Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Video: Hé lộ "ông trùm" và luật ngầm của giới siêu trộm Hà thành (P1)

19/10/2012 07:27
Thế Long - Thảo Lăng
(GDVN) - Theo đúng những gì Khánh “khai” ở CQĐT, “thế giới ngầm” ấy được tổ chức một cách bài bản, có đại ca lãnh đạo, có lớp học truyền nghề và cả những luật ngầm khiến bất kỳ “anh hùng hảo hán” nào trong giới cũng phải run lên bần bật khi nhắc đến.
Mới đây, ngay sau khi báo điện tử giaoduc.net.vn điểm mặt những siêu trộm Hà Thành, thật bất ngờ, Chu Xuân Khánh (SN 1989), một trong những "Cao thủ" được xếp vào TOP đầu bảng vẫn tiếp tục hành nghề và bị Tổ số 1, thuộc tổ công tác đặc biệt 142/CATP Hà Nội tóm gọn khi đang “ăn hàng” trên xe buýt.

Tuy nhiên, điều khiến phóng viên ngạc nhiên không phải sự “liều lĩnh” của cao thủ “hai ngón” mà bởi những hé lộ của Khánh về thế giới ngầm trong giới siêu trộm Hà Thành. Theo đúng những gì Khánh khai ở CQĐT, “thế giới ngầm” ấy được tổ chức một cách bài bản, có đại ca lãnh đạo, có lớp học truyền nghề và cả những luật ngầm khiến bất kỳ “anh hùng hảo hán” nào trong giới cũng phải run lên bần bật khi nhắc đến.

Khánh quê ở xã Đồng Tâm, Ứng Hòa, Hà Nội, một làng quê bình dị mà người dân lâu nay quen với cây lúa, củ khoai. Hắn có một hoàn cảnh “khá đặc biệt”. Từ khi còn nhỏ, không hiểu lý do gì, bố mẹ Khánh đã bỏ nhau, rồi cả hai bỏ luôn đứa con bé dại cho ông bà ngoại nuôi nấng. Lớn lên trong môi trường thiếu sự dạy dỗ, chăm bẵm của bố mẹ, Khánh học hành dang dở. Không có học vấn, chẳng có nghề nghiệp gì trong tay, Khánh bỏ quê ra Hà thành phồn hoa đô hội kiếm sống.

Những ngày đầu, hắn vật vờ, lang thang ở trạm trung chuyển xe bus Cầu Giấy. Sau đó, không biết “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” thế nào, hắn rơi vào tầm ngắm của một “đại ca lãnh đạo”, một cao thủ “hai ngón” chuyên nghiệp ở thủ đô, được gọi một cách vừa giản dị, vừa kỳ quặc là “anh Chuồn”.

Khánh bảo, sở dĩ gọi là "anh Chuồn", bởi vì đó là người cao thủ nhất, sư phụ của tất cả các cao thủ khác trong giới ở thành phố Hà Nội. Và cũng bởi vì, khi ra tay, Chuồn là người vô cùng chuyên nghiệp, dứt khoát và nhanh như cắt, nên tài năng của hắn làm anh em vô cùng nể phục.

Chu Xuân Khánh tại cơ quan điều tra.
Chu Xuân Khánh tại cơ quan điều tra.

“Anh Chuồn” không những cho Khánh cơm ăn, áo mặc mà còn “truyền nghề” cho Khánh. Ban đầu, Khánh phải theo Chuồn và hơn chục đàn anh trong vòng 1 tháng để quan sát, học hỏi các mánh khóe. Với tố chất nghề nghiệp sẵn có, chẳng bao lâu sau khi "hạ sơn", Khánh được “anh Chuồn” tin tưởng, giao cho vị trí phó soái, thay mặt hắn điều chuyển, phân bổ anh em mỗi khi tên này vắng mặt.

Trong lớp học truyền nghề của sư phụ Chuồn, các siêu trộm đã được học khá kỹ về giá trị các loại điện thoại, máy ảnh …. cho nên, để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi bị bắt, hiếm khi các siêu trộm dám “chôm” đồ đắt tiền. Với sự bài bản ấy, chẳng mấy khi các siêu trộm bị bắt quả tang và dù có bắt được thì hiếm khi bị phạt án tù là vì thế.

Khánh kể rằng, Chuồn là người “kỹ nghề” và vô cùng cẩn thận. Trước khi cho anh em ra quân, hắn cho quân của mình dò la, thám thính các địa điểm hoạt động. Ban đầu, các siêu trộm được tung đến các địa bàn chỉ để quan sát, phát hiện ra các trinh sát hình sự. Những ai chờ xe mà nhiều tuyến xe đi tới vẫn không lên xe thường được đưa vào diện khả nghi.

Sau đó, Khánh có nhiệm vụ chụp lại hình ảnh địa bàn, mang về “đại bản doanh” giảng giải, phân tích từng bức ảnh về đặc điểm địa bàn và nhận diện trinh sát hình sự. Chính nhờ sự chuyên nghiệp này, mà các đàn em của Chuồn chẳng mấy khi bị “tóm”.

Điểm dừng xe bus là địa bàn hoạt động quen thuộc của các siêu trộm.
Điểm dừng xe bus là địa bàn hoạt động quen thuộc của các siêu trộm.

Thông thường, lúc hành sự, nhóm siêu trộm liên thủ với nhau rất chặt chẽ. Một người “chôm đồ”, rồi ngay lập tức “tuồn” cho đồng nghiệp. Đến điểm xe bus gần nhất, tất cả cùng xuống xe.

Theo “luật”, mỗi lần "ăn" được hàng, Khánh và các anh em khác được Chuồn cắt lại 30% giá trị để thưởng. Tuy “làm nhiều, hưởng ít” nhưng không ai trong “đám anh hùng” ấy dám qua mặt Chuồn.

Đặc biệt, khi bị công an “tóm”, bằng mọi giá, không bao giờ họ dám hé răng khai ra Chuồn đích thị là ai? Sống ở đâu? Chỉ biết rằng, theo lời Khánh nói “nếu em khai ra, em chỉ có nước chết”.

Trong hơn 1 ngày làm việc với Khánh, điều khiến phóng viên cảm thấy day dứt, băn khoăn nhất không phải ở câu chuyện đầy màu sắc huyền bí, “xã hội đen” mà hắn khai ra. Mà chính ở hình ảnh người vợ có khuôn mặt thanh tú, dáng hình mảnh mai của hắn ở trước cửa cơ quan CSĐT. Bước chân tới cơ quan công an, ánh mắt cô hoảng hốt, miệng lắp bắp không nói nên lời.

Người vợ trẻ cứ lặng lẽ tay cầm bánh mỳ, tay kia cầm nước mang đến cho chồng. Nhưng khi biết chồng bị bắt vì tội trộm cắp, ánh mắt cô đờ đẫn, miệng lắp bắp không nói nên lời. Dáng đứng chơ vơ, lạc lõng ấy cùng với những giọt nước mắt lã chã trên khuôn mặt xinh đẹp có lẽ là điều khó quên nhất của Khánh trong quãng thời gian cải tạo sắp tới.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Thế Long - Thảo Lăng