Viện phó Viện Pasteur: “TS xin đi tù” kiện thì cứ kiện"

23/11/2011 07:00
Ngọc Quang
(GDVN) - “Chất này diệt được virus, vi khuẩn thì đúng, nhưng nếu sử dụng không cẩn thận thì có thể gây tác hại… TS Khải phải tự chứng minh với hội đồng khoa học"

Tuần vừa qua, dư luận được một phen “choáng váng” khi có thông tin TS.Viên Quang Mai – Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang nói rằng, sử dụng Anolyt điều trị bệnh tay chân miệng (TCM) theo cách mà TS.Nguyễn Văn Khải công bố có thể dẫn tới ung thư.

Vào lúc 18h tối qua (22/11), PV Báo Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với TS.Viên Quang Mai – Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang để xác minh thông tin trên đồng thời cũng làm rõ quan điểm của Viện Pasteur trong việc đánh giá phương pháp chữa bệnh TCM của TS.Khải đã được Bộ Y tế giao cách đây 8 ngày.

Xác minh thông tin khoa học từ Wikipedia?

Mở đầu cuộc trao đổi, TS.Viên Quang Mai cho hay: “TS.Khải nghĩ ra một hướng chữa bệnh mới thì tốt thôi, cái chất này đã được dùng để khử khuẩn nguồn nước và rau quả, nhưng sử dụng trực tiếp trên người thì cần phải có một báo cáo kết hợp với nghiên cứu rõ ràng, tính chất khoa học và tính chất pháp lý phải đảm bảo…

Khi PV đặt câu hỏi: Thời gian tới, Viện có nghiên cứu sâu về tác dụng của Anolyt với bệnh TCM như những thông tin TS.Khải đã công bố không? TS.Mai trả lời: “Không, Viện sẽ không làm, cái này đâu cần phải làm, là vì cái này các nguyên tắc, nguyên lý đều biết hết cả rồi. TS.Khải muốn chứng minh nước của ông ấy tốt thì phải tự chủ động trình bày và kết hợp với một cơ sở nào đó để họ đồng ý cho thử nghiệm, và khi tiến hành thì phải thử nghiệm trên súc vật trước, chứng minh được tính an toàn của nó rồi mới được thử nghiệm trên người, chứ không phải muốn đưa thế nào thì đưa, về việc này Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã nói rồi”.

Theo TS.Mai: “Muốn tìm hiểu về Ozon thì có thể vào google gõ ‘Ozon’ để vào từ điển bách khoa mở là Wikipedia, trong đó có ghi đầy đủ các thông tin về tác dụng cũng như tác hại của chất này, trong đó nhắc tới cả chi tiết có thể dẫn tới ung thư.

Hiện nay, thế giới chưa thấy tài liệu nào nói về việc có thể uống trực tiếp như ông Khai công bố, còn việc bôi ngoài da thì cũng chỉ là khử khuẩn thông thường thôi, cũng giống như dùng xanh-mê-ti-len. Tuy nhiên, ngay cả chuyện bôi ngoài da cũng phải cẩn trọng, tôi không khẳng định là bôi được, mà nó chỉ ít hại hơn là uống.

Bây giờ, TS.Khải muốn chứng minh phương pháp đã đưa ra là đúng thì phải dẫn chứng được nghiên cứu từ đâu, tài liệu khoa học nào, tham khảo các công trình nghiên cứu nào, thử nghiệm trên súc vật ra sao, công trình đó được Hội đồng khoa học cấp nào công nhận, Hội đồng y đức cấp nào công nhận. Sau khi có được kết luận của hai hội đồng nói trên thì mới có cơ sở để Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp phê chuẩn phương pháp ấy.

Nói như TS.Khải hiện nay mà chưa có gì chứng minh bằng khoa học, cứ đưa vào dùng luôn thế nguy hiểm, nói như vậy tôi cũng có thể dùng bất cứ thứ gì để bôi à. Trước đây, chúng ta đã có thời kỳ ngu dốt, dùng DDT66 chữa ghẻ, cho nên không thể làm bừa”.

