Từ vụ trọng án giết bé gái 4 tuổi: Sự tàn ác đến từ đâu?

06/08/2012 14:52
Theo Đất Việt
Vì sao khi bước vào xã hội hiện đại, lại có nhiều trường hợp con thú trong con người lại cứ trỗi dậy hùng hổ, dữ dội, điển hình như kẻ sát nhân Đặng Trần Hoài như thế?

Một thanh niên sẵn sàng cầm dao đâm chết cha mẹ ruột chỉ vì không xin được tiền chung độ bóng đá. Một đứa cháu nội sẵn sàng tước đoạt mạng sống bà nội của mình chỉ để lấy tiền mua quà tặng sinh nhật cho bạn gái. Và mới đây, dư luận lại thêm một lần bàng hoàng trước tội ác trời không dung, đất không tha của Đặng Trần Hoài (27 tuổi) trong vụ hiếp dâm cháu bé 9 tuổi, giết chết cháu bé 4 tuổi ở Sơn Tây, Hà Nội.

Kẻ sát nhân Đặng Trần Hoài
Kẻ sát nhân Đặng Trần Hoài

Bức xúc, căm phẫn tột độ và muốn kẻ thủ ác phải đền tội ngay tức khắc, là tâm trạng chung của xã hội trước hành vi tàn độc và đầy thú tính của Đặng Trần Hoài. Đương nhiên, kẻ có tội sẽ phải đền tội, nhưng khi trấn tĩnh lại, có lẽ nhiều người sẽ day dứt tự hỏi: tội ác đến từ đâu và làm sao để ngăn chặn nó?

Vì sao chỉ vài năm gần đây mới xuất hiện những vụ phạm tội man rợ kiểu như Nguyễn Đức Nghĩa chặt đầu người yêu, Lê Văn Luyện giết cả gia đình chủ tiệm vàng và Đặng Trần Hoài xuống tay sát hại bé gái 4 tuổi chỉ để thỏa mãn thú tính bản thân?

 Rất nhiều vụ việc đã không còn chỉ dừng ở phương diện luật pháp, mà còn có những tác động xấu, lâu dài trong cộng đồng, phá hoại nghiêm trọng các chuẩn mực văn hóa, đạo đức xã hội nói chung.

Người Việt ta xưa không chuộng bạo lực, không thích đánh nhau, chỉ trừ khi bị dồn nén, trấn áp quá mức. Thời trước, người ta chỉ nói bạo lực khi ám chỉ kẻ thù, chỉ dùng bạo lực với kẻ thù. Nhưng vì sao trong xã hội hiện đại ngày nay, bạo lực lại tràn lan như thế? Bạo lực ngoài đường, đụng xe rồi thượng tay, hạ chân với nhau đã đành, đến ngay vợ chồng đầu gối tay ấp gặp chút gì không vừa ý cũng có thể dùng dao, dùng búa, con cháu giận cha giận mẹ là cũng có thể “xử” họ bằng dây để trói, bằng gậy để đánh. Xưa, chuyện này là phạm vào tội “thập ác”, nhẹ ra thì cũng lưu đày biệt xứ, nặng thì “tứ mã phanh thây”… Người xưa vẫn dạy, không “đánh hổ đã chết”, “đánh chó ngã ao”, tức là không đánh kẻ đã kém thế, yếu ớt hơn mình, bởi như thế là không cao thượng, là hèn hạ. Những người ác độc, quen dùng vũ lực với đồng loại thường được gọi là kẻ có “thú tính”, là “ác thú”, là “mất hết tính người”. Nhưng vì sao khi bước vào xã hội hiện đại, lại có nhiều trường hợp con thú trong con người lại cứ trỗi dậy hùng hổ, dữ dội, điển hình như kẻ sát nhân Đặng Trần Hoài như thế? Sau mỗi vụ án gây chấn động dư luận, người ta lại vội vàng đi tìm nguyên nhân để xem trách nhiệm thuộc về ai, gia đình, nhà trường hay xã hội, khi để xảy ra những câu chuyện đau lòng như vậy, cũng như tìm cách để có thể ngăn chặn tội ác từ mầm mống, thay vì để chúng có cơ hội phát triển. Nhưng rồi những vụ án gieo rắc kinh hoàng cho cả xã hội vẫn cứ tiếp diễn... Cách đây hơn một trăm năm, Karl Marx đã chỉ ra rằng, kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường là “dìm tất cả các mối quan hệ xã hội vào lớp băng lạnh giá của sự tính toán vị kỷ”, là biến mọi loại tình cảm giữa con người với con người thành thứ “quan hệ trả tiền ngay không tình không nghĩa”, quan hệ “tiền trao cháo múc”. Nhưng có lẽ nhiều người không nhớ điều này. Người ta vẫn nói nhiều đến mặt trái của kinh tế thị trường, song thật sự không ít người lại nghĩ rằng còn lâu nó mới tới gõ cửa nhà mình, trong khi những người khác lại tỏ ra vô cảm với nó. Phải chăng vì thế mà chúng ta vẫn chỉ thường lên tiếng khi sự việc đã xảy ra một cách đáng tiếc, trong khi đáng ra có thể ngăn chặn, phòng ngừa tốt hơn các vụ việc nhức nhối toàn xã hội?
Theo Đất Việt