Ts Trần Công Trục: 3 đề xuất của ông Vương Nghị chỉ câu giờ, chơi chữ

08/08/2013 07:39
Hồng Thủy
(GDVN) - Đã từng nhiều lần ngồi đàm phán với đoàn TQ do ông Đường Gia Triền làm Trưởng đoàn và ông Vương Nghị khi đó là thành viên đoàn đàm phán và là người kế nhiệm Đường Gia Triền sau này, nên tôi hiểu cách thức, ngôn từ, thái độ, cách ứng xử của các nhà ngoại giao TQ về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Sau đợt học tập tập thể của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) hôm 30/7, nơi ông Tập Cận Bình tuyên bố cái gọi là “phương châm” giải quyết tranh chấp lãnh hải (Biển Đông, Hoa Đông) với các nước láng giềng không thể chấp nhận được: “Chủ quyền thuộc TQ, gác tranh chấp cùng khai thác”, Ngoại trưởng TQ ông Vương Nghị đi thăm 3 nước Đông Nam Á gồm có Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.  Trong các chuyến thăm đó ông Nghị đưa ra 3 đề xuất giải quyết tranh chấp ở Biển Đông khiến nhiều học giả cũng như dư luận khu vực và quốc tế đang rất quan tâm đều tỏ ra thất vọng trước chủ trương của TQ. Xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã chia sẻ với báo điện tử Giáo dục Việt Nam một số nhận xét của ông về 3 đề xuất của phía TQ.
Tiến sĩ Trần Công Trục
Tiến sĩ Trần Công Trục

- PV: Thưa Tiến sĩ Trần Công Trục, trong chuyến công du 3 nước Đông Nam Á vừa qua của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Nghị có đưa ra 3 đề xuất về giải pháp xử lý tranh chấp Biển Đông đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đáng chú ý, giải pháp đầu tiên ông Nghị nêu ra, TQ “sẵn sàng đàm phán với các bên có liên quan trực tiếp” thay vì “TQ chủ trương đàm phán trực tiếp với các bên liên quan” như mọi khi. 

Tuy nhiên về tổng thể TQ vẫn bảo lưu quan điểm “đàm phán song phương”, thậm chí tiếp tục khẳng định cái gọi là “chủ quyền thuộc TQ” với gần như 85% diện tích Biển Đông khiến nhiều học giả và dư luận khu vực, quốc tế cảm thấy thất vọng. Ông có nhận định gì về động thái này của TQ cũng như phản ứng từ dư luận về đề xuất trên của ông Nghị?
- Tiến sĩ Trần Công Trục: Cá nhân tôi đặc biệt quan tâm, theo dõi các động thái của TQ liên quan đến vấn đề Biển Đông, trong đó có chuyến thăm và phát biểu của ông Vương Nghị, Ngoại trưởng TQ. Đây vừa là hoạt động ngoại giao, nhưng đồng thời cũng thể hiện chủ trương, đường lối của lãnh đạo TQ trong vấn đề xử lý tranh chấp ở Biển Đông. Cả Việt Nam và các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều mong muốn thông qua những hoạt động đối thoại thân thiện, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế để giải quyết những tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông vốn đang rất căng thẳng. Trong bối cảnh đó, ông Vương Nghị là đại diện ngoại giao của một cường quốc khu vực, thậm chí là quốc tế đã đến thăm, làm việc với các nước Đông Nam Á một cách chủ động như vậy, về mặt chính trị có thể thấy nó thể hiện thái độ chính trị rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn phải xem bản chất, nội dung mà ông Nghị đề cập liên quan đến vấn đề Biển Đông có gì mới hay không. Là người từng làm việc khá nhiều với phía TQ, đã từng nhiều lần ngồi đàm phán với đoàn TQ do ông Đường Gia Triền làm Trưởng đoàn và ông Vương Nghị khi đó là thành viên đoàn đàm phán và là người kế nhiệm Đường Gia Triền sau này, nên tôi hiểu cách thức, ngôn từ, thái độ, cách ứng xử của các nhà ngoại giao TQ về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra 3 đề xuất giải quyết tranh chấp Biển Đông trong chuyến công du 3 nước Đông Nam Á gồm Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra 3 đề xuất giải quyết tranh chấp Biển Đông trong chuyến công du 3 nước Đông Nam Á gồm Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông, tôi được biết ông Vương Nghị tuyên bố “TQ sẵn sàng đàm phán với các bên liên quan trực tiếp ở Biển Đông” nhưng ông Nghị cũng nhấn mạnh rằng ông không tán thành quan điểm cho rằng đàm phán song phương là không hiệu quả. So với các tuyên bố trước đây của TQ thì “đề xuất” này của Vương Nghị thực tế không có gì thay đổi ngoài việc đảo trật tự về ngôn từ.  Tôi chưa có điều kiện tham khảo văn bản gốc về phát biểu của ông Vương Nghị, nhưng xin nhấn mạnh rằng trong ngoại giao thì đàm phán “với” các bên trực tiếp và đàm phán “giữa” các bên trực tiếp là hoàn toàn khác nhau. Thực tế mà nói, TQ vẫn bảo vệ cho quan điểm đàm phán song phương, TQ chỉ chơi chữ chứ không có gì thay đổi trong quan điểm của họ. - PV: Tranh chấp Biển Đông là một vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều bên, trên nhiều khu vực, trong bối cảnh đó những tranh chấp nào có thể giải quyết qua đàm phán và thương lượng song phương? Những tranh chấp nào bắt buộc phải được giải quyết thông qua cơ chế đàm phán đa phương? 