TS.Viên Quang Mai - Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang
TS.Viên Quang Mai - Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang

Lúc này, dư luận đang rất quan tâm tới phương pháp mà TS.Khải đưa ra về việc chữa bệnh TCM bằng Anolyt. Trên thực tế, kể từ khi thông tin này được ông công bố rộng rãi trên Internet đã có hàng trăm cháu nhỏ được gia đình sử dụng Anolyt để ngâm, uống nhằm điều trị bệnh TCM và cũng có hàng trăm cháu đã khỏi. Có chuyên gia y tế nói rằng, những trường hợp áp dụng biện pháp mà TS.Khải công bố đã khỏi là một sự trùng hợp, do đa phần người bệnh tự khỏi chứ không phải vì Anolyt.

Về phía TS.Khải thì cho rằng, ông có thể gặp may với vài chục người, nhưng hơn 1000 người thì không thể nói là gặp may. Trong lúc dịch bệnh đang bùng phát mạnh và số trẻ tử vong ngày càng nhiều lên, dư luận lo lắng và Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo Viện Pasteur Nha Trang nghiên cứu về phương pháp của TS.Khải và báo cáo Bộ trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, với những thông tin từ TS.Viên Quang Mai như trên, có thể thấy rằng, nếu muốn có kết luận cuối cùng về tác dụng của Anolyt thì TS.Khải sẽ phải bỏ công sức ra để trình bày đề án này với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, còn Viện Pasteur Nha Trang sẽ không nghiên cứu chuyên sâu. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cũng cho rằng, Wikipedia là chương trình mở và tất cả mọi người đều có thể là tác giả tham gia viết chứ không có gì khẳng định chắc chắn thông tin trên đó là chính xác.

Vào sáng qua, khi tiếp xúc với PV, TS.Khải cho rằng: “Tôi chỉ công bố một nghiên cứu khoa học chứ không thể theo đuổi việc này mãi được. Nếu ngành y tế thấy đây là biện pháp tốt thì họ phải chủ động nghiên cứu, nếu họ mời thì tôi sẵn sàng hợp tác và cung cấp những số liệu nghiên cứu cũng như các tài liệu khoa học mà tôi đang có, nhưng sau khi có cả nghìn cháu nhỏ sử dụng Anolyt và khỏi bệnh thì không một ai có trách nhiệm trong ngành y tế liên hệ với tôi”.

“Kiện thì cứ kiện…”

Cũng trong cuộc trao đổi với PV vào tối qua, TS.Mai tái khẳng định, nếu được phát hiện sớm có chế độ điều trị kịp thời thì trên 95% bệnh nhân sẽ tự khỏi sau khoảng một tuần. Bệnh chủ yếu do Enterovirus 71 gây ra được lây truyền theo đường tiêu hóa.

Đến nay, thế giới vẫn chưa có thuốc chữa trị bệnh TCM. Do đó, ngành Y tế thực hiện phác đồ điều trị nâng cao sức đề kháng cho bệnh nhân, phòng tránh bội nhiễm. Dịch bệnh TCM diễn biến phức tạp vào những tháng cuối năm 2011, chúng tôi mong nhân dân phối hợp cùng ngành Y tế thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch TCM: Rửa tay bằng xà phòng, ăn chín, uống sôi, không đưa bệnh nhân đến chỗ đông người. Phát hiện con em mắc bệnh TCM kịp thời đưa đến điều trị tại cơ sở y tế.

Theo vị Viện Phó Viện Pasteur Nha Trang: “TS.Khải cho rằng sử dụng chất đó có thể chữa được bệnh TCM, nhưng thực chất cái này chỉ sát khuẩn được bên ngoài, còn con virus nó lại nằm ở trong cở thể. Chất này diệt được virus, vi khuẩn thì đúng, nhưng nếu sử dụng không cẩn thận thì có thể gây tác hại.

Đây chỉ là một loại nước muối được dùng để điều trị bệnh ở gia súc, gia cầm, điều trị bệnh lợn tai xanh, lở mồm long móng… chứ hoàn toàn chưa được bất cứ một đơn vị chuyên môn nào công nhận được sử dụng và áp dụng điều trị trên con người. Do đó, muốn áp dụng phương pháp này để điều trị bệnh TCM trên con người cần phải thành lập một hội đồng khoa học gồm các nhà chuyên môn phân tích và có kết luận chính xác về tính khả thi.

