Vụ bảo vệ lao xe đâm chết nữ công nhân: Thủ phạm cũng là nạn nhân!

27/06/2011 05:32
Mấy ngày nay, đọc những thông tin liên quan đến vụ bảo vệ đâm xe tông chết công nhân mà tôi không kìm nổi cảm giác đau đớn, ớn lạnh...

LỜI TÒA SOẠN: Vụ bảo vệ Lê Tuấn Minh lao xe thẳng vào công nhân, tông chết 1 người và làm bị thương 6 người khác gây phẫn nộ trong dư luận. Hầu hết đều đổ lỗi và đay nghiến Minh, song cũng có bạn đọc như bài viết dưới đây nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, đó là Minh chỉ là người thừa lệnh, hành xử theo bản năng "nô bộc" của một người làm thuê...

{iarelatednews articleid='5590,5533'}

Mấy ngày nay,  đọc những thông tin liên quan đến vụ bảo vệ đâm xe tông chết công nhân mà tôi không kìm nổi cảm giác đau đớn, ớn lạnh.
 
Tôi đau không chỉ vì cái chết thương tâm của nữ công nhân Nguyễn Thị Liễu hay vì hoàn cảnh đơn chiếc, tang thương của gia đình chị mà còn cảm thấy rùng mình trước làn sóng phẫn nộ quá mạnh mẽ, kịch liệt của dư luận đang đổ lên đầu bảo vệ Lê Tuấn Minh.
 

Bảo vệ Lê Tuấn Minh (giữa)
Bảo vệ Lê Tuấn Minh (giữa)


“Điên, kẻ sát nhân máu lạnh, tử hình kẻ giết người…”. Những gì tồi tệ nhất đều nhắm vào Minh. Đó cũng là phản ứng bình thường những người có lương tâm khi trước một cái chết thảm, phi lý.
 
Dù rất phẫn nộ trước hành động của Minh nhưng trong lòng tôi không khỏi dấy lên cảm giác “đau xót” cho Minh, bởi có vẻ như Minh đang trở thành bia đỡ đạn!
 
“Minh khai nhận đã nhận được điện thoại của Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty TNHH Vật liệu đặc biệt Giai Đức Việt Nam là bà Đinh Thị Ái, đề nghị bằng mọi giá phải đưa xe tải vào trong công ty. Vì thế, Minh đã đuổi tài xế xuống và tự mình điều khiển xe dù không có bằng lái”.
 
Tôi đã đọc đi đọc lại thông tin này trên báo và trong đầu cứ luẩn quẩn câu hỏi: Những suy tính nào đã diễn ra trong đầu Minh khi anh ta leo lên cabin?
 
Phải chăng anh ta nghĩ “mình phải đưa xe vào cho được nếu không sẽ bị đuổi việc, nếu những công nhân cứ lỳ ra cản trở mình sẽ lao đến để dằn mặt, để "trị"”? Và thế là, anh ta biến nó thành hành động, bấm còi 2 lần để cảnh báo rồi lạnh lùng cho xe lao tới…
 
Nếu đúng là như thế thì không còn từ ngữ nào để diễn tả cho hết tội ác này.
 
Tuy nhiên, xét mọi khía cạnh của vấn đề, tôi tin khả năng đó chắc không thể nào xảy ra.
 
Dù Minh có máu lạnh, thù hằn ngút trời đối với các công nhân thì cũng thừa biết, đâm chết người là mang họa vào thân, là tù tội, là mất việc.
 
Đó là chưa kể nếu anh ta làm vậy thì đám đông công nhân cũng không để anh ta yên. Bằng chứng là Minh bị đánh nhừ tử đến mức bất tỉnh phải đưa vào bệnh viện.
 
Vì vậy, không việc gì Minh phải rước mọi tội lỗi vào thân chỉ vì muốn hoàn thành nhiệm vụ đối với doanh nghiệp đang tạo thu nhập hằng tháng cho mình, mà số tiền này tôi chắc chẳng nhiều nhặn gì hơn đồng lương rẻ mạt mà Công ty Giai Đức đã trả cho công nhân.
 
Vậy điều gì đã khiến Minh làm cái điều khủng khiếp đó?

Câu trả lời phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa tôi vẫn tin rằng Minh đã không độc ác đến mức cố tình lao xe vào công nhân để giết người.
 
