Vì sao nhiều cán bộ ngang ngược, không sợ gì ai?

18/01/2021 10:12
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Lê Như Tiến: "Giao nhiệm vụ, giao quyền lực cho cán bộ, nhưng cơ chế kiểm soát chưa chặt chẽ nên dẫn tới lạm quyền, lộng quyền và tự tung tự tác".

Trước thềm Đại hội Đảng XIII, nhân dân cả nước đều kỳ vọng việc chọn lựa người tài kế tục và phát huy những thành tựu của đất nước và khắc phục những điều chưa thực sự tốt.

Nhiệm kỳ vừa qua, được đánh giá là một nhiệm kỳ để lại dấu ấn thời đại về thực hiện phòng, chống tham nhũng trong cả hệ thống chính trị. Lần đầu tiên trong hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng được vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, giành được kết quả làm nức lòng nhân dân cả nước.

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho biết: “Trong thời gian vừa qua công tác phòng, chống tham nhũng đã vươn lên từng bước, làm quyết liệt, triệt để và theo tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Trong nhiệm kỳ vừa qua đã có hơn 100 cán bộ đảng viên viên do Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, có những người bị vào vòng lao lý. Việc làm này khẳng định vị thế vững chắc của Đảng, tạo sự tin tưởng cao với nhân dân.

Chúng ta quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cái đó theo tôi cho là minh chứng rõ nhất khẳng định không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Kể cả những người từng là Bộ trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị… nếu đã vi phạm pháp luật thì đều phải xử lý nghiêm minh, như vậy mới đủ sức răn đe với những cấp thấp hơn. Thời gian vừa qua, chúng ta làm rất tốt, đường lối, cách thức thực hiện đúng đắn”.

Ông Lê Như Tiến: Kiểm soát quyền lực cần có sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương tới địa phương. ảnh: NQ.

Ông Lê Như Tiến: Kiểm soát quyền lực cần có sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương tới địa phương. ảnh: NQ.

Theo ông Lê Như Tiến, để đưa ra những quyết định đúng đắn về đường lối, chính sách thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, vai trò của người đứng đầu, người lãnh đạo rất quan trọng, mang tính chất quyết định.

“Lò” đốt những kẻ tham nhũng, sai phạm làm thất thoát về kinh tế, ảnh hưởng đến hình ảnh của Đảng, nhà nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân.

“Củi” không phân biệt tươi, khô chỉ cần có dấu hiệu là phải xác minh làm rõ, nếu phát hiện có sai phạm chắc chắn sẽ nhận hậu quả.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự nghiêm khắc, kiên quyết thực hiện nguyên tắc “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” để đưa “củi” vào “lò”.

Ông Tiến chia sẻ: “Trong thời gian vừa qua, tôi nhận thấy đường lối rất đúng đắn là chúng ta biết vận dụng hiệu quả vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật với quy trình điều tra, truy tố, xét xử, phối hợp rất tốt với các cơ quan của Đảng và nhà nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương… Việc xử lý sai phạm của cán bộ làm từng bước thận trọng, kiên quyết”.

Nói về nguyên nhân của các vụ trọng án được phát hiện sau, thậm chí rất lâu sau khi những “con sâu” đã “leo cao, chui sâu”, đảm nhiệm một vị trí khác quan trọng hơn, nhiều quyền lực hơn trong bộ máy chính trị, ông Lê Như Tiến cho rằng: “Nguyên nhân chủ yếu vẫn là cơ chế kiểm soát quyền lực. Giao nhiệm vụ, giao quyền lực cho cán bộ nhưng cơ chế kiểm soát quyền lực chưa chặt chẽ nên dẫn tới lạm quyền, lộng quyền và tự tung tự tác.

Như vậy thì chắc chắn dẫn đến sai lầm, sai phạm. Lúc ấy, chúng ta vừa thiệt hại kinh tế lại mất đi nhiều cán bộ, thiệt hại uy tín của tổ chức. Do đó, tôi cho rằng cần phải tập trung vào vấn đề kiểm soát quyền lực.

Chúng ta có đầy đủ các cơ quan, thanh tra, chính quyền, đoàn thể từ các bộ, ban, ngành, địa phương. Chúng ta có cơ quan kiểm tra của Đảng, có cơ quan giám sát, tai mắt của nhân dân, thì tại sao vẫn xảy ra những câu chuyện tham nhũng, cố ý làm trái như thế? Đó là vấn đề sử dụng cán bộ và cũng cho thấy vẫn còn những kẽ hở trong chính sách, trong quy trình quản lý”.

Tình trạng lộng hành, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, vơ vét, đục khoét, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn không ít. Vấn đề này đã được các đồng chí lãnh đạo nhiều lần đề cập và nhắc nhở các ngành, các cấp phải tiếp tục chấn chỉnh, xử lý.

Có thể thấy rằng, việc kiểm soát quyền lực thiếu sự chặt chẽ, có kẽ hở thì sẽ dẫn đến hậu quả không thể lường trước, mà rõ ràng nhất chính là các vụ trọng án, đại án trong 5 năm vừa qua.