Các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, EU đều khẳng định có lợi ích đối với việc duy trì an ninh, tự do hàng hải ở Biển Đông và luôn quan tâm thúc đẩy tiến trình đàm phán COC giữa ASEAN với TQ. Tuy nhiên Bắc Kinh lại cho rằng Biển Đông không liên quan gì tới các nước này và việc để họ tham dự là “quốc tế hóa vấn đề Biển Đông” hiểu theo nghĩa chuyện bé xé ra to, ông nhận định như thế nào về thái độ này của TQ?
- Tiến sĩ Trần Công Trục: Chúng ta cũng không bác bỏ đàm phán song phương trong các vấn đề tranh chấp chỉ giữa 2 quốc gia, ví dụ vấn đề Hoàng Sa thì chỉ giữa Việt Nam và TQ. Chúng ta phải nhấn mạnh rằng, có những vấn đề đa phương và liên quan nhiều bên thì phải giải quyết qua đàm phán đa phương, ví dụ quần đảo Trường Sa. 
Khu vực Trường Sa gồm 5 nước 6 bên tuyên bố chủ quyền không thể giải quyết qua đàm phán song phương mà các bên phải ngồi với nhau, và khi ngồi với nhau không giải quyết được vấn đề thì phải đưa ra cơ quan tài phán quốc tế, đó là điều hết sức bình thường.  Đó là chân lý bình thường, không có gì gọi là “cố tình quốc tế hóa vấn đề Biển Đông” hiểu theo nghĩa “chuyện bé xé ra to” như TQ vẫn nói. Ngoài ra, Biển Đông còn là một trong những tuyến hàng hải quốc tế quan trọng hàng đầu, các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, EU có lợi ích ở đó  thì việc trao đổi với các bên có lợi ích là điều hoàn toàn hợp lý. 
Mỹ và Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến Biển Đông, bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có thể gây thêm căng thẳng. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp nhau tại Singapore.
Mỹ và Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến Biển Đông, bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có thể gây thêm căng thẳng. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp nhau tại Singapore.
Trong quan hệ quốc tế khi anh cố tình gạt các bên liên quan đến tranh chấp ra khỏi các hoạt động đàm phán, đối thoại về tranh chấp đó là không tôn trọng họ, không tôn trọng luật pháp quốc tế.
Nếu có các sáng kiến, diễn đàn quốc tế có tính chất khoa học, khách quan giúp các bên công bố tiếng nói của mình về tranh chấp để trao đổi cùng nhau, làm rõ đúng sai thì chúng ta hoan nghênh, việc này hoàn toàn không phải là “quốc tế hóa” theo kiểu cố tình gây sự như TQ suy diễn.  Thậm chí “quốc tế hóa” vấn đề mà có lợi ích cho việc tìm đến một cơ chế giải quyết tranh chấp trong khi các bên không thể tự dàn xếp được với nhau là lựa chọn văn minh, hợp lý, hợp pháp và đáng được hoan nghênh. Chỉ động thái nào đi ngược lại lợi ích khu vực, đi ngược lại xu thế chung của nhân loại tiến bộ cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế thì chúng ta mới phản đối. - PV: Trong tuyên bố của mình, ông Vương Nghị còn đưa ra đề xuất “gác tranh chấp cùng hợp tác” ở Biển Đông. Tuy nhiên ngay trước đó ông Tập Cận Bình đã chỉ thị cái gọi là phương châm đàm phán giải quyết tranh chấp lãnh hải “chủ quyền thuộc TQ, gác tranh chấp cùng khai thác” không thể chấp nhận được. 

