Vụ clip quay bài thi: Các thầy cô có dạy học sinh đức tính trung thực?

10/06/2012 07:04
Độc giả Hoàng Văn Cường
(GDVN) - "Hành động quay clip của em học sinh rất dũng cảm mà không phải thầy cô nào cũng dám dạy cho học sinh bây giờ, tuy nhiên qua báo chí tôi thấy em đang rất hoang mang, chịu nhiều sức ép, vì vậy, gia đình, người thân, bạn bè lúc này hãy luôn ở bên bảo vệ, động viên em...", độc giả Hoàng Văn Cường chia sẻ.
Xung quanh các đoạn clip ghi lại hình ảnh các thí sinh nhốn nháo chép bài, giám thị thay vì nghiêm túc thì lại thờ ơ để mặc thí sinh thả sức gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 tại Hội đồng thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) vừa qua do chính một thí sinh dự thi quay lại, tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả.
Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng tải bài viết của độc giả Hoàng Văn Cường. Mời bạn đọc cùng theo dõi:
Hãy ở bên cạnh bảo vệ cho em học sinh dũng cảm này...
Ảnh cắt từ clip
Ảnh cắt từ clip

Theo dõi thông tin trên báo chí "hậu" kỳ thi tốt nghiệp THPT, quả thực không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người khác đã cảm thấy "choáng" trước các đoạn video clip quay lại cảnh nhốn nháo, giám thị làm ngơ cho thí sinh gian lận tại hội đồng thì trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang).
Trong sự "choáng" đó, tôi lại rất bất ngờ khi được biết, người quay lại những hình ảnh đó lại chính là một em học sinh, một thí sinh tham dự trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hội đồng thi này. Quan điểm cá nhân tôi phải khẳng định ngay, việc quay lại clip của học sinh này là một hành động cực kỳ dũng cảm mà không phải bất cứ học sinh nào cũng dám làm trong trường hợp này. Nó thể hiện lên tinh thần dám đứng lên chống lại, đấu tranh, phanh phui cái xấu, cái tiêu cực, dù biết rằng, bản thân mình sẽ có thể phải chịu không ít những phiền toái, khó khăn về sau. Tuy nhiên, những ngày qua, theo dõi thông tin, tôi cũng được biết em học sinh này đang rất hoang mang và chịu nhiều sức ép từ nhiều phía. Điều đó, với những người đã từng tham gia công cuộc chống, phanh phui tiêu cực thì đây là điều không mới nhưng với em học sinh này, mới chỉ là một học sinh cuối cấp THPT, thì chắc chắn những sức ép từ các các phía, những mối nguy hiểm, đe dọa sẽ có những ảnh hưởng nhất định, thậm chí tiêu cực đối suy nghĩ, hành động của em. Chính vì thế, trong giai đoạn này, tôi rất mong muốn, gia đình, người thân và bạn bè lúc này cần luôn ở bên bảo vệ, động viên em để em yên tâm, không có những suy nghĩ lệch lạc; đồng thời các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm, có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ để em vững niềm tin ở công lý, công bằng xã hội.  Từ hành động dũng cảm của em học sinh này cũng cho thấy một bất cập, hạn chế, thiếu sót trong ngành giáo dục đào tạo của chúng ta hiện nay, đó là không phải thầy, cô giáo nào cũng dám dạy cho học sinh của mình phẩm chất, tinh thần dũng cảm, dám đứng lên đương đầu, nêu ra cái tiêu cực, cái sai trái.
Tờ phao thi tại hội đồng Đồi Ngô (Ảnh: Vnexpress)
Tờ phao thi tại hội đồng Đồi Ngô (Ảnh: Vnexpress)

Các thầy cô giáo có dạy cho học sinh tính trung thực? Không ít thầy cô giáo chỉ chạy theo bệnh thành tích, làm sao để đạt được tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thật cao, để được cấp trên khen thưởng, để được báo cáo thành tích, chỉ nhồi nhét cho học sinh kiến thức mà quên đi việc dạy cho học sinh cách làm người, nhân cách, sự dũng cảm, dạy cho học sinh biết đấu tranh với cái tiêu cực, cái xấu xa trong xã hội.  Hành động của các thầy cô trong vai trò giám thị coi thi đã làm ngơ, thậm chí ném "phao" vào cho học sinh trong các đoạn clip tại Bắc Giang này chính là việc dạy học sinh cách lừa dối, tự mãn, không có ý thức tự vươn lên bằng chính kiến thức của bản thân, chỉ biết trông chờ vào người khác. Nói cách đây chính là những hành vi hết sức phản giáo dục trong chính môi trường sư phạm. Cá nhân tôi dám chắc, nếu với cách dạy như vậy, việc một tỉnh mà có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT lên tới 99% thì quả thật là một... chuyện lạ.  Một câu hỏi không chỉ tôi mà nhiều người khác cũng muốn đặt ra ở đây, với ngành giáo dục, việc dạy và thực tế những gì đã diễn ra trong video quay tại Hội đồng thi này thì, thử hỏi mỗi lần thi tốt nghiệp THPT đã có bao nhiêu em học sinh tốt nghiệp với những tấm bằng bằng cách nói dối? Như lời Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trả lời báo chí về clip gian lận thi ở Bắc Giang vào ngày 7/6 được báo Vietnamnet đăng tải lại đã cho biết, ông "giật mình" khi biết thông tin này và "Đó là danh dự của ngành giáo dục. Nếu có sai sót thì phải nhận..." Như đã nói ở trên, tôi mong rằng ngành giáo dục hãy thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, tồn tại còn đang hiện hữu trong ngành mình, thực hiện nghiêm túc cuộc vận động "hai không", chống lại bệnh thành tích trong giáo dục và tiêu cực trong thi cử. Và hơn thế, một lần nữa tôi mong muốn với trường hợp em học sinh đã dũng cảm quay clip tố cáo tiêu cực tại đây, gia đình, người thân, bạn bè và các cơ quan chức năng cần vào cuộc để bảo vệ, ở bên động viên để em yên tâm, tin tưởng vào sự công bằng, ủng hộ những người dám dũng cảm đứng lên chống tiêu cực... Mọi ý kiến của độc giả xin mời gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc quí độc giả cũng có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Hoàng Văn Cường