Trường Hùng Vương chia chác tiền thừa giờ bất minh khiến giáo viên bức xúc

17/04/2018 06:53
TRỰC NGÔN
(GDVN) - Số tiền thừa giờ của giáo viên được cho là lãnh đạo trường chi trả thiếu minh bạch, sai quy định gây bức xúc trong nhà trường.

Tiền thừa giờ đem chia đều

Ở một số tỉnh đã từng xảy ra câu chuyện các chế độ của giáo viên bị bớt xén, ăn chia, quyền lợi được hưởng của giáo viên chính vì thế mà bị ảnh hưởng, gây bức xúc trong dư luận.

Mới đây, một số cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Hùng Vương, Thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã có đơn thư phản ánh đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về việc nhà trường chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên có sự bất minh gây nhiều bức xúc.

Theo nội dung đơn thư phản ánh, nhiều năm trước chế độ tiền thừa giờ của giáo viên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là không có, nhưng tại học kỳ I năm học 2017 – 2018 các giáo viên bất ngờ được nhận số tiền thừa giờ.

Tuy nhiên số tiền này được cho là lãnh đạo trường đã đem chia đều cho toàn bộ giáo viên mà không căn cứ theo chế độ được hưởng của từng người.

Hơn nữa, ngay cả chế độ tiền thừa giờ của giáo viên có con nhỏ cũng lấy ra chia đều, nhân viên văn phòng, giáo viên bộ môn chưa dạy đủ số tiết theo quy định cũng đều được chia đều.

Khuôn viên Trường tiểu học Hùng Vương, Thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Trực Ngôn.
Khuôn viên Trường tiểu học Hùng Vương, Thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Trực Ngôn. 

Bên cạnh đó, giáo viên còn cho biết, tổng số kinh phí được trả là 156 triệu đồng, tuy nhiên thông tin cho rằng lãnh đạo trường đã trích 20 triệu đồng cho tiền “bôi trơn”, số tiền còn lại thì được nhà trường đem chia đều cho giáo viên.

“Từ khi tôi được chuyển công tác về trường,  mấy chục năm nay các trường Tiểu học trực thuộc thị xã chưa từng được nhận chế độ “ tiền thừa giờ” ( theo chế độ và công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định).

Hiệu trưởng trường Xuân Hòa xin lỗi, trả lại tiền tạm thu cho phụ huynh

Cho đến học kì 1 năm học 2017 - 2018 này chúng tôi bất ngờ được cấp trên cho nhận số tiền theo chế độ đó.

Khi được nhận số tiền đó về trường, sau khi Ban giám hiệu thông báo trừ lệ phí “bôi trơn” ( hơn 20 triệu đồng) số tiền còn lại trường tôi đã chia đều cho tất cả các giáo viên, nhân viên mà không xét đến chế độ được hưởng của từng người ( tính theo các tiết dạy) giống như đó là một số tiền từ trên trời rơi xuống.

Ngay cả chế độ thừa giờ của những giáo viên có con nhỏ cũng bị lấy ra để chia đều, nhân viên văn phòng, giáo viên bộ môn chưa dạy đủ số tiết theo quy định cũng đều được chia”, một giáo viên (xin được giấu tên) bức xúc.

Ngoài ra, đơn thư cũng phản ánh lãnh đạo nhà trường đã phân công chuyên môn sai quy định, phân công để tình trạng người làm quá số tiết, người thiếu số tiết.

“Chính các thành viên trong Ban giám hiệu của nhà trường đã làm sai và còn lấy chế độ của các giáo viên lẽ ra xứng đáng được hưởng, lấy tiền mua sữa cho con của đồng nghiệp chúng tôi ra để chia chác, hưởng lợi”, đơn thư của một giáo viên (xin giấu tên) bức xúc nêu.

Có hay không phí “bôi trơn”, chia chác  tiền thừa giờ?

Để thông tin khách quan, làm rõ những thông tin bạn đọc phản ánh, chúng tôi đã có buổi làm việc với bà Phùng Thị Mơ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương, tuy nhiên lãnh đạo nhà trường đã hoàn toàn phủ nhận và không cung cấp được các hồ sơ cho việc chi trả tiền thừa giờ cho các giáo viên.

