Viên chức Hà Nội nói gì về đề xuất thay đổi giờ làm?

21/10/2011 06:41
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Có rất nhiều ý kiến khác nhau trước thông tin sẽ thử nghiệm giờ làm, giờ học mới ngay từ cuối tháng 10 này và chủ yếu là lo lắng cho trẻ nhỏ.

Anh Lê Anh Tuấn – Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thanh niên Hà Nội:

“Gia đình tôi vẫn thu xếp được nếu phải đi làm vào giờ mới”
Việc điều chỉnh giờ học và giờ làm để tránh un tắc theo tôi cũng có nguyên nhân hợp lý. Trên thực tế, giờ đưa con đi học (buổi sáng) và giờ đón con học (buổi chiều) là thời điểm thường xảy ra ùn tắc cục bộ tại những khu vực có trường học, kết hợp với các yếu tố khác thường gây ra tình trạng ùn tắc giao thông chung vào giờ cao điểm.

Vì thế nếu có sự bố trí hợp lý để giảm tải khối lượng người đi làm và đi học cùng một lúc thì cũng sẽ giảm bớt những áp lực giao thông trong giờ cao điểm.

Tôi thấy có nhiều người tỏ ra lo lắng về chuyện đón con, nhưng mục đích phải điều chỉnh giờ đi học cho các con thay đổi để lệnh đi so với giờ đi làm của CBNV để từ đó giảm tải áp lực giao thông, giờ mà phụ huynh lại đề nghị điều chỉnh giờ đi làm cho phù hợp với giờ đưa đón con đi học thì có lẽ bài toán giảm tải lại quay về vạch xuất phát. Cá nhân tôi không ủng hộ điều này, mỗi công dân phải tự cố gắng trước chứ không thể yêu cầu chính sách đáp ứng hết mọi nhu cầu từ công việc đến đời sống được.

Nếu khung giờ làm việc của của các cơ quan bị điều chỉnh thì hiển nhiên sẽ ảnh hưởng đến lịch sinh hoạt nói chung và việc đưa đón con đi học hàng ngày của rất nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, nếu việc điều chỉnh là hợp lý, khoa học và nhằm hướng đến số đông người hưởng lợi, góp phần giảm tải ách tắc giao thông thì tôi nghĩ các gia đình cũng sẽ hưởng ứng và chủ động điều chỉnh lại lịch sinh hoạt cho phù hợp thôi.

Tôi đơn cử như chuyện trước đây gia đình tôi ở phố Đê La Thành, các con tôi đi học ở phố Cát Linh thì hàng ngày 7h15 thậm chí 7h30 cả nhà mới ngủ dậy và chuẩn bị đưa con đi học rồi đi làm. Bây giờ, gia đình tôi đã chuyển vào ở trong Hà Đông mà các con tôi vẫn học ở phố Cát Linh thì cả nhà phải dậy từ 6h15 mới kịp đi học, đi làm. Lúc đầu cũng thấy ngại, nhưng giờ cũng thấy quen và lại thấy thích vì dậy sớm cũng tốt hơn cho sức khỏe.

Vì đây mới chỉ là các quan điểm và dự kiến đề xuất của các bộ ngành liên quan về giải pháp để giảm tài ùn tắc giao thông tại Việt Nam và đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM, để chính thức áp dụng sẽ còn chờ ý kiến của các cơ quan chức năng nên về phía cơ quan tôi thì chúng tôi cũng chưa có sự chuẩn bị cụ thể cho việc này. Tuy nhiên, nếu áp dụng việc điều chỉnh giờ làm việc thì căn cứ vào các mốc thời gian cụ thể chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để bố trí lịch làm việc hàng ngày cho phù hợp.

Theo cá nhân tôi, giờ làm việc và giờ học là 2 nội dung độc lập với nhau, chúng ta nên nghiên cứu, tham khảo để có thể kết hợp hài hòa nhất thôi chứ không thể coi việc cân đối giờ làm và giờ học là nhiệm vụ chính. Nhiệm vụ chính ở đây là phải giảm thiểu ùn tắc giao thông, giúp người dân tiết kiệm thời gian và hao phí nhiên liệu trong quá trình giao thông, giúp xã hội tiết kiệm được tài nguyên, bảo vệ môi trường, góp phần tạo hỉnh ảnh về một Thủ đô Xanh - Sạch - Đẹp.

Còn việc đảm bảo giờ làm, giờ học trước tiên phải làm việc của từng cá nhân, gia đình. Tùy vào điều kiện cụ thể mỗi gia đình sẽ phải có giải pháp cho phù hợp với gia đình mình. Nhà tôi không có người giúp việc, nhưng vẫn cố gắng xoay sở tốt.

