Vụ clip gian lận trong phòng thi: Có thể hủy kết quả thi

06/06/2012 07:45
Minh Anh (ghi)
(GDVN) - GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Không ai tự dưng vi phạm quy chế thi mà không vì một lợi ích nào khác có lợi cho họ hoặc lợi ích của nhà trường."
Liên quan đến vụ việc “ném phao phòng thi” tại Bắc Giang, GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Mặc dù Bộ GD-ĐT đánh giá kỳ thi an toàn và nghiêm túc, nhưng tôi thấy rõ ràng cũng cần chú ý những thông tin liên quan đến “phao” thi hay clip “ném phao phòng thi” như trường hợp ở Bắc Giang.

Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng kiểm tra, đánh giá nghiêm túc trường hợp này để có sự đánh giá chính xác hơn về kỷ luật kỳ thi. Cũng có thể hành vi đáng lên án trên là phụ huynh học sinh có quan hệ với Hội đồng thi và thầy cô giáo nên người ta làm điều đó (ném phao cho thí sinh). Còn nếu không có động lực và quan hệ nào khác mà các giáo viên tự làm điều đó thì chỉ có thể xuất phát từ thành tích. Không ai tự dưng vi phạm quy chế thi mà không vì một lợi ích nào khác có lợi cho họ hoặc lợi ích của nhà trường.

Hình ảnh ghi lại từ clip gian lân trong phòng thi
Hình ảnh ghi lại từ clip gian lân trong phòng thi

Liên quan đến người quay clip gian lận trong phòng thi là thí sinh, GS Thi khẳng định: “Bản thân thí sính dùng điện thoại quay clip rong phòng thi là vi phạm quy chế thi vì thế phải  xử lý. Còn thông tin từ clip, nếu được xác định là thật thì người ta lấy thông tin từ clip chứ không ai đánh giá thí sinh đó hành động tích cực, tố cáo sai phạm. Anh vi phạm kỷ luật rồi bảo vì mục đích tốt đẹp thì không chấp nhận được. Vì nếu chấp nhận cái đó sẽ nhiều người lợi dụng”.
Về hướng xử lý, GS Đào Trọng Thi cho rằng: “Điều này sẽ phải nghiên cứu một cách đầy đủ, xem ảnh hưởng của hiện tượng đó đến kết quả làm bài của các em như thế nào để có hình thức xử lý hợp lý. Tinh thần là phải bảo vệ quyền lợi của các em.
Và đặc biệt, khi chấm đối với thí sinh trong phòng này phải có chế độ đặc biệt. Nếu như thấy nhiều bài trùng hợp một cách bất thường với “phao” thì có thể xử lý theo đúng quy chế, tức là những loại bài ấy sẽ bị trừ điểm hoặc bị hủy kết quả, tùy mức độ. Cái đó đã có quy chế rồi.
- Không chỉ có các dấu hiệu hiếu nghiêm túc, với việc đề thi năm nay được đánh giá là dễ, nhẹ nhàng với thí sinh, dư luận cũng cho rằng ngành giáo dục đang hướng tới một kỳ thi có kết quả “đẹp”, thưa ông?

- GS Đào Trọng Thi: Nguyên tắc của việc ra đề thi là phải bám sát chương trình. Với chủ trương để phần lớn các em tốt nghiệp THPT thì đề thi không nên khó, vì đây chỉ là kỳ thi mang tính chất kiểm tra chất lượng học sinh, không có tính chất cạnh tranh như thi vào ĐH-CĐ. Vì thế, nếu để bảo đảm học sinh trung bình cũng qua được kỳ thi này thì đề thi cũng cần thiết phải quá lắt léo, khó. Về cơ bản, dư luận ủng hộ đề thi năm nay tốt, mở. Còn bảo đề dễ hay không thì phải có đánh giá một cách khoa học.
Minh Anh (ghi)