Từ chuyến đi Pả Vi, thấy mình sống tốt hơn

29/12/2011 06:00
Kim Ngân
(GDVN) - Thấy bọn trẻ háo hức nhận quần áo ấm, bánh kẹo và cười rạng rỡ khi thử đôi dép làm mình thấy ấm lòng, hạnh phúc.

Chuyến đi từ thiện của báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đến Pả Vi đã để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc cho nhiều độc giả. Đặc biệt là đối với những người lần đầu tiên đến với vùng cao thì còn quá nhiều trăn trở, suy nghĩ về làm thế nào những học sinh vùng cao được đến trường, có quần áo ấm áp, được no đủ...

Muốn trẻ có ước mơ, muốn Pả Vi giàu lên

Anh Nguyễn Văn Huy, đang là giáo viên dạy Kỹ năng sống cho các em học sinh Lớp học Hy vọng trong bệnh viện Nhi Trung ương vui mừng tham gia với đoàn từ thiện khi nhận được lời mới của tòa soạn.

Ban đầu anh Nguyễn Văn Huy không nghĩ rằng chuyến đi này là trực tiếp tặng quà, đến thăm động viên các em học sinh miền núi. Sau chuyến đi lần này, chứng kiến những hình ảnh bọn trẻ lạnh tím người, những lớp học lạnh lẽo, tạm bợ… khiến anh Huy suy nghĩ, trăn trở rất nhiều.

Anh Huy chia sẻ: “Làm sao thay đổi chính nhận thức của trẻ ở đây để biết ước mơ, để thoát nghèo, chứ không phải đơn giản là món quà, những chiếc áo ấm, hay đôi dép…của những nhà từ thiện”.

Anh Nguyễn Văn Huy trăn trở rằng muốn thay đổi nhận thức, muốn trẻ Pả Vi biết sống có ước mơ, vượt khó

“Đến điểm trường ở Mã Pì Lèng, bước vào lớp học mình thấy lạnh lẽo, thấy bọn trẻ ngồi co ro, nắm chặt hai tay mà không hiểu tiếng Kinh…thôi thúc mình cần phải làm gì giúp các em”, anh Huy tâm sự. Cảm nhận được sự đói, rét của học sinh nơi đây, anh Huy phải thốt lên: “Học trong lớp học thế này thì bọn trẻ học làm sao được”.

Thương cho học sinh vùng cao không có cơm mà ăn, quanh năm chỉ ăn món “mèn mén” (ngô nghiền ra và đem hấp lên ăn thay cơm), và phải đi lên núi kiếm củi, cắt cỏ từ khi 7, 8 tuổi, anh Huy muốn đem hơi ấm, niềm vui, lòng quyết tâm bằng tất cả tấm lòng từ cái tâm của mình.

“Nhìn bọn trẻ háo hức nhận quần áo ấm mình trao, mình không thấy thương hại. Mình không phát quà mà đó chính là trao yêu thương, trao sự sẻ chia và giúp bọn trẻ thấy rằng cần phải ham học, cần có ước mơ – mong muốn được đổi đời, làm Pả Vi giàu lên”, anh Huy trải lòng.

Trong buổi tối lửa trại giao lưu ở Pả Vi, anh Huy khuấy động không khí hơn bằng các trò chơi sôi động, hài hước. Anh Huy hỏi bọn trẻ: “Ai có ước mơ? Ai muốn Pả Vi giàu lên?” Tất cả bọn trẻ đồng thanh nói: “Tôi”.

Từ chuyến đi Pả Vi, mình sống tiết kiệm hơn

Không chỉ anh Huy mà chị Lê Thị Bích Thảo cũng có nhiều cảm xúc khi thấy hình ảnh bọn trẻ vùng cao phong phanh chiếc áo mỏng, chân không tất, ép người lại để làm ấm cho mình dưới cái giá rét 8 – 10 độ.

“Bọn trẻ hồn nhiên, ngây thơ và thiếu thốn đủ thứ từ ăn uống, quần áo, nhà cửa nhưng họ vẫn sống được, vẫn chịu được. Mình thích nhất là hình ảnh bọn trẻ háo hức chạy vào lớp thử đôi dép mới, tất mới một cách rạng rỡ, mình thấy ấm lòng lắm, thấy mình làm được chút gì đó cho bọn trẻ ở đây”, Bích Thảo bộc bạch.

Độc giả Lê Thị Bích Thảo muốn trở lại Pả Vi để đem hơi ấm cho trẻ con ở đó

Thấy những hình ảnh đó, chị Thảo xao lòng và nghĩ: “Sao trên đời hơi bất công, có người thì giàu có, ăn uống thừa thãi, quần áo mặc đủ kiểu, mà sao trên này trẻ con thiếu thốn, khổ quá!”. Ấn tượng về bọn trẻ ban đầu là thấy chúng cam chịu, sau khi tiếp xúc và trao quà, chị nhận ra rằng chúng thân thiện, có ước mơ, khát khao, muốn thay đổi, muốn giàu có…

Thảo muốn gửi tới họ lời nhắn: Hãy hy vọng và phấn đấu. “Nếu có dịp trở lại Pả Vi, mình sẽ đến giúp họ ấm hơn. Giá mình có nhiều tiền như giám đốc thì chắc mình đã làm điều gì to tát ở Pả Vi”, chị Thảo khẳng định.

Chị Thảo còn nảy ra ý định muốn mở lớp học mùa hè cho bọn trẻ, kêu gọi sinh viên lên trên Pả Vi để truyền cho các em lòng ham học, phải biết sống có ước mơ, phấn đấu.

Háo hức trước chuyến đi từ thiện này, chị Thảo còn hô hào huy động toàn công ty mỗi người quyên góp một chút để mang tất ấm, áo ấm cho học sinh vùng cao. Dù chỉ trong 3 ngày, nhưng chị đã kêu gọi được 4 triệu đồng và quy ra tất khăn và mũ trao cho bọn trẻ. Hơn nữa, chị Thảo còn “gõ cửa” công ty Hải Thiên để xin tài trợ dép tặng các em vùng cao.

Bộc bạch lý do đi với đoàn, chị Thảo tâm sự: “Chỉ là muốn giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, thấy họ vui thì mình cũng vui. Nhìn lại họ, mình thấy mình còn quá hạnh phúc, còn quá may mắn. Qua chuyến đi, mình thấy nên sống tốt hơn, học được cách tiết kiệm, tránh lãng phí”.

Chị Thảo hóm hỉnh nói rằng sau chuyến đi này, nhiều người “nghiện” từ thiện, chắc chắn sẽ tiếp tục kêu gọi ủng hộ và tham gia những chuyến đi tiếp theo với báo Giáo dục Việt Nam.

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Kim Ngân