Truyền thông Trung Quốc đua nhau lên án biểu tình ở Hồng Kông

30/09/2014 06:50
Hồng Thủy
(GDVN) - Gọi các cuộc biểu tình là bất hợp pháp, không được phép, nhưng hầu hết báo chí nhà nước Trung Quốc chỉ trích cuộc biểu tình lại rất hạn chế đưa các hình ảnh.
Cảnh sát Hồng Kông dùng hơi cay giải tán biểu tình đêm Chủ Nhật nhưng không thành công.
Cảnh sát Hồng Kông dùng hơi cay giải tán biểu tình đêm Chủ Nhật nhưng không thành công.

BBC News ngày 29/9 đưa tin, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã thi nhau lên án các cuộc biểu tình tại Hồng Kông và đổ lỗi cho "lực lượng đối lập cấp tiến" đứng sau hoạt động này. Báo chí Trung Quốc gọi biểu tình ở Hồng Kông là bất hợp pháp, thậm chí có tờ còn đòi trừng phạt.

Chiến dịch 1 tuần bãi khóa của học sinh, sinh viên Hồng Kông đã nhanh chóng phát triển thành cuộc biểu tình "Chiếm Trung tâm" từ chiều Chủ Nhật 28/9. Những người biểu tình đòi Bắc Kinh hủy bỏ quy định kiểm soát nhân sự ứng viên bầu cử Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông năm 2017 và thực hiện chế độ phổ thông đầu phiếu như đã cam kết.

Gọi các cuộc biểu tình là bất hợp pháp, không được phép, nhưng hầu hết báo chí nhà nước Trung Quốc chỉ trích cuộc biểu tình lại rất hạn chế đưa các hình ảnh chi tiết hoạt động biểu tình ở Hồng Kông. Tờ China Daily nói rằng cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình "bất hợp pháp".

Tờ báo này gọi các cuộc biểu tình ở Hồng Kông là chủ nghĩa phiêu lưu, cơ hội và đổ lỗi cho các nhóm biểu tình "Chiếm Trung tâm" kích động học sinh, sinh viên, đe dọa nền kinh tế lành mạnh và xã hội ổn định ở Hồng Kông. Tờ báo này cho rằng sự nhiệt tình và chủ nghĩa lý tưởng của học sinh, sinh viên Hồng Kông đang bị "lợi dụng".

Bản tiếng Anh của Thời báo Hoàn Cầu nói rằng cảnh sát Hồng Kông đã rất kiềm chế trong việc xử lý những người biểu tình. Tờ báo chỉ trích gay gắt hoạt động này vì nó "làm hỏng hình ảnh của Hồng Kông". Không dừng lại ở đây, Thời báo Hoàn Cầu tiếp tục cáo buộc truyền thông Mỹ đã liên kết hoạt động biểu tình ở Hồng Kông hiện nay với sự kiện Thiên An Môn năm 1989.

"Bằng cách thổi phồng sự so sánh vô căn cứ như vậy, họ đang cố gắng đánh lừa và khuấy động xã hội Hồng Kông. Trung Quốc không còn là quốc gia của 25 năm trước. Chúng tôi đã tích lũy được kinh nghiệm và rút ra bài học từ những người khác, giúp tăng cường sự phán xét của chúng tôi khi phải đối mặt với rối loạn xã hội", Thời báo Hoàn Cầu khẳng định.

Tờ báo này cũng yêu cầu chính quyền Hồng Kông: "Có những hành động để tiếp tục ngăn chặn thiệt hại do các lực lượng cực đoan gây ra cho xã hội. Chính quyền trung ương phải hỗ trợ vững chắc cho đặc khu hành chính Hồng Kông có hành động kiên quyết chống lại các hoạt động cực đoan, bao gồm vạch rõ giới hạn đỏ về một nhà nước pháp quyền ở Hồng Kông".

Cảnh sát Hồng Kông sử dụng hơi cay, dùi cui cố gắng giải tán biểu tình.
Cảnh sát Hồng Kông sử dụng hơi cay, dùi cui cố gắng giải tán biểu tình.

Vương Cường, một giáo sư đại học Cảnh sát vũ trang Trung Quốc kêu gọi trên trang Sohu, Cảnh sát vũ trang cần được huy động để xử lý tình hình "nếu các cơ quan thực thi pháp luật Hồng Kông không làm được việc này".

Trái ngược với cách đưa tin hạn chế của truyền thông Trung Quốc, báo chí Hồng Kông đã làm nổi bật các cuộc biểu tình. Những tờ báo thân Bắc Kinh kêu gọi học sinh sinh viên kết thúc biểu tình.

Tờ Sing Tao Daily đổ lỗi cho các nhà hoạt động phong trào "Chiếm Trung ương" gây ra cuộc biểu tình "nguy hiểm". Tờ báo này cho rằng các cuộc biểu tình không chỉ ảnh hưởng đến trung tâm tài chính mà tất cả các ngành công nghiệp. Những nhà tổ chức cuộc biểu tình này phải chịu trách nhiệm.

Tờ Apple Daily khá phổ biến tại Hồng Kông có bài xã luận phê phán việc cảnh sát Hồng Kông bắn hơi cay, sử dụng dùi cui giải tán biểu tình là hành động nhẫn tâm, độc tài, không hợp lý. Truyền thông cần lên tiếng để bảo vệ những học sinh, sinh viên đang bị nhà chức trách Hồng Kông bắt nạt.

"Mọi người đã mất hy vọng với chính quyền hiện nay chỉ được lựa chọn bởi một nhóm nhỏ công dân. Chúng ta biết rằng sự quyết tâm của người dân và học sinh, sinh viên để đấu tranh cho dân chủ sẽ không bao giờ bị suy yếu", xã luận tờ Apple Daily nói.

Tờ Minh Báo khá nổi tiếng tại Hồng Kông thì chỉ trích Bắc Kinh một cách tinh tế hơn khi Trung Quốc đã không thực hiện lời hứa của họ về đảm bảo quyền tự chủ cho Hồng Kông. Hoạt động biểu tình chỉ là phản ứng bình thường dựa trên lý tưởng của tình yêu và hòa bình. Cảnh sát nên tránh sử dụng hơi cay.

Bưu điện Hoa Nam thì tỏ ra khá lạc quan trước thế hệ học sinh, sinh viên sẵn sàng đứng lên nói thật ý nghĩ của mình bằng sức mạnh của chính mình. Nếu họ thực sự trở thành những nhà lãnh đạo Hồng Kông trong tương lai, vẫn có hy vọng vào một sự thay đổi, tờ báo viết.

Hồng Thủy