Trung Quốc hiện có bao nhiêu chiến đấu cơ J-10?

05/11/2012 07:34
Theo ANTĐ
Hiện nay một câu hỏi được nhiều người đặt ra là chương trình sản xuất J-10A đã vào giai đoạn kết thúc, tiếp nối sẽ là J-10S và J-10B. Vậy hiện Trung Quốc đã sản xuất được bao nhiêu chiếc J-10? Và những chiếc máy bay này sử dụng loại động cơ gì?
J-10 được trang bị cho 8 trung đoàn

Tạp chí quân sự Tri Viễn cho biết, trong loạt máy bay thử nghiệm cuối cùng của loại máy bay chiến đấu J-10A, chiếc có số hiệu lớn nhất là 637. Số 6 ở đầu chứng tỏ đây là loạt thứ 6 và cũng là loạt máy bay cuối cùng của J-10A, số 37 biểu thị loạt này có ít nhất 37 chiếc.

Đội hình triển khai của biên đội máy bay chiến đấu J-10
Đội hình triển khai của biên đội máy bay chiến đấu J-10

Với các loạt máy bay thử nghiệm trước, số lượng máy bay cũng dao động trong con số 35-40 chiếc, như vậy với 6 loạt J-10A và 2 loạt J-10S đã chế tạo, về lí thuyết Trung Quốc đã sản xuất được khoảng 280 - 300 chiếc J-10.

Căn cứ vào số lượng các trung đoàn máy bay hiện được trang bị J-10 và biên chế số lượng máy bay của các trung đoàn, con số này nhỉnh hơn một chút.

Theo số liệu được công bố, có 8 trung đoàn được trang bị máy bay J-10. Trong đó, 7 trung đoàn thuộc 7 sư không quân chủ lực (mỗi sư 1 trung đoàn), bao gồm các sư đoàn không quân số 1, số 2, số 3, số 9, số 15, số 24, số 44 và 1 trung đoàn thuộc lực lượng không quân hải quân.

Các lực lượng phi chiến đấu có 2 đơn vị được trang bị J-10 là phi đội biểu diễn bay của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (12 chiếc) và 15-20 chiếc chuyên đóng giả làm quân xanh để luyện tập thuộc Trung tâm thử nghiệm bay.

Mỗi trung đoàn thuộc thực lượng không quân chủ lực có biên chế chuẩn là 28 chiếc J-10, ngoại lệ duy nhất là trung đoàn thuộc sư 15 không quân là có 36 chiếc, còn trung đoàn không quân hải quân được biên chế 24 chiếc.

Như vậy số lượng máy bay thực tế là: 28x6 + 24 + 12 + 20 + 36 = 260 chiếc. Nếu tính thêm số lượng máy bay bị rơi vỡ trong thử nghiệm và số sản xuất lỗi không khắc phục được thì con số này tương đối khớp với kết quả nêu trên.

Lại tiếp tục mua động cơ của Nga

Vấn đề tiếp theo cần xem xét là số lượng động cơ máy bay có đủ để đáp ứng kế hoạch dự kiến hay không. Theo số liệu của một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiết lộ, Trung Quốc đã ký 4 hợp đồng đặt mua động cơ AL-31FN của Nga, cụ thể như sau:

Năm 2000 đặt mua 54 chiếc, giao hàng trong giai đoạn 2001-2005.

Năm 2005 mua tiếp 100 chiếc, đã bàn giao trong giai đoạn 2005-2008.

Năm 2009 đặt hàng 122 chiếc, đã hoàn tất trong giai đoạn 2010-2011.

Năm 2011 tiếp tục đặt thêm 123 chiếc, giao hàng bắt đầu từ 2011, dự kiến 2013 sẽ hoàn tất hợp đồng.

Động cơ AL-31FN là xương sống của thế hệ máy bay J-10
Động cơ AL-31FN là xương sống của thế hệ máy bay J-10

Như vậy, đến năm 2013 Trung Quốc sẽ có tổng số 399 động cơ AL-31FN. Trong đó 1 số có khả năng được sử dụng trong chương trình phát triển J-10B, một số lượng không nhỏ sẽ làm động cơ dự trữ cho J-10A. Cho đến khi J-10A chấm dứt sản xuất, tổng số máy bay J-10A và J-10S sẽ vào khoảng 250 chiếc.

Riêng vấn đề động cơ của J-10B cũng làm người ta khó hiểu. Theo kế hoạch, J-10B sẽ sử dụng động cơ cánh quạt trong nước sản xuất là WS-10A, nhưng trên thực tế, loạt máy bay thử nghiệm đầu tiên của J-10B khả năng sẽ được lắp đặt động cơ AL-31FN.

Nếu không quân Trung Quốc vẫn tiếp tục đặt mua động cơ AL-31FN của Nga thì sẽ rất thất vọng cho những người hy vọng có được một loại động cơ có lực đẩy lớn hơn và chứng tỏ sự yếu kém của công nghiệp chế tạo động cơ máy bay Trung Quốc với 3 kế hoạch nghiên cứu chủ lực phát triển 3 thế hệ động cơ cánh quạt WS-10, WS-13 và WS-15.

J-10B chưa thể sản xuất hàng loạt

Hiện J-10 là máy bay chủ lực của không quân Trung Quốc, có khả năng tác chiến và độ tin cậy cao hơn hẳn so với J-11 nên không quân Trung Quốc dự định cho đến năm 2025 sẽ chế tạo khoảng 1200 chiếc thuộc thế hệ J-10 để thay thế các loại máy bay đời mới nhất của thế hệ thứ 2 và kiểu đầu thế hệ thứ 3 sẽ hết hạn sử dụng như J-7, J-8, Q-5E, Su-27.

Đến thời điểm hiện tại, J-10B đã bay thử được 4 năm, theo kế hoạch thì nó đã được sản xuất hàng loạt năm 2011 nhưng đến thời điểm hiện tại, loại máy bay này vẫn chưa được ra mắt, sớm nhất là 2013 nó mới được trình làng, thậm chí có thể còn lâu hơn.

Ống hút khí của J-10B được thu gọn vào trong thân nâng cao hiệu suất hút khí
Ống hút khí của J-10B được thu gọn vào trong thân nâng cao hiệu suất hút khí

Cách đây vài hôm, tập đoàn công nghiệp hàng không Thẩm Dương (SAC) đã tiến hành bay thử loại máy bay tàng hình mới J-31, xem ra tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô (CAC) có vẻ hơi kém thế.

Họ đã mất rất nhiều thời gian để thử nghiệm J-10B mà vẫn chưa sản xuất được hàng loạt, có thể do một số nguyên nhân chi phối.

Thứ nhất là họ đã tập trung quá nhiều vào thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 là J-20, trong khi vẫn phải duy trì sản xuất J-10A ở mức độ ổn định; thứ 2 là việc phát triển từ J-10A lên J-10B có nhiều biến đổi về công nghệ, Thành Đô cần ứng dụng rất nhiều kỹ thuật tiến tiến trong nghiên cứu, chế tạo.

Cửa hút khí của J-10B được thu gọn vào trong thân, vừa nâng cao hiệu suất hút khí vừa làm giảm chiều cao máy bay, hạ thấp tiết diện phản xạ radar của máy bay, dẫn đến hình dạng khí động của J-10B cũng có sự biến đổi nhất định. Vì các nguyên nhân đó, dự án sản xuất hàng loạt J-10B bị chậm trễ là điều có thể hiểu được.

Theo ANTĐ