Tôi làm việc cơ quan nhà nước tại Hà Đông, vợ tôi làm việc cho công ty nước ngoài tại phố Đặng Thái Thân (cách nhà khoảng 13 km), cháu lớn học lớp hai, cháu bé học mầm non trên phố Cát Linh. Hàng ngày, vợ tôi phải đưa 2 con từ Hà Đông ra Hà Nội đi học, rồi mới đến cơ quan làm. Chiều ông bà ngoại đón giúp con sau đó tôi hoặc vợ sẽ qua đón, đi lại cũng khá vất vả nhưng gia đình tôi vẫn thu xếp được.

Chị Lâm Thị Hồng Hạnh – Vụ Kế toán Nhà nước, Kho Bạc Nhà nước:
“Tôi lo lắng vì có con nhỏ”

Tôi nghĩ rằng đây là một chủ trương tốt, vì dân số Hà Nội hay TP.HCM vẫn tăng lên rất nhanh qua các năm. Ùn tắc là vấn đề nhiều năm qua báo chí nói ra rả, ngành giao thông từ trên xuống dưới đã vào cuộc, có rất nhiều chương trình được đưa ra mà kết quả thì tắc vẫn hoàn tắc. Tôi thấy chuyện phân làn giao thông chỉ là một trong những biện pháp hỗ trợ chứ không mang lại hiệu quả thực sự, khi mà xe ô tô, rồi cả xe máy cứ tăng vùn vụt. Vì thế, điều chỉnh giờ làm và giờ học có thể sẽ là một biện pháp tốt để nhanh chóng giảm ùn tắc.

Khi nghe thông tin thay đổi giờ làm tôi cũng có đôi chút lo lắng, vì tôi đã có hai cháu, mặc dù hiện nay đang được mẹ bé cháu nhỏ mới 8 tháng tuổi, nhưng phải chăm sóc hai đứa con là rất mệt, gia đình nào có hai cháu rồi thì sẽ hiểu được cảm giác của tôi.

Lo lắng vì nếu như giờ đi làm và giờ đi học của cháu lớn bị lệch nhau nhiều quá, khi con tôi đã tan học mà tôi thì chưa được về sẽ rất dở, còn nếu tôi được về sớm hơn giờ học của cháu thì lại rất thuận lợi. Tuy nhiên, sáng nay đọc bài viết trên Báo Giáo dục Việt Nam, tôi thấy Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tuyên bố sẽ sắp xếp khoa học và hợp lý nên cũng bớt lo phần nào.

Tôi mong rằng, Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo khác nên cân nhắc thận trọng để các gia đình có thể đưa đón, chăm sóc các cháu ở tuổi mầm non và tiểu học, còn học sinh lớp lớn và sinh viên thì không nhất thiết phải có bố mẹ đưa đón nữa.

Tôi chỉ lo lắng về giờ giấc đón con thôi, chứ không sợ ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình. Ngày nào tôi cũng dậy sớm, đi chợ lo đồ ăn buổi trưa cho hai bà cháu và thực phẩm cho bữa tối và đưa con ra khỏi nhà lúc 7h. Chồng tôi làm việc cách nhà khá xa nên không thể “chia việc” nhà hay đón con cho anh ấy được. Vòng quay ấy ngày nào cũng lặp đi lặp lại như vậy, cho nên tôi nghĩ là mọi thứ phải do mình, để chống ùn tắc thì không chỉ là giải pháp của cơ quan chức năng mà người dân cũng phải thấy điều đó là đúng và nỗ lực ủng hộ, hạn chế bớt cái tôi của mỗi người thì mới mong thành công được.

Tôi may mắn vì nhà ở không xa cơ quan, còn nhiều người khác mà đi làm xa thì có lẽ cũng phải “vặn lại đồng hồ sinh học”, nhưng tôi nghĩ là sẽ không ai phải thiệt thòi gì cả, vì từ trước tới giờ mọi người sợ tắc đường nên thường phải đi làm thật sớm, còn nay nếu việc đổi giờ làm mà giảm ùn tắc thì cũng có nghĩa là sẽ đi được nhanh hơn, thời gian đến cơ quan và về nhà được rút ngắn, mọi công việc khác cũng thuận tiện.
Người dân ủng hộ chống kẹt xe, nhưng không muốn các cháu nhỏ chịu thiệt thòi
Người dân ủng hộ chống kẹt xe, nhưng không muốn các cháu nhỏ chịu thiệt thòi

Chị Nguyễn Tô Ly - Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội:
“Có lẽ tôi sẽ gặp nhiều khó khăn”


Tôi mới biết thông tin sẽ thử nghiệm điều chỉnh giờ làm, nhưng chưa rõ là kế hoạch đổi giờ làm cụ thể như thế nào nên cũng chưa thể trả lời là có hợp lý hay không. Trước đây đã từng có việc thay đổi giờ đón - trả học sinh và theo tôi là không hợp lý, không rõ lần này sẽ như thế nào.

