Truy bắt giang hồ Đất Cảng: Cuộc giải cứu vô tiền khoáng hậu

22/11/2011 08:01
Thảo Lăng
(GDVN) - Nữ quái này cởi phăng áo ngoài ném đi, cởi nốt áo trong ra trong sự ngỡ ngàng, có chút “hoảng sợ” của các trinh sát còn rất trẻ, chưa vợ...

H88 là một đội đặc nhiệm anh hùng. Theo lẽ thường điều làm người ta nghĩ tới nhiều nhất là những chiến cống hiển hách, sự chuyên nghiệp, nhiệt huyết của các trinh sát trong các vụ trọng án. Nhưng điều làm tôi hứng thú nhất, muốn tìm hiểu nhất lại là những tai nạn nghề nghiệp mà họ đã trải qua trong điều kiện làm việc còn nhiều thiếu thốn, khó khăn.


Thật may mắn, trong một lần đi trên xe khách từ Hà Nội đến Hải Phòng, tôi đã vô tình quen được một cựu trinh sát khá nổi tiếng của H88 năm xưa và được nghe ông kể một về một tai nạn nghề nghiệp khá thú vị trong sự nghiệp làm lính hình sự của mình. Ông là thượng tá Nguyễn Văn Cường, người nắm trong tay số lượng cơ sở quần chúng đáng nể của đội H88 năm xưa.

Đội H88 trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cao quý
Đội H88 trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cao quý

Ông nói rằng, nghề trinh sát cũng giống như bất kì nghề nghiệp nào khác, có những tai nạn nghề nghiệp, có những trường hợp dở khóc dở cười. Và rồi, ông kể cho tôi câu chuyện dở khóc dở cười khi vây bắt đối tượng Trung Tờ, một cao thủ trong giới cướp đường ở Hải Phòng.

Gọi là Trung Tờ vì hắn tên làTrung, bố tên là Tờ. Sinh ra trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa giáo ở khu nhà Thờ, Đồng Hòa, Kiến An, Hải Phòng, Trung nổi tiếng là một thủy quái, nỗi khiếp đảm cho những người hoạt động trên sông nước. Người ta đồn rằng, Trung có một chút võ vẽ, cứ khi nào rảnh tay là hắn lại tự luyện tập, chẳng khác gì các võ hiệp trong phim Chưởng Hồng Kông. Còn khi cướp, lúc cần thiết hắn mới biểu diễn, chủ yếu vẫn là trò dọa nạt bằng dao kiếm.

Vốn là kẻ quen với sinh lầy, sông nước từ nhỏ, nên Trung tỏ ra là một tên cướp sông thạo nghề. Hắn thường nhắm tới những thuyền chở gạo, bột mì, hay ngô,… từ các tỉnh Hải Dương, Thái Bình đi qua để cướp. Xin đểu chủ hàng không xong, hắn cướp mà không quên “xuống tay” cho kẻ chống đối một trận đòn nhừ tử để cho chừa lần sau. Nhìn vẻ trắng trẻo, đẹp trai của Trung Tờ, ít ai nghĩ được hắn lại có những hành động ác ôn như thế.

Phương tiện và cũng là chiến hữu duy nhất trên sông của Trung là chiếc thuyền mic gia truyền, dài chừng 5 đến 6m. Cái hay của tên này ở chỗ chỉ chèo thuyền bằng tay thôi, nhưng vài tạ hàng với hắn chưa nhằm nhò gì. Chính nhờ khả năng dị biệt ấy, mà nhiều lần Trung Tờ dễ dàng thoát khỏi vòng vây của công an. Hơn nữa, tên này có thói quen không hoạt động cố định trên một khu vực hẹp nên lần được tung tích của Trung là cả một vấn đề lớn. Kể cả khi lên bờ, về nhà ở khu nhà Thờ, Đồng Hòa, Kiến An thì hắn cũng lẩn như trạch. Bởi vì, hễ có người lạ vào làng là y như rằng hắn lại có người báo trước.  

Ngoài cướp trên sông, Trung cũng tranh thủ thời gian móc nối với những tên bất lương dọc từ địa phận An Dương đến Kiến An để tranh thủ kiếm chác thêm cho đỡ buồn tay buồn chân. Nhưng đi đêm lắm có ngày gặp ma. Trong một lần hẹn đồng bọn ra đầu làng để thỏa thuận về chuyện ăn chia không đều, Trung Tờ đã rơi vào bẫy giăng sẵn của H88.

