Vụ Đoàn Văn Vươn: "Bố đi chơi mai về, vì mẹ cháu bảo thế"

19/03/2012 06:10
Ngọc Khánh
(GDVN) - Chỉ còn gần nửa tháng nữa là tới ngày 30/3 – hạn chót để xử lý dứt điểm tất cả những việc liên quan tới vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng.
Chỉ còn gần nửa tháng nữa là tới ngày 30/3 – hạn chót để xử lý dứt điểm tất cả những việc liên quan tới vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng. Hơn ai hết, vợ của ông Vươn, ông Qúy lúc này càng trở nên quan trọng khi thay những người đàn ông trụ cột trong nhà cáng đáng, lo toan mọi việc. Ngỡ tưởng, 2 người đàn bà vốn nhỏ bé, chân yếu tay mềm kiệt sức khi chồng họ vướng vào vòng lao lý, cuộc sống đảo lộn. Nhưng không, trong cơn sóng gió cuộc đời, họ vẫn chu toàn cho tất cả được ấm êm.

Tổ ấm mới của gia đình ông Đoàn Văn Vươn
Tổ ấm mới của gia đình ông Đoàn Văn Vươn

Có mặt tại khu đầm gây xôn xao dư luận vào cuối năm 2011, chúng tôi đã gặp những người thân của ông Đoàn Văn Vươn. Một căn nhà nhỏ được các thành viên trong Chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng góp sức dựng nên. Mặc dù chỉ là những tấm bờ rô xi măng ghép tạm nhưng ít nhất cũng có thể giúp vợ con ông Vươn, Quý tránh sương, gió mỗi đêm lạnh giá nơi cửa biển heo hút. Dựng lại trên nền nhà cũ của ông Đoàn Văn Vươn, căn nhà được bao bọc xung quanh là những bức tường đổ nát, ám khói và cả những dòng chữ để lại của những người đến thăm gia đình. 

BẤM VÀO ĐÂY XEM HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CUỘC SỐNG NGƯỜI THÂN ÔNG ĐOÀN VĂN  VƯƠN


Được biết, trong số những người ở Thanh Hà, Kim Thành (Hải Dương), Móng Cái, Tây Ka Long (Quảng Ninh)... về thăm, động viên, chia sẻ, có người cũng đã từng và sắp bị thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản. Sự việc Tiên Lãng được coi như một lời kiến nghị của người nông dân gửi đến Đảng và Nhà nước đưa ra những chính sách phù hợp, sát với thực tiễn sản xuất, tạo đà cho công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển đất nước.

Bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý) thoăn thoắt gỡ lưới đánh cá để mấy người cháu mang thả kiếm cá. “Lưới lớn lưới bé đều không còn nên đành mua tạm mấy tay lưới loại nhỏ này bắt cá tôm nhