Trung Quốc: Hội nghị trung ương 4 vẫn "im bặt" về Chu Vĩnh Khang

24/10/2014 06:50
Hồng Thủy
(GDVN) - Từ khi nhậm chức hồi tháng 3 năm 2013, Tập Cận Bình, người có bằng tiến sĩ luật đã tuyên bố sẽ đặt quyền lực trong khuôn khổ của pháp luật.
Chu Vĩnh Khang lúc còn tại chức.
Chu Vĩnh Khang lúc còn tại chức.

Reuters ngày 23/10 đưa tin, hội nghị trung ương 4 đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc ngày hôm qua đã tuyên bố cải cách tư pháp nhằm giúp các thẩm phán độc lập hơn, hạn chế ảnh hưởng của các quan chức đứng đầu địa phương đối với hoạt động của tòa án, nhưng không nhắc tới trường hợp Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị bị điều tra tham nhũng.

Các biện pháp cải cách tư pháp, xây dựng nền pháp trị mà hội nghị trung ương 4 nêu ra phản ánh những lo ngại của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước thực trạng gia tăng bất ổn xã hội trong những năm gần đây. Sự giận dữ của người dân về việc đất đai của họ bị chiếm đoạt, tham nhũng, ô nhiễm môi trường và không được tòa án giải quyết đã dẫn đến xung đột bạo lực giữa người dân với cảnh sát, đe dọa sự ổn định xã hội.

Tuy nhiên việc không đả động gì đến vụ điều tra Chu Vĩnh Khang đã là một bất ngờ lớn và gây thất vọng cho một số nhà quan sát Trung Quốc. Tuần trước có thông tin cho rằng Chu Vĩnh Khang sẽ bị khai trừ đảng trong hội nghị trung ương 4 và chuyển cho các cơ quan tố tụng xử lý theo luật định trong bối cảnh Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ đập ruồi".

Cơ quan giám sát, chống tham nhũng của đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương sẽ tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 4 vào ngày Thứ Bảy này, Tân Hoa Xã cho biết. Cheng Li, một thành viên cao cấp Viên Brookings ở Washington dự kiến rằng vụ Chu Vĩnh Khang có thể được đưa ra trong cuộc họp này, có thể Tập Cận Bình không muốn vụ Chu Vĩnh Khang làm lu mờ vấn đề chính - cải cách pháp luật.

Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 biểu quyết trong phiên bế mạc hội nghị trung ương 4.
Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 biểu quyết trong phiên bế mạc hội nghị trung ương 4.

Tuy nhiên hội nghị trung ương 4 đã khai trừ đảng 6 quan chức tham nhũng, gồm Lý Đông Sinh cựu Thứ trưởng Bộ Công an, Tưởng Khiết Mẫn cựu Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý tài sản nhà nước, Vương Vĩnh Xuân cựu Phó giám đốc Tập đoàn dầu khí Trung Quốc, Lý Xuân Thành cựu Phó bí thư Tứ Xuyên, Vạn Khánh Lương cựu Bí thư Quảng Châu và Dương Kim Sơn, Phó Tư lệnh quân khu Thành Đô.

Đây là lần đầu tiên đảng Cộng sản Trung Quốc đưa vấn đề quản lý nhà nước theo/bằng pháp luật vào một kỳ họp trung ương. Cheng Li bình luận, đây không phải một quyết định mang tính bước ngoặt, chắc chắn nó không phải là một sự thay đổi triết học hay ý thức hệ.

Trương Lập Phàm, một nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh cho biết kết quả hội nghị trung ương 4 là một "trở ngại lớn" vì nó không có gì mới, không có gì khác so với 18 năm trước. "Tóc của tôi đã bạc màu trong khi chờ đợi luật pháp được thực thi", ông Phàm nói.

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 3 năm 2013, Tập Cận Bình, người có bằng tiến sĩ luật đã tuyên bố sẽ đặt quyền lực trong khuôn khổ của pháp luật và tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng. Tháng Tư năm nay, Tập Cận Bình cảnh báo rằng sao chép mô hình chính trị nước ngoài có thể là một "thảm họa" đối với Trung Quốc và Bắc Kinh không theo đuổi mô hình dân chủ của phương Tây.

Hồng Thủy