Ozon là dung dịch được chế biến từ muối được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong việc tẩy trùng dụng cụ y tế. Một số người sử dụng Ozon chữa bệnh ngoài da cho gia súc. Dung dịch Ozon ngấm vào cơ thể con người gây hại còn nguy hiểm hơn cả bệnh TCM. Bôi Ozon có thể làm khô các vết loét ngoài da nhưng virus TCM vẫn hoạt động trong cơ thể bệnh nhân. Cách chữa trị bệnh TCM bằng dung dịch Ozon của TS. Nguyễn Văn Khải là thiếu cơ sở khoa học và thiếu căn cứ pháp lý vì chưa được Bộ Y tế thẩm định, cấp phép sử dụng”.

Cũng trong ngày 22/11, trên một số website có đăng tải là Thư của TS Khải gửi tới Tiến sĩ Viên Quang Mai, trong đó TS Khải nói rõ từ năm 2000 đã hướng dẫn người Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan… sử dụng dung dịch Anolyte và Catolyte chăm sóc cây trồng; bảo quản lá, hoa, quả, củ để xuất khẩu; nuôi dưỡng, phòng bệnh và dập dịch cho gia súc, gia cầm. Đồng thời hướng dẫn sử dụng hai loại dung dịch này làm sạch môi trường: nước, không khí, một số loại vật rắn, chữa các bệnh lở loét trên da.

“Ông già Ozon” Nguyễn Văn Khải cũng khẳng định, thường xuyên uống hai loại nước này trước mặt mọi người vì tất cả các tài liệu nghiên cứu sử dụng chúng đều xác nhận tác dụng diệt vi rút, vi khuẩn, nấm mốc, bào tử cao và không độc hại. Điều này đã được kiểm chứng vì những người sử dụng hai loại dung dịch kia không có ai bị bệnh lở loét trên da hoặc nếu đã bị thì đều đã khỏi sau khi sử dụng chúng. 

TS.Khải viện dẫn chi tiết đăng trên một trang báo điện tử: "TS Viên Quang Mai dẫn chứng tài liệu trong Bách khoa toàn thư rằng dung dịch anolyte qua sục ozone là chất gây ung thư cho một số động vật, là tác nhân gây đột biến ở một số vi khuẩn."

TS.Khải tại BV Đa khoa tỉnh Ninh Thuận
TS.Khải tại BV Đa khoa tỉnh Ninh Thuận

Từ chi tiết này, TS.Khải nói: “Khi tôi vào bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận, khoa Dược của bệnh viện này đã chuẩn bị cho tôi 200 lít Anolyte do máy GIASINH 60 điều chế từ muối tinh khiết 99.5%. – Bệnh viện này đang dùng dung dịch này để làm vệ sinh môi trường, dụng cụ thiết bị của bệnh viện. Trong ngày 11/11/2011 các nhân viên của khoa Dược đã đưa trực tiếp từ khoa Dược tới khoa Nhi 100 lít để tôi phân phát cho cha mẹ các cháu sử dụng. Tại sao trên báo lại ghi rằng: dung dịch anolyte qua sục ozone? Trong khi ở bệnh viện này không có máy tạo ozon? Tài liệu nghiên cứu nào ghi rằng đây dung dịch anolyte qua sục ozone là chất gây ung thư cho một số động vật, là tác nhân gây đột biến ở một số vi khuẩn?

Tôi khẳng định rằng không có một tài liệu nào ghi như vậy. Nếu Tiến sĩ có tài liệu này đề nghị cung cấp ngay vì điều này gây hoang mang cho những người đã sử dụng Anolyte để phòng và chữa bệnh cũng như sử dụng bảo quản thực phẩm. Nếu câu trên không phải của Tiến sĩ nói, tôi yêu cầu Tiến sĩ phải cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Kết thúc cuộc phỏng vấn, PV đã nêu vấn đề từ TS.Khải cho rằng đây phải gọi chính xác tên khoa học là Anolyt chứ không hề có sục Ozon và TS.Khải đã nói có thể kiện nếu ông không chứng minh được Anolyt về lâu dài có thể gây ung thư? TS.Viên Quang Mai cho hay: “Trong một số tài liệu đã ghi rõ tác hại của chất này, quy trình đó cũng là giải phóng Ozon. TS.Khải kiện thì cứ kiện thôi, nhưng phải chứng minh được phương pháp đã đưa ra căn cứ vào nghiên cứu khoa học nào, đã sử dụng trên động vật ra sao, những người tình nguyện thử nghiệm là ai, chứ không thể nói đơn giản là có tác dụng thì đưa vào dùng ngay mà không tính đến những tác dụng phụ”.

Ngọc Quang