Hành động này có thể chỉ xuất phát từ việc nôn nóng muốn đưa xe vào công ty, chỉ muốn dọa công nhân để họ dạt ra nhưng lại không làm chủ được tốc độ.
 
Đáng kinh hãi hơn khi sự “nhiệt tình” này lại gây ra hậu quả quá lớn nên “nhiệt tình” đã biến thành “tội ác”.
 
Hiện trường vụ bảo vệ Minh lái xe đâm vào đám đông công nhân
 
Tôi không bênh vực cho Minh, tội của Minh đã có pháp luật xử lý, tôi chỉ nghĩ, tại sao dư luận không hướng sự phẫn nộ đó về nguyên nhân sâu xa, đích thực của thảm cảnh này?
 
Tất cả xuất phát từ những đồng lương rẻ mạt mà các doanh nghiệp nước ngoài đang trả cho người lao động Việt Nam, trong số đó Minh cũng là "nạn nhân".
 
Tôi nhớ từng đọc qua một thông tin rằng “Doanh nghiệp Đài Loan dẫn đầu về đình công”.
 
Giai Đức là một công ty Đài Loan, đang thời buổi đắt đỏ như hiện nay nhưng họ trả lương và tiền ăn cho công nhân rất rẻ mạt.
 
Để đòi quyền lợi, những người công nhân đã lầm lỳ ngừng việc, tập trung trước công ty và phải trả giá.
 
Khi sự việc đến mức tồi tệ như thế, công ty mới bắt đầu xem xét lại quyền lợi cho công nhân và thậm chí theo kiểu kỳ kèo bớt một thêm hai.
 
Ban đầu, công ty chỉ đồng ý tăng lương 5%, tăng tiền cơm lên 3.000 đồng, hỗ trợ tiền xăng 100.000 đồng/tháng/xe.
 
Sau đó, Liên đoàn lao động TP Hà Nội đến làm việc với công ty về những kiến nghị của công nhân thì công ty này mới tăng tiền lương lên 1.680.000 đồng, tiền cơm tăng thêm 5.000 đồng, hỗ trợ tiền đi lại, nhà trọ đi lại tổng cộng 400.000 đồng/người/tháng.
 
Đọc những thông tin này, tôi luôn tự hỏi: Nếu không có cái chết của chị Liễu, không có buổi làm việc của Liên đoàn lao động TP Hà Nội với công ty thì liệu công ty có tăng lương, tăng tiền hỗ trợ với số tiền không hề nhỏ như thế.
 
Chỉ vì miếng cơm manh áo, chỉ vì vài trăm ngàn đồng nhỏ giọt mà một người mất mạng, nhiều người bị thương, sắp tới một người có thể sẽ vào tù.
 
Đây không phải là thời chiến, đây là thời đất nước đang tiến lên mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng sao chỉ vì một chút quyền lợi nhỏ nhoi mà người ta phải trả giá đắt như thế?
 
Sự đau đớn, bàng hoàng của hai công nhân khi chứng kiến cảnh xe tải lao vào cán chết đồng nghiệp
 
Hiện tại, cơ quan điều tra đã vào cuộc và có thể sẽ khởi tố Minh tội “Cố ý giết người”. Pháp luật nghiêm minh, Minh sẽ phải đền tội.
 
Nhưng qua vụ này có thể thấy, từ gia đình chị Liễu, những công nhân bị thương... đến Minh đều phải hứng chịu tất cả những đau đớn, mất mát, tủi nhục. Duy chỉ có Công ty TNHH Vật liệu đặc biệt Giai Đức thì xét cho cùng chẳng mất mát gì ngoài khoản tiền tăng thêm mà họ phải chi trả cho công nhân như đã cam kết. Số tiền mà các công nhân phải trả bằng máu mới có được.
 
Vì vậy, xin dư luận đừng trút hết sự phẫn nộ lên đầu Lê Tuấn Minh nữa mà hãy đặt câu hỏi và chung tay giải quyết vấn đề rằng: Đến khi nào thì người công nhân mới có thể sống được bằng đồng lương của mình trong thời buổi vật giá leo thang vùn vụt như thế này? Đến khi nào thì các chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài thông thoáng đi kèm với những điều kiện ràng buộc chặt chẽ, hợp lý về chế độ, lương bổng cho công nhân?
 
Theo Tống Thiên/NLĐ