Thượng tá Nguyễn Văn Cường nhớ như in cái ngày đi bắt Trung Tờ. Buổi sáng hôm ấy, ông cùng một đồng đội mang số tiền thưởng mới nhận đi mua áo mới. Đây là chiếc áo đầu tiên ông mua được bằng tiền thưởng trong đời làm trinh sát của mình. Áo mặc chưa ấm hơi người, cả hai nhận được lệnh ngay lập tức lên đường về khu nhà Thờ, Đồng Hòa, Kiến An để tóm đối tượng. Ông cùng đồng đội có nhiệm vụ đóng giả làm khách ngồi uống nước chờ Trung Tờ tới. Những người khác mật phục ở vòng ngoài phòng đối tượng chạy thoát. Khi nào bắt được đối tượng, chiếc xe ….sẽ được đánh tới chờ sẵn để đưa Trung về quy án.

Sau một hồi lâu chờ đợi, Trung đi xe đạp tới. Ngồi trên xe, Trung thỏa thuận với đồng bọn về chuyện “làm ăn”. Bất ngờ, ông Được xông vào ôm chặt kiểm soát 2 tay đối tượng, để đồng đội khóa tay hắn lại. Nhưng Trung vốn là người rất khỏe mạnh nên đã chống cự quyết liệt, buộc đồng đội của ông Được, vốn là người rất giỏi bộ môn vật truyền thống, phải ôm ngang 2 người quật mạnh xuống nền đất. Trong khi cả ông Được lẫn Trung đang choáng váng, thì ông đô vật kia đã kịp dùng dây trói 2 tay tên cướp lại, sẵn sàng đưa hắn ra xe chuyên chở tội phạm vừa kịp đáp tới nơi.

Nhưng ngay lúc đó, do có người báo tin, gia đình, anh em, họ hàng nhà Trung đã kịp kéo ra. Cuộc hỗn chiến thực sự giữa một bên là những người giải vây cho tên cướp, bên kia là những người muốn bắt tội phạm về quy án, thực sự nổ ra. Ông Được kể lại, nắm được thóp công an không bao giờ đánh lại người dân, những người này chia nhau ra, diễn đủ các trò lố. Giống như đã được phân công nhiệm vụ, cánh đàn bà phụ nữ xông tới tấn công các nam trinh sát. Trong đó, dữ dằn nhất là em gái Trung Tờ, một nữ quái giang hồ cộm cán mà có lẽ đến nay, không một  trinh sát H88 nào có thể quên.

Với sức mạnh của một thiếu nữ chưa chồng, cô này lao tới cào cấu, giằng co quyết liệt. Dường như thấy chưa hiệu quả, cô cởi phăng áo ngoài ném đi, cởi nốt áo trong ra trong sự ngỡ ngàng, có chút “hoảng sợ” của các nam trinh sát. Tay cầm “vũ khí nóng”, với những hàng cúc dày, nhằm thẳng mặt các chiến sĩ tấn công, làm nhiều nhiều trinh sát trẻ xây xẩm mặt mày vì… ngượng. Tình thế bắt buộc một trinh sát H88 phải nổ súng chỉ thiên.

Nhưng 1 phát đạn…rồi hai, ba phát, không có tác dụng gì với những người “điếc không sợ súng”. Sau màn hỗn chiến với cánh đàn bà con gái nhà Trung Tờ, hai cánh tay trên chiếc áo mới mà ông Được mới “tậu” đã…. “không cánh mà bay”.

Khi các trinh sát H88 băng qua trận chiến có những loại vũ khí kì cục nhất, tiến tới xe chở tội phạm, thì xe không chạy. Bởi vì có một kẻ nào đó đã tháo chiếc bu-zi xe khi “chiến cuộc” còn đang hồi tao loạn. Cuối cùng, lợi dụng cơ hội người nhà xông vào giải vây, Trung đã nhanh chân trốn thoát. Không lâu sau đó, khi mà H88 chuẩn bị tiến hành một cuộc truy bắt quyết liệt thực sự thì Trung Tờ vội vàng ra đầu thú. Và cuộc truy bắt này đã đi vào lịch sử hào hùng của H88 như một tai nạn nghề nghiệp với nhiều yếu tố bi hài nhất.

Thảo Lăng