Tiếp đó ông Nghị nói rằng TQ sẵn sàng tham vấn COC với ASEAN nhưng lại nhấn mạnh, không nên “vội vàng” đàm phán ký kết COC. Những nỗ lực của ASEAN và các bên liên quan, cộng đồng khu vực và quốc tế thúc đẩy tiến trình đàm phán ký kết COC ông Vương Nghị lại ví von rằng “trái chín ép thì sẽ không ngọt”?! Theo Tiến sĩ, “ẩn ý” của ông Nghị và lãnh đạo TQ trong trường hợp này là gì?
- Tiến sĩ Trần Công Trục: Đề xuất thứ 2 mà ông Vương Nghị đưa ra là “gác tranh chấp cùng khai thác” chỉ là nhắc lại tuyên bố của Tập Cận Bình. Chủ trương này đã được khẳng định rõ ràng hơn, và cái cần đáng lưu ý đó là mệnh đề tiên quyết hết sức phi lý mà họ đặt ra là 85% diện tích Biển Đông thuộc TQ, điều này không ai và không bao giờ có thể chấp nhận được. Vấn đề này tôi đã phân tích kỹ trong nhận định về phát biểu của ông Tập Cận Bình hoàn toàn trái ngược UNCLOS.
Đó là chủ trương vô lý nhưng đang rất cứng rắn mà TQ không từ bỏ, thậm chí lại còn xác định vấn đề Biển Đông là lợi ích cốt lõi của TQ như Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, thuộc chủ quyền “tuyệt đối”. Hiện tại sẽ không có chuyện TQ chịu thay đổi yêu sách vô lý của họ ở Biển Đông như một số người hy vọng. Đề xuất thứ 3 của ông Nghị về COC, TQ đồng ý tham vấn COC với ASEAN nhưng ông Nghị lại nói không nên “vội vàng”. COC đã nhận được sự đồng tình cao trong khu vực, quốc tế nhằm mục đích hạn chế ngăn chặn nguy cơ xung đột trên Biển Đông vốn dĩ đang rất căng thẳng. Đó là nguyện vọng rất chính đáng của khu vực và quốc tế, kể cả Mỹ, EU, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước ủng hộ đàm phán, ký kết COC. 
Ông Tập Cận Bình, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc hôm 30/7 đưa ra cái gọi là phương châm xử lý tranh chấp lãnh hải (Biển Đông, Hoa Đông) với các nước láng giềng "chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác" không thể chấp nhận được. Điều này cho thấy tham vọng độc chiếm Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc không có gì thay đổi.
Ông Tập Cận Bình, lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc hôm 30/7 đưa ra cái gọi là phương châm xử lý tranh chấp lãnh hải (Biển Đông, Hoa Đông) với các nước láng giềng "chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác" không thể chấp nhận được. Điều này cho thấy tham vọng độc chiếm Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc không có gì thay đổi.
Lý do về việc TQ một mặt kêu gọi thúc đẩy, xúc tiến “tham vấn” COC để tỏ ra thiện chí, không đi ngược nguyện vọng chung, mặt khác lại kiếm cớ hoãn binh, thoái thác vì họ thừa biết rằng thời điểm này TQ chưa thay đổi yêu sách vô lý của mình ở Biển Đông, khi phải phải dựa vào UNCLOS để đưa ra các yêu sách thì chắc chắn không thể có COC theo như tham vọng mà TQ theo đuổi, do đó TQ sẽ không ký.
TQ đang muốn câu giờ để vận động, lobby, tăng cường hoạt động trên thực tế giành kiểm soát, khi nào đạt được mục tiêu yêu sách lưỡi bò “đứng vững” thì mới chịu ký COC. Lãnh đạo cao nhất TQ đã nói “chủ quyền thuộc TQ”, đó là đường lưỡi bò phi pháp đòi 85% diện tích Biển Đông, không có chuyện TQ sẽ lập tức thay đổi.  Vì vậy việc họ nói cứ nói, TQ sẽ không ký kết COC. Nhiều nhà phân tích tỏ ra thất vọng trước tuyên bố của ông Nghị là điều thực tế, dễ hiểu.  Trong khi TQ vẫn đổ tội cho Việt Nam, Philippines “vi phạm DOC”. Chúng ta rất chân thành, trung thực mong muốn giải quyết tranh chấp, nhưng có những yêu sách vô lý của TQ mà cả khu vực, cộng đồng quốc tế không chấp nhận, chúng ta cũng không thể chấp nhận. Việc TQ đổ tội cho các bên vi phạm DOC ở Biển Đông thực tế chẳng có ai tin, thực tế ai cũng biết chính TQ mới là người vi phạm DOC. TQ vẫn tiếp tục nói như vậy là điều đáng tiếc. Trong đàm phán các bên đều phải cầu thị, thừa nhận sự thật mới mong đàm phán có kết quả. Như TQ hiện nay, không trung thực, không căn cứ vào cơ sở pháp lý, không tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ quốc tế được điều chỉnh bằng luật pháp quốc tế thì không bao giờ có niềm tin, không thể ngồi được với nhau và không thể giải quyết được vấn đề. Vì vậy chúng ta không nên kỳ vọng những tranh chấp có thể được giải quyết ngay. - PV: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ!
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Mọi ý kiến nhận xét, đóng góp về bài viết xin quý độc giả vui lòng gửi về địa chỉ quocte@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!
Hồng Thủy