Thí dụ, giờ làm việc của cơ quan tôi từ 7h30 đến 17h hàng ngày, giờ học của một số con cán bộ trong cơ quan là từ 8h đến 15h30, vậy đã chênh lệch rất nhiều so với giờ làm việc, vậy những khoảng thời gian đó, các con phải ở đâu? làm gì? Tôi nghĩ như thế là rất bất cập, không phù hợp, bởi vậy là các cơ quan ban ngành cùng bàn bạc để có sự phối hợp ăn ý.

Tôi nghĩ giờ làm như hiện nay là hợp lý với bản thân mình, vì nó giúp tôi có điều kiện tốt nhất để đón con, vì con tôi học mầm non, các cô có thể trông đến 7h tối (có thu thêm tiền trông quá giờ) nhưng cũng là tạo điều kiện cho chúng tôi yên tâm đảm bảo thời gian làm việc. Ai đó nói rằng cần phải ưu tiên cho số đông, vậy xin hỏi ngược lại số đông là bao nhiêu phần trăm? Tất cả những gì chúng ta phấn đấu là để cho con cháu sau này, cho nên theo tôi là dù làm gì cũng phải ưu tiên nhất định cho trẻ học mầm non và tiểu học.

Với tôi, nếu giờ làm việc điều chỉnh sớm hơn thì sẽ bị ảnh hưởng, vì chưa biết làm cách nào đưa con đến trường (nếu giờ học của con chậm hơn nhiều so với giờ làm của mẹ), còn nếu ngược lại thì hợp lý hơn. Nếu thời gian tan sở quá muộn cũng làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc gia đình vì chúng tôi là phụ nữ, còn phải cơm nước, dọn dẹp gia đình...

Thực ra việc điều chỉnh giờ làm và học lần này đối với nhiều gia đình không bị ảnh hưởng lớn, vì ở cùng bố mẹ hoặc có điều kiện thuê người giúp việc, hoặc đi làm gần cơ quan… nhưng với trường hợp của tôi (chắc chắn có hàng nghìn người khác nữa) từ tỉnh lẻ về Hà Nội thì có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn. Tôi đi làm cách nhà 11km, chồng tôi thì thường xuyên đi công tác xa, vì thế mà tôi cũng đang rất hoang mang, chưa biết rồi sẽ thế nào, nhưng vẫn hy vọng mọi chuyện sẽ ổn thỏa.

Chị Dương Thị Thủy - Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam:
“Con tôi đã lớn nên không có gì phải lo”


Tôi thấy là chủ trương thì tốt, vì xét về mặt lý thuyết, không đi cùng một giờ thì rõ là sẽ giảm bớt lưu lượng xe cộ tham gia giao thông cùng một lúc. Tuy nhiên, mặt trái của nó, mà chủ yếu là sự thay đổi giờ làm và giờ học có làm xáo trộn nhiều tới cuộc sống của người dân ở hai đô thị hay không thì phải chờ thử nghiệm mới biết được.

Với gia đình tôi thì không gặp bất tiện gì cả, dù là điều chỉnh giờ nào thì cũng vậy thôi, vì cháu lớn nhà tôi học đại học, còn cháu nhỏ cũng học cấp ba rồi, nhưng với các gia đình có con nhỏ thì sẽ cần thời gia để thích nghi. Theo tôi thì nên tùy từng đối tượng như mầm mon, tiểu học hay cấp hai và cấp ba để bố trí giờ học cho phù hợp.

Với sinh viên đại học thì có thể tự chủ được, nhưng với các cấp nhỏ hơn thì cần tính toán thật khoa học, thí dụ như con tôi 6h30 là phải ra khỏi nhà (vào học lúc 7h30), tối về tới nhà các cháu thường học rất khuya, nếu bây giờ mà phải vào học sớm hơn thì sẽ bất lợi, nhất là vào mùa đông. Còn về sinh hoạt gia đình thì do các cháu đã lớn nên không có gì đáng ngại, nhưng tôi nghĩ với các gia đình có cháu nhỏ thì ít nhiều sẽ bị xáo trộn.

Tôi nghĩ rằng, có giảm được ùn tắc hay không phải phụ thuộc vào nhiều giải pháp được tiến hành đồng bộ một cách khoa học, tất nhiên là trong lúc còn chờ triển khai các dự án dài hạn thì những biện pháp như thế này sẽ phần nào giúp người dân Thủ đô bớt mệt mỏi với nạn kẹt xe.
Ngọc Quang (Thực hiện)