Trung Quốc được phép xây dựng bến cảng 70.000 tấn ở Bắc Triều Tiên

17/02/2012 06:00
Đông Bình (Theo báo Phương Đông)
(GDVN) - Theo báo Hàn Quốc, Trung Quốc đang từng bước “thâm nhập”, từ đó kiểm soát nền kinh tế CHDCND Triều Tiên.

Ngày 15/2, nhiều tờ báo Hàn Quốc đã đưa tin “Trung Quốc được quyền sử dụng 50 năm bến cảng số 4, 5, 6 của đặc khu Rason – CHDCND Triều Tiên”, đồng thời cho biết, cuối năm 2011, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đã ký thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD về hợp tác đặc khu Rason.

Có tờ báo Hàn Quốc cho rằng, Trung Quốc đã có được quyền xây dựng và quyền sử dụng đường sắt, sân bay, nhà máy nhiệt điện, bến cảng ở đặc khu Rason, trên thực tế đã “độc chiếm” khu vực này, “nền kinh tế CHDCND Triều Tiên đang nhanh chóng lệ thuộc vào Trung Quốc”.

Đặc khu Rason (chấm tròn màu đỏ, hay còn gọi là Rajin-Songbong) của CHDCND Triều Tiên - có vị trí quan trọng, nằm giáp cả Trung Quốc và Nga, mặt hướng ra biển Nhật Bản.
Đặc khu Rason (chấm tròn màu đỏ, hay còn gọi là Rajin-Songbong) của CHDCND Triều Tiên - có vị trí quan trọng, nằm giáp cả Trung Quốc và Nga, mặt hướng ra biển Nhật Bản.
Ngày 15/2, tờ “Kinh tế Seoul” Hàn Quốc cho biết, theo tiết lộ của các nguồn tin từ Bắc Kinh và Seoul, để đẩy nhanh khai thác chung 3 tỉnh đông bắc và đặc khu Rason, cuối năm 2011, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đã ký thỏa thuận đầu tư của Trung Quốc đối với hạ tầng cơ sở của đặc khu Rason với tổng trị giá lên tới 3 tỷ USD. Phía CHDCND Triều Tiên trao quyền sử dụng bến cảng số 4, 5, 6 của cảng Rason cho Trung Quốc. Căn cứ vào thỏa thuận, Trung Quốc sẽ còn xây dựng các công trình như đường sắt 55 km kết nối Tumen-Trung Quốc với cảng Rason, công trình dành cho máy bay và nhà máy nhiệt điện.

Tin cho biết, Trung Quốc luôn muốn giành được tuyến đường thông ra biển Nhật Bản, vì vậy rất hứng thú với việc giành lấy quyền sử dụng  các bến cảng ở cảng Rason – CHDCND Triều Tiên.

Căn cứ vào thỏa thuận, trước hết Trung Quốc sẽ xây dựng bến cảng số 4 tải trọng 70.000 tấn ở cảng Rason, sau đó thúc đẩy xây dựng sân bay dành cho máy bay chở khách và chở hàng, tiếp theo tiếp tục xây dựng đường sắt và bến cảng số 5, số 6.

Tin còn cho biết, CHDCND Triều Tiên ban đầu muốn tiến hành khai thác trước đặc khu Hwanggumpyong - nằm đối diện với Đan Đông - Trung Quốc.

Nhưng, để giải quyết vấn đề logistics của ba tỉnh đông bắc, Trung Quốc nhấn mạnh đầu tư trước cho khu vực Rason.

Hiện nay, năng lực tổng xuất nhập hàng hóa của cảng Rason là 4 triệu tấn, trong đó bến cảng số 1 đã cho Trung Quốc thuê từ năm 2008, có năng lực xuất nhập 1 triệu tấn/năm, bến cảng số 3 đã cho Nga thuê.

Biên đội tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc
Biên đội tàu khu trục của Hải quân Trung Quốc

Ngày 15/2, hãng Yonhap bình luận, Hàn Quốc ngày càng lo ngại đối với việc Trung Quốc đưa Rason vào vòng ảnh hưởng kinh tế của họ.

“Do CHDCND Triều Tiên vừa không có vốn vừa không có công nghệ, vì vậy thỏa thuận hợp tác giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên sẽ do Trung Quốc đơn phương khai thác, do Trung Quốc đầu tư rất lớn vào xây dựng hạ tầng cơ sở, quyền sử dụng và quyền quản lý chỉ có thể rơi vào tay Trung Quốc”,

“với việc lượng lớn hàng hóa khu vực đông bắc Trung Quốc vận chuyển ra nước ngoài qua cảng Rason, đặc khu Rason rất có thể nhanh chóng hòa nhập vào phạm vi ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc”.

Zhao Fengxian – nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp - Ngân hàng - Kinh tế Hàn Quốc cho biết: “Ở hướng biển Nhật Bản, Trung Quốc xuất phát từ cảng Rason tiến xuống phía nam đến cảng Chongjin và Wonsan;

ở hướng biển Hoàng Hải, Trung Quốc vượt qua Hwanggumpyong tiến xuống phía nam đến Nampo; ở hướng giữa lấy Bình Nhưỡng làm trung tâm, Trung Quốc tăng cường thỏa thuận đầu tư với CHDCND Triều Tiên. Thông qua triển khai hoạt động như vậy, nền kinh tế CHDCND Triều Tiên sẽ nhanh chóng lệ thuộc vào Trung Quốc”.

Đông Bình (Theo báo Phương Đông)