Tướng Lê Mã Lương: Thư gửi lãnh đạo TQ khơi gợi lòng tự hào dân tộc

03/04/2013 14:55
Hồng Chính Quang
(GDVN) - Hai lá thư của học sinh lớp 4 Việt Nam gửi lãnh đạo Trung Quốc phản đối việc gây gấn trên biển, đã gây xúc động sâu sắc cho anh hùng Lê Mã Lương.
Được phong Anh hùng khi mới chỉ 21 tuổi, Thiếu tướng Lê Mã Lương đã từng được các thế hệ thanh niên Việt Nam kính nể và lấy đó làm tấm gương để noi theo. Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Mã Lương về những vấn đề liên quan đến bức thư của học sinh lớp 4 gửi lãnh đạo Trung Quốc cũng như niềm tin vào thế hệ thanh niên Việt Nam hiện nay.

Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nói về lá thư của học sinh lớp 4 gửi lãnh đạo Trung Quốc, tướng Lê Mã Lương cho biết: “Đó là việc rất đáng hoan nghênh mà cả nước nên có nhiều việc làm như thế. Nó giống như một bức thư ngỏ và dưới góc độ nào đó, nó như một phần ngoại giao nhân dân góp phần vào ngoại giao chính thống của nhà nước là điều hết sức tuyệt vời. Ngoại giao nhân dân mang tính mềm mại nhưng rất quyết liệt, mạnh mẽ. Đó là thứ ngoại giao mềm, sâu sắc mà đầy tính nhân văn.
Để lên án hành động sai trái nào đó, không chỉ có các phương tiện báo chí, người phát ngôn nêu vấn đề đó mà nó thể hiện ngay hành động của nhân dân trong nước và thể hiên ngay trong các cháu thanh thiếu niên. Đó là điều rất hay. Và điều này cũng chứng tỏ nhân dân ta rất quan tâm đến tình hình, vận mệnh của đất nước chứ không như nhiều người vẫn nghĩ chỉ có lo bát cơm manh áo. 

Bức thư này nói riêng và cách định hướng các em học sinh của cô giáo Nguyệt Anh đã khơi gợi lòng tự tôn, tự hào dân tộc – một dân tộc hàng ngàn năm phải kháng chiến chống xâm lược từ thế hệ này sang thế hệ khác. 
Trước các hiện tượng như báo chí nêu như SGK có cờ Trung Quốc, nho ở siêu thị dán cờ Trung Quốc, đèn lồng có chữ “TAM SA”… tôi cho rằng đó là những việc làm không phải vì động cơ chính trị mà chỉ vì cái lợi. Nhưng nó lại làm phương hại đến hình ảnh Việt Nam, lòng tự tôn của người Việt Nam. Không có nhiều người làm như vậy nhưng dễ hình thành một bộ phận không nhỏ những người đặt lợi ích của mình lên trên hình ảnh của đất nước.
Một đoạn trong bức thư gửi lãnh đạo Trung Quốc của em Trương Ánh Dương (Câu lạc bộ bồi dưỡng năng khiếu Văn của Lớp 4 Trí Đức, HN)
Một đoạn trong bức thư gửi lãnh đạo Trung Quốc của em Trương Ánh Dương (Câu lạc bộ bồi dưỡng năng khiếu Văn của Lớp 4 Trí Đức, HN)
Và nếu như ai trong số những người làm những việc làm trên đọc được bức thư của các cháu gửi lãnh đạo Trung Quốc thì hẳn người đó sẽ phải ngượng với việc làm của mình trước các cháu. Dù còn bé những các cháu đã ý thức được lòng tự hào, tự tôn dân tộc…".

Nói về thế hệ trẻ của Việt Nam, anh hùng Lê Mã Lương cho rằng: “Việc giới trẻ đam mê văn hoá nước ngoài mà một bộ phận thanh niên Việt Nam tiếp thu đến say mê, cuồng nhiệt thì đó cũng là điều bình thường trong quá trình hội nhập văn hoá. Vấn đề là các nhà quản lý ở tầm vĩ mô định hướng như thế nào để thanh niên tiếp thu, làm phong phú văn hoá bản địa.

Tướng Lê Mã Lương xúc động nói: “Tôi rất tin tưởng thế hệ thanh niên bây giờ. Thế hệ ngày nay vẫn rất xứng đáng với lịch sử. Trong trường hợp nào đó, dù rất không ai muốn nhưng nếu có chiến tranh xảy ra, cả dân tộc sẽ vứt bỏ tất cả để lên đường bảo vệ dân tộc này, đất nước này với lòng tự hào dân tộc. Và nếu có diễn biến như thế, thanh niên lại lên đường và xứng đáng với thế hệ đi trước. Sự tin tưởng này có cơ sở khoa học chứ không phải là một sự viển vông. Lịch sử đã chứng minh điều đó vì lòng tự hào, tự tôn dân tộc đã đi vào con tim, ngấm vào máu mỗi người rồi".
Hồng Chính Quang