Theo ông Lê Như Tiến: “Chúng ta chưa thực sự làm tốt việc xử lý thu hồi tài sản tham nhũng hay kê biên tài sản xử lý với những trường hợp cố ý làm trái. Vậy những khoản tiền ấy đã được tẩu tán đi đâu? Đây là vấn đề rất cần phải được xem xét lại để công tác xử lý thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả tốt hơn.

Không chỉ có vấn đề tài sản mà những kẻ tham nhũng, vi phạm pháp luật cao chạy, xa bay ra nước ngoài làm chúng ta rất vất vả, rất tốn kém để truy bắt như Trịnh Xuân Thanh, Hồ Thị Kim Thoa và mới đây như vụ Nhật Cường mobile.

Sự phối hợp của cơ quan các cấp trong bộ máy chính trị nhiệm kỳ vừa qua về công tác phòng, chống tham nhũng đã làm tốt rồi nhưng các biện pháp phòng ngừa chúng ta hoàn toàn có thể chuẩn bị trước như phong tỏa tài khoản, không để những kẻ sai phạm trốn ra nước ngoài, ngăn chặn xuất cảnh... Những công tác này cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn và đạt kết cao hơn nữa trong thời gian tới".

Ba bị can vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu, nước giải khát Sài Gòn gồm: Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương – bà Hồ Thị Kim Thoa (đang bị truy nã), ông Vũ Huy Hoàng – cựu Bô trưởng Công thương và ông Phan Chí Dũng - cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công thương.

Ba bị can vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu, nước giải khát Sài Gòn gồm: Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương – bà Hồ Thị Kim Thoa (đang bị truy nã), ông Vũ Huy Hoàng – cựu Bô trưởng Công thương và ông Phan Chí Dũng - cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công thương.

Kiểm soát quyền lực không phải là một vấn đề của riêng cấp ngành nào, mà bắt buộc phải có sự gắn kết, đồng bộ từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương, để tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, hời hợt, qua loa.

Trong bộ máy nhà nước hiện nay có luật khung, luật ống, thế nhưng sự chằng chéo, chưa chặt chẽ tạo nên những lỗ hổng mà các cá nhân với tư tưởng tham lam, tư lợi cá nhân lợi dụng để chiếm đoạt của công làm của tư, dẫn đến sai phạm, tham nhũng.

Thế nên, theo ông Lê Như Tiến việc kế tục và phát huy những thành tựu của nhiệm kỳ trước là điều hết sức cần thiết vì đường lối, chính sách vô cùng đúng đắn. Nhưng để hiệu quả hơn nữa thì việc kiểm soát quyền lực cần thắt chặt hơn, đẩy mạnh hơn.

Trao quyền cho những người có phẩm chất, đạo đức tốt, đáng tin cậy và là hiền tài của quốc gia. Trừng trị thật nghiêm những kẻ vi phạm quốc pháp, tham nhũng, gây thất thoát tài sản, làm giảm uy tín của Đảng, nhà nước, lòng tin của nhân dân.

Muốn lựa chọn được người của dân, do dân, vì dân thì cần phải lắng nghe và thấu hiểu nhân dân. Lấy nhân dân làm gốc để chọn được người đủ tài, đủ đức, có khả năng để làm những cán bộ cốt cán trong bộ máy chính trị.

Kiểm soát quyền lực cần chặt chẽ và kịp thời hơn trong việc xử lý vụ việc, xử lý tài sản nhằm không để thất thoát, tẩu thoát về tài sản, người vi phạm trốn chạy ra nước ngoài, để vừa mang lại hiệu quả triệt để, đúng người, đúng tội, thu hồi được hết những tài sản sai phạm. Nếu làm được như vậy thì sẽ củng cố mạnh mẽ hơn lòng tin của nhân dân vào Đảng, nhà nước rằng đường lối xử lý nghiêm túc, không vùng cấm, không ngoại lệ.

Cuối cùng là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nhân sự, hành chính, kỹ thuật, đường lối, chính sách giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương để khi có dấu hiệu sai phạm xảy ra, các công tác phối hợp diễn ra nhanh chóng, mang lại hiệu quả cao nhất. Đó là gắn kết sự chặt chẽ một khối từ trên xuống dưới, không có kẽ hở, tội phạm tham nhũng không thể thoái lui, đẩy tội khi vi phạm pháp luật.

Ông Lê Như Tiến nêu quan điểm: "Bác Hồ đã dạy 'Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém'. Chúng ta phải nỗ lực cố gắng thực hiện thật tốt lời dạy của Người, đó là điểm quan trọng quyết định tương lai của đất nước.

Về vấn đề này, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ rõ, cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mặt trọng yếu toàn bộ hoạt động của Đảng ta, là nhân tố quyết định sự thành công của cách mạng...

Tôi hy vọng ở Đại hội XIII tới đây, chúng ta tiếp tục lựa chọn được những đồng chí vừa có đức vừa có tài để gánh vác những công việc trọng đại, đưa dân tộc ta đến với những thành công rực rỡ hơn".

Cao Kim Anh