Ông lấy ví dụ Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam, cả 3 nước đều đang phải chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, nhưng đồng thời vẫn đang duy trì quan hệ hợp tác kinh tế thương mại khá tốt với Trung Quốc. [1]

Trong một động thái khác có liên quan, tờ Manila Bulletin ngày 16/5 cho hay, các nhà lập pháp đối lập Philippines hôm thứ Ba đã kêu gọi đưa Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 vào điều khoản xác định lãnh thổ quốc gia trong Hiến pháp.

Lãnh đạo phe thiểu số trong nghị viện, Alfredo Garbin, cho biết Phán quyết Trọng tài cần thiết phải được đưa vào Hiến pháp, để nói với toàn thế giới rằng, Tòa Trọng tài đang ủng hộ Philippines về điều này. [2]

Nguồn:

[1]http://globalnation.inquirer.net/166994/china-soon-to-establish-south-china-sea-exclusion-zone-analyst

[2]https://news.mb.com.ph/2018/05/16/opposition-lawmakers-call-for-inclusion-of-south-china-sea-arbitration-in-constitution/

Hồng Thủy