Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

"Vấn đề biển Đông, nếu không cẩn thận sẽ mắc phải âm mưu kích động"

29/06/2013 08:12
Ngọc Quang
(GDVN) - "Tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, các kênh ngoại giao song phương, đa phương, chúng ta đều thể hiện rõ ràng, nhất quán quan điểm giải quyết vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Với tinh thần độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ… phải xử lý làm sao để giữ môi trường hòa bình. Nếu xảy ra va chạm, xung đột thì tình hình đất nước thế nào? Còn môi trường hòa bình mà phát triển không? Nếu không cẩn thận sẽ mắc phải âm mưu kích động”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh.

Chiều 28-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội Đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Ba Đình để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Tại buổi tiếp xúc này, nhiều cử tri đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13 của Quốc hội, đặc biệt là công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cử tri đề nghị chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm theo hai mức là tín nhiệm và tín nhiệm thấp, hoặc không tín nhiệm.

Qua lấy phiếu tín nhiệm, nhiều thành viên Chính phủ có phiếu tín nhiệm thấp, Quốc hội đã phân tích nguyên nhân chưa, để các thành viên Chính phủ rút kinh nghiệm, khắc phục. Cử tri kiến nghị, đối với đại biểu Quốc hội cũng nên để cử tri nơi đại biểu Quốc hội đó cư trú được đánh giá bằng phiếu tín nhiệm.

Nhiều cử tri khác này tỏ băn khoăn trước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt kết quả như mong muốn; đề nghị kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng.

Cử tri cũng bày tỏ quan tâm về một số vụ việc liên quan đến quản lý đất đai tại Đà Nẵng, hoạt động của Vinashin, Vinalines và đề nghị cho biết đúng, sai thế nào? Xử lý đến đâu để cử tri và nhân dân cùng biết? Cử tri cũng nêu quan điểm về xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trong đó có vấn đề đổi tên nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lắng nghe và giải đáp thắc mắc của bà con cử tri quận Ba Đình (Hà Nội).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lắng nghe và giải đáp thắc mắc của bà con cử tri quận Ba Đình (Hà Nội).

Lắng nghe ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp chân thành của cử tri để phản ánh với Quốc hội, các bộ, ngành chức năng. 

Trước những quan tâm của bà con cử tri với tình hình biển Đông, Tổng Bí thư cho biết, đây là vấn đề rất lớn và liên quan đến nhiều nước. Chúng ta đã có Chiến lược về phát triển biển; Quốc hội cũng đã thông qua Luật Biển.

Trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, chúng ta đều tham gia, khẳng định rõ quan điểm, kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển đảo của Tổ quốc, đồng thời bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước, không mắc vào âm mưu không lành mạnh.

“Đây là vấn đề liên quan đến nhiều nước, đến an toàn tự do hàng hải, liên quan đến độc lập chủ quyền quốc gia, hòa bình ổn định trong khu vực, cần xử lý bình tĩnh, tỉnh táo.

Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều hết sức coi trọng vấn đề này, chúng ta đã có cả Chiến lược về biển, đảo; đã thông qua Luật Biển Việt Nam; thành lập Ban chỉ đạo về biển Đông...
Tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, các kênh ngoại giao song phương, đa phương, chúng ta đều thể hiện rõ ràng, nhất quán quan điểm giải quyết vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Với tinh thần độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ… phải xử lý làm sao để giữ môi trường hòa bình. Nếu xảy ra va chạm, xung đột thì tình hình đất nước thế nào? Còn môi trường hòa bình mà phát triển không? Nếu không cẩn thận sẽ mắc phải âm mưu kích động”, Tổng Bí thư cho biết.

Về việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Tổng Bí thư nêu rõ, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến gửi tới Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đây là sinh hoạt dân chủ trong đời sống chính trị đất nước.

 “Điều 4 của dự thảo là thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”, Tổng Bí thư khẳng định.

Xung quanh những thông tin đề nghị đổi tên nước, Tổng Bí thư chia sẻ: “Đã 37 năm rồi, có cần thiết đổi lại không? Thay đổi đặt ra nhiều vấn đề phúc tạp”.

Đối với vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, cần phân biệt lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. “Lấy phiếu tín nhiệm là thăm dò tín nhiệm, không chỉ tiến hành ở Quốc hội mà cả các cơ quan Đảng.

Quan trọng là công tâm, khách quan, trong sáng. Kết quả vừa qua cơ bản phản ánh đúng tình hình thực tế, những người đứng đầu các ngành then chốt có số phiếu tín nhiệm thấp, cần cố gắng nhiều hơn, tự điều chỉnh, cải tiến tốt hơn”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư khẳng định tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng, đây là vấn đề chiến lược, một việc cụ thể nhưng có tính chất chiến lược; Đảng có trong sạch mới lãnh đạo được, có vững mạnh mới tiến lên được. Ông nói: “Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, lấy phiếu tín nhiệm chỉ là ngăn chặn, răn đe một bước, còn nhiều biện pháp khác, trong đó có việc xây dựng cơ chế chính sách.

Sắp tới cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết quan trọng này, phải làm thường xuyên, làm đi làm lại như “đánh răng, rửa mặt” hàng ngày. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng phải đặt trong tổng thể, chính trị ổn định, đối ngoại phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững, kinh tế-xã hội phát triển bền vững, tính toán đầy đủ, toàn diện, biện chứng, làm từng bước vững chắc”.
Ngọc Quang