Vụ Chu Vĩnh Khang: "Văn hóa ủng hộ và thói vuốt đuôi, xu nịnh"

08/12/2014 09:29
Hồng Thủy
(GDVN) - Những tuyên bố "ủng hộ trung ương" của các tỉnh thành, cơ quan đơn vị thực chất là hành vi "vuốt đuôi, xu nịnh" Tập Cận Bình.
Chu Vĩnh Khang khi còn đương chức quyền lực khuynh thành, khi thất thế bị chính các cơ quan đơn vị cũ thi nhau lên án.
Chu Vĩnh Khang khi còn đương chức quyền lực khuynh thành, khi thất thế bị chính các cơ quan đơn vị cũ thi nhau lên án.

Tờ South China Morning Post ngày 8/12 đưa tin, các đơn vị cơ quan cũ là nơi tạo dựng quyền lực của Chu Vĩnh Khang trước đây đã đồng loạt tuyên bố ủng hộ "quyết tâm của trung ương" và Tập Cận Bình trong việc trừng trị tham nhũng, xử lý cựu ủy viên Thường vụ Bộ chính trị kiêm Trưởng ban Chính pháp trung ương. Tỉnh ủy Tứ Xuyên đã họp ngay sau khi thông báo khai trừ đảng, truy tố Chu Vĩnh Khang được gửi đến cơ quan này.

"Chúng tôi phải tự ý thức về việc bảo vệ sự thống nhất của đảng. Chúng tôi cam kết chống lại sự lạm dụng quyền lực và vi phạm đạo đức chính trị", tỉnh ủy Tứ Xuyên tuyên bố sau cuộc họp bất thường chiều Thứ Sáu. Trong cuộc họp tại cơ quan cũ của Chu Vĩnh Khang, các quan chức tỉnh này thi nhau lên án sai lầm của ông Khang gây ra những "hậu quả nghiêm trọng" về chính trị và kinh tế cho Tứ Xuyên khi ông còn làm Bí thư tỉnh này.

Đơn vị quân đội, cảnh sát vũ trang đầu tiên của Trung Quốc lên tiếng ủng hộ Tập Cận Bình và lên án Chu Vĩnh Khang gồm Bộ tư lệnh Quân khu Thành Đô và Tế Nam. Trong đó quân khu Tế Nam là căn cứ quyền lực của Từ Tài Hậu, quân khu Thành Đô từng ủng hộ Bạc Hy Lai và cả hai đều là đồng minh của Chu Vĩnh Khang. Trang Đức Thụy, một chuyên gia về vấn đề chống tham nhũng ở đại học Bắc Kinh cho rằng các căn cứ quyền lực hay thuộc cấp cũ lên án Chu Vĩnh Khang là "hiện tượng thú vị".

"Những tuyên bố này một mặt cho thấy các quan chức hiện nay đã nói lời tạm biệt với lỗi lầm mà họ có thể đã phạm phải trong quá khứ, mặt khác nó là một cách ủng hộ cho Tập Cận Bình hiện tại", ông Thụy nói. Theo Trang Đức Thụy, trường hợp của Chu Vĩnh Khang là dạng tham nhũng nguy hiểm nhất vì nó liên quan đến những hoạt động phe nhóm chứ không phải chỉ là một cá nhân. Những hoạt động bè phái thường giữ một số quyền lực chính trị và ảnh hưởng xã hội, gây áp lực lên quá trình hoạch định chính sách, gây nguy hiểm cho chế độ.

Theo tờ Đa Chiều ngày 7/12, cùng lúc vụ Chu Vĩnh Khang được thông báo cho các tỉnh thành trực thuộc trung ương, các địa phương, đơn vị đua nhau họp và ra thông báo ủng hộ quyết tâm của trung ương, lên án Chu Vĩnh Khang vốn là "một thứ văn hóa đặc sắc Trung Quốc". Tính đến ngày hôm qua đã có ít nhất 13 tỉnh thành trong cả nước cùng với Bộ Giao thông vận tải, ngành dầu khí đã có tuyên bố ủng hộ Tập Cận Bình, lên án Chu Vĩnh Khang.

Tuyên bố của đảng bộ Bắc Kinh nói rằng, với vai trò thủ đô, Bắc Kinh coi chính trị là hàng đầu, tất cả phát ngôn và hành động phải tuân thủ yêu cầu, chấp hành nghiêm ngặt, tuyệt đối không được nói khác với trung ương, làm khác với trung ương.

Thành ủy Thượng Hải ra thông báo kêu gọi trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải có dũng khí như Quan Vũ cho "cạo xương trị độc" để xử lý nghiêm Chu Vĩnh Khang, loại bỏ mọi ảnh hưởng của ông Khang để thể hiện tối đa sự đoàn kết thống nhất của ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc xung quanh Tập Cận Bình, khẳng định rõ nguyên tắc "chống tham nhũng không có vùng cấm".

Tuy nhiên, sau đó những tuyên bố "ủng hộ trung ương" này của các tỉnh thành và các đơn vị quân sự lại bị gỡ bỏ. Tờ Minh Báo xuất bản tại Hồng Kông ngày 7/12 bình luận, những tuyên bố "ủng hộ trung ương" của các tỉnh thành, cơ quan đơn vị thực chất là hành vi "vuốt đuôi, xu nịnh" Tập Cận Bình và dễ khiến dư luận cho rằng đảng Cộng sản Trung Quốc đang chia rẽ bè phái, thanh trừng lẫn nhau chứ không phải thật tâm chống tham nhũng.

Chu Vĩnh Khang không phải trường hợp đầu tiên, trong vụ án Bạc Hy Lai, các tỉnh thành trực thuộc trung ương và các đơn vị vũ trang Trung Quốc cũng liên tục ra nghị quyết "ủng hộ trung ương". Trong vụ Từ Tài Hậu, thậm chí các tướng lĩnh đứng đầu cơ quan đơn vị đầu mối trọng điểm trong toàn quân phải viết bài đăng báo hô cho dư luận đều biết họ đang rất "trung thành" với Tập Cận Bình. Duy chỉ có điều, trong vụ Chu Vĩnh Khang thì Bắc Kinh đã nhanh chóng hạ những "bài báo ủng hộ" mà Đa Chiều gọi là "vuốt đuôi, xu nịnh" này ngay sau đó.

Hồng Thủy