Vì sao tôi ngừng đi xe buýt?

25/10/2011 07:13
Tran Nguyen Van (Vnexpress)
(GDVN) -Có rất nhiều các lý do khác nhau khiến cho người dân, công chức ở Hà Nội và TP HCM chưa hoặc không có ý định sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại...

Thưa các bạn. Tôi là một công chức đang làm việc ở Hà Nội, tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng của Bộ truởng Đinh La Thăng về việc vận động người dân Hà Nội chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng để giảm tải giao thông trong thành phố. Tuy nhiên đây chỉ là ý tưởng đúng, còn phương pháp thực hiện thì còn rất nhiều vấn đề, tôi xin đơn cử ra vấn đề của riêng bản thân tôi.

Hành khách khổ sở để chen được một chỗ lên xe buýt.
Hành khách khổ sở để chen được một chỗ lên xe buýt.

Không phải đợi đến lúc Bộ trưởng kêu gọi tôi mới dùng xe buýt, tôi ý thức được sự tiện lợi và thể hiện trách nhiệm xã hội trong việc sử dụng phương tiện công cộng, tôi sử dụng xe buýt để đi lại trong thành phố từ giữa năm 2011. Tuy nhiên đến hôm nay thì tôi không thể đi xe buýt được nữa vì những lý do sau:

Vấn đề trộm cắp trên xe buýt:

Sử dụng xe buýt được gần 4 tháng thì tôi bị mất ví tiền đến 2 lần. Lần thứ nhất là tại trạm trung chuyển Cầu Giấy (Hà Nội), lúc đó là 6h30 sáng, trạm trung chuyển xe buýt chật kín người.

Tôi chờ xe buýt để đi từ trạm trung chuyển về đường Hoàng Quốc Việt, với cung đường này tôi có thể bắt các tuyến xe 07, 38, 28. Tôi chờ khoảng 10 phút, có một vài chuyến xe đi qua nhưng do khách đầy xe nên tài xế xe buýt buộc phải bỏ bến. Sau đó có xe số 38 dừng lại đón khách, đám đông chen lẫn xô đẩy để lên xe, mặc dù không muốn chen lấn nhưng không thể đứng ngoài cuộc bởi vì nếu không thì sẽ không lên được xe.

Tôi đang cố gắng lên xe thì có một thanh niên, chen ngang cạnh tôi dùng khuỷu tay như muốn cố gắng vượt lên hoặc giữ tôi lại. Khi đã lên trên xe rồi thì tôi phát hiện ví tiền đã không còn, tôi chỉ mặt thanh niên này và đề nghị gã cùng xuống xe trả lại ví cho tôi, gã to mồm cãi lại và định đánh tôi. Xung quanh mọi người thờ ơ đứng xem, tôi không thể làm gì hơn nên đành chịu, buộc phải xuống thang nói với gã: "Thôi đàng nào chú cũng mất rồi, chú không tiếc tiền, mày bảo bạn mày cứ lấy tiền trong ví đi, trả lại giấy tờ cho chú".

Một mặt thanh niên này vẫn chối nhưng tự nhiên từ đám đông ví của tôi được ném ra rơi đúng vào chân tôi, trong ví số tiền đã mất hết (khoảng gần 1 triệu đồng) nhưng giấy tờ vẫn còn nguyên. Tôi tự nhủ mình: "Thôi, tiền chẳng mất bao nhiêu, còn nguyên giấy tờ là tốt rồi, mình đã biết phương thức làm ăn của bọn ăn cắp, từ nay bọn nó đừng hòng móc của mình thêm một lần nữa".

Than ôi, không phải như thế, đây chỉ là một chiêu thôi, bọn móc túi có 360 chiêu cơ. Vài ngày sau tôi đi xe tuyến 60 từ Bến xe Nước Ngầm về bến Mỹ Đình, lúc tôi lên xe là 5h45 phút, trên xe đông chật cứng người, thậm chí tôi chỉ đứng được một chân. Xe đi qua phố Nguyễn Tuân, có người xuống xe chừa ra một chỗ trống cạnh tôi, tôi thấy một thanh niên đừng cạnh tôi cũng cố gắng đẩy tôi như giả vờ dành chỗ trống đó.

Và kết quả là ví của tôi lại mất, lúc đó tôi mặc quần bò nên lúc ví bị rút ra tôi biết. Nhưng thanh niên này dùng hai tay như ôm lấy tôi, tôi hét lên mất ví và chỉ mặt thanh niên này, lại chiêu bài chối đây đẩy" "Chú không tin thì cháu cho chú khám người cháu đi". Trên xe không ai dám nói gì, phụ xe biết chuyện nhưng không thể làm gì hơn, và kết quả lầm này là vừa mất tiền vừa mất ví.

Thực trạng xe buýt quá tải: Qua 4 tháng đi làm bằng xe buýt tôi luôn luôn phải chen lấn xô đẩy do lúc nào xe cũng ở tình trạng đông khách, tìm được chỗ ngồi là cả một sự xa xỉ. Bộ trưởng Giao thông có nói là mọi người chủ động giờ đi của mình nhưng thử hỏi đúng 8h sáng phải có mặt ở cơ quan thì chẳng nhẽ chúng tôi phải đi làm từ 5h sáng? Vì thực tế là từ 6h trở đi là xe buýt đã chật cứng người. Còn buổi chiều thì chúng tôi tan sở lúc 17h, chẳng nhẽ lại phải chờ đến 19h rời cơ quan?

Sự quá tải của lái xe và phụ xe: Nhiều lái xe và phụ xe rất nóng nảy, quát tháo hành khách. Lúc đầu tôi nghĩ đó là do một số lái xe, phụ xe không lịch sự, nhưng sau đó tôi thấy hầu như lái xe, phụ xe nào cũng vậy, tôi nói chuyện một số lái xe, phụ xe mới thấy họ luôn ở vào tình trạng rất bức xúc.

Một ngày phải chạy tới 2 ca xe, rất căng thẳng và mệt mỏi, thu nhập thì thấp, va quyệt vào đâu là đi mất cả tháng lương vì thế họ rất bức xúc. Đòi hỏi sự nhẹ nhàng và lịch sự ở lái xe, phụ xe là điều không thể.

Số lượng xe chạy giờ cao điểm ít và kém chất lượng: Do không đủ xe để phục vụ khách nên mới xảy ra hiện tượng chen lấn xô đẩy, vì vậy mới có đất cho bọn trộm cắp hoạt động, và cũng vì xe không đủ nên khách đi xe phải chờ lâu rất mất thời gian.

Hệ thống xe buýt cũng quá cũ kỹ, nếu như trước đây thời bao cấp thì có thể chấp nhận đuợc, nhưng bây giờ mặt bằng xã hội đã khác, chúng ta phải thay đổi quan điểm từ "xe buýt phục vụ cho người ít tiền" sang "xe buýt phục vụ người dân trong thành phố" thì người dân mới có thể dùng xe buýt.

Còn một số lý do nữa nhưng đây là những nguyên nhân chính khiến tôi, từ hôm nay tôi phải từ bỏ ý định đi làm bằng xe buýt. Thiết nghĩ ý tưởng của Bộ trưởng Đinh La Thăng là đúng, rất trách nhiệm, nhưng để thực hiện được thì cần có các giải pháp đồng bộ khác để chúng tôi, những người dân bình thường có thể dùng xe buýt thay thế cho phương tiện cá nhân.

Tran Nguyen Van (Vnexpress)