“Trong học kỳ I vừa qua, nhà trường có nhận được tổng số tiền thừa giờ cho giáo viên là 156 triệu đồng.

Số tiền này chúng tôi đã chi trả cho các giáo viên theo số tiết, mức lương, theo đúng quy định. Không có chuyện chúng tôi chia đều cho tất cả các giáo viên trong nhà trường”, bà Mơ phủ nhận.

Bà Phùng Thị Mơ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương đang trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Trực Ngôn.
Bà Phùng Thị Mơ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương đang trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Trực Ngôn. 

Khi phóng viên hỏi về hồ sơ và các chứng từ có liên quan khác đến việc chi trả chế độ cho các giáo viên thì vị lãnh đạo từ chối với lý do kế toán nhà trường đi vắng.

“Hiện tại giấy tờ, hồ sơ sổ sách kế toán nắm giữ, do cô kế toán đang đi vắng nên tôi chưa cung cấp được, chúng tôi sẽ cung cấp cho anh sau”, bà Mơ nói.

Liên quan đến việc có hay không việc trích số tiền 20 triệu đồng để chi cho việc “bôi trơn” thì bà Mơ đã xác nhận là có tiền bôi trơn nhưng không nhiều đến mức 20 triệu đồng.

“Việc tiền phí bôi trơn thì có nhưng không nhiều”, bà Mơ ấp úng nói.

Đem những thông tin trên phản ánh với ông Đặng Việt Phú, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Phúc Yên thì chúng tôi nhận được câu trả lời rằng, cơ quan này đã nhận được thông tin nhưng chưa tiến hành thanh tra, kiểm tra.

Trường Hùng Vương chia chác tiền thừa giờ bất minh khiến giáo viên bức xúc  ảnh 3

Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, vẫn thiếu một lời xin lỗi

“Thông tin này chúng tôi cũng đã nghe phong phanh từ lâu, và hiệu trưởng nhà trường đã bảo với chúng tôi là tính toán lại cho các giáo viên rồi. Do đó chúng tôi không kiểm tra nữa. Còn tiền bôi trơn thì bôi trơn ở đâu?”, ông Phú cho biết.

Ông Phú cũng lý giải và cho rằng, nếu như nhà trường chia đều cho các giáo viên như vậy là sai hoàn toàn.

“Ở nhiều năm học trước số tiền thừa giờ này làm gì có, năm học này chúng tôi mới làm theo văn bản hướng dẫn của tỉnh là chi trả tiền thừa giờ cho các giáo viên.

Do đó từ văn bản của tỉnh nên năm nay mới phải chi trả số tiền thừa giờ cho các trường. Mọi năm thì thiếu giáo viên chúng tôi ký hợp đồng giáo viên (hợp đồng ngắn hạn) bù vào.

Công văn số 1138 của Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc về việc chi trả kinh phí dạy thêm giờ đối với giáo viên năm học 2017 - 2018. Ảnh: Trực Ngôn.
Công văn số 1138 của Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc về việc chi trả kinh phí dạy thêm giờ đối với giáo viên năm học 2017 - 2018. Ảnh: Trực Ngôn. 

Còn năm nay thì theo luật bảo hiểm mới thì không thể ký được nữa, vì vậy khi ký hợp đồng cũng phải chi trả tiền bảo hiểm, bây giờ thì mới nảy sinh ra câu chuyện phải chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên. Bây giờ chúng tôi cũng không có thẩm quyền ký,  ký hợp đồng làm việc phải là cấp khác.

Còn tiền bôi trơn tôi nghĩ làm gì có chuyện đó, đây là tiền thừa giờ của các giáo viên thì căn cứ theo quy định cứ thế là các giáo viên hưởng thôi”, ông Phú giải thích.

Để làm rõ thêm thông tin, ngày 10/4 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt lịch làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố Phúc Yên. Tuy nhiên trải qua nhiều ngày vẫn chưa thấy cơ quan này phản hồi.

TRỰC NGÔN