Về "căn bệnh vào nhầm chỗ, ngồi nhầm ghế" ở Việt Nam

16/04/2013 13:38
Bùi Hải
(GDVN) - Lê Hoàng là một đạo diễn giỏi. Anh có cái miệng lưỡi sắc lẻm và một cái đầu thông minh, thích suy nghĩ khác người.
Chức danh của ông Dũng trên thiệp mời cưới con trai. Ảnh: Thiên Phước (vnexpress).
Chức danh của ông Dũng trên thiệp mời cưới con trai. Ảnh: Thiên Phước (vnexpress).

Nhưng điều đó không cứu được những bàn thua thê thảm nhất trong vai trò giám khảo bước nhảy hoàn vũ và cặp đôi hoàn hảo, khi anh liên tục chê tiết mục hay và thưởng điểm cao vọt cho tiết mục tồi.

Người chuyên đi khuyên răn người khác, lại bị chính những đàn em ngồi ghế nóng giám khảo "dạy lại", vặn vẹo về chuyên môn.

Dĩ nhiên, đứng trước các chuyên gia, Lê Hoàng buộc phải im lặng. Im lặng vì  anh đã vào nhầm chỗ. Sân khấu nhảy nhót và ca hát không phải là trường quay  một bộ phim mà ở đó Lê Hoàng có thể quát diễn viên như cô giáo mầm non mắng trẻ. Từ  cổ chí kim, chả có đứa trẻ nào, trừ thần đồng, dám bật lại cô giáo.

Nhưng việc vào nhầm chỗ của một nhân vật showbiz, cùng lắm chỉ có thể mang đến sự bực bội nhất thời. Còn sự nhầm chỗ của công bộc, mới mang lại những hậu quả tai hại.

Ngày 3/4/2013 ông trung tá, Phó trưởng Công an huyện Chợ Mới, An Giang Lê Đức Nhã đã bị cách chức vì “vào nhầm chỗ”.

23h đêm, con người đại diện cho cơ quan chính thống, đầy quyền uy ấy đã lén lút mò vào nhà phụ nữ vừa ly dị chồng. "Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn", ông trung tá bị người dân “bắt quả tang” bằng cách khóa trái cửa, nhốt đôi uyên ương kẹt cứng trong tổ ấm của… người khác.

Dù ngôi nhà mà ông vào nhầm ấy chỉ cách trụ sở công an huyện có vài trăm mét, nhưng chắc chắn ông Nhã không vô tình nhầm. Cái nhầm đầy toan tính của ông là muốn thêm một “thứ phi”, trong khi từ lâu ông đã có “chính cung hoàng hậu”

Trước đó ít lâu, một bí thư đảng ủy xã ở Chương Mỹ, Hà Tây cũng đã phải trốn vào khe tường vì 21h đêm người dân còn phát hiện ông này “viếng thăm nhầm” buồng ngủ của vợ một quân nhân xa nhà, với tư thế chui lủi chẳng khác gì một tên trộm.

Một số công bộc khác lại chứng tỏ trình độ nhầm nhọt một cách tinh vi hơn: "Ghi nhầm" chức Phó ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thành phố Cần Thơ lên thiệp mời cưới con của ông Nguyễn Hùng Dũng; công văn "mời" các cơ quan đoàn thể đến đám tang cha ông Trưởng công an huyện Giồng Giềng, Kiên Giang; thiệp mời ăn giỗ mẹ "ghi nhầm" chức danh của ông Nguyễn Công Lý, chủ nhiệm UBKT thị xã Đồng Xoài, Bình Phước...

Trong chiến dịch bêu danh trên tivi những cán bộ, công chức ăn cắp giờ công ở Quảng Trị, đoàn kiểm tra còn phát hiện tình trạng cả một tập thể... đồng tình    vào nhầm chỗ.

Hai giờ chiều, UBND phường 1, TP. Đông Hà vẫn khoá trái cửa, để mặc dân và cả vị nguyên lãnh đạo tỉnh chờ dài cổ ngoài sân. Thì ra tập thể uỷ ban đi  đám ma. Họ quên mất chỗ của họ trong giờ hành chính là ở trong trụ sở, phục vụ dân, chứ không phải là đứng ở nghĩa địa nghe tiếng kèn ai điếu để chứng tỏ tình sâu nghĩa đậm với tang gia.

Đó là chuyện ở xã, cấp hành chính bé nhất. Ở cấp hành chính thuộc loại cao nhất như Văn phòng Chính phủ thì sao.?

Bộ trưởng, chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cũng đã phải thừa nhận, ngay tại Văn phòng Chính phủ, bên cạnh những cán bộ chăm chỉ, vẫn có những người "rất nhàn rỗi". Rất có thể người "rất nhàn rỗi" này đã vào nhầm chỗ ngay tại một cơ quan rất quan trọng của đất nước.

Nguyên bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, khi được điều về làm Bí thư tỉnh uỷ Nghệ An trong 3 năm, đã cho tới 9 bí thư huyện uỷ ngồi nhầm ghế thôi chức.

Khi ông Nguyễn Bá Thanh làm lãnh đạo Đà Nẵng, những lãnh đạo sở, quận huyện nào, mới chỉ có biểu hiện ngồi nhầm ghế, đã bị truy đến nơi đến chốn hoặc bị điều chuyển.

Như vậy có thể thấy rằng, có nhiều cách để chữa căn bệnh "vào nhầm chỗ", "ngồi nhầm ghế", nhưng cách hiệu quả nhất, đó là dám trao ghế, trao quyền cho những người tài không lo giữ ghế bằng mọi cách như ông Tuyển, ông Thanh.

Tiếc rằng, những người như ông Tuyển ông Thanh ít quá!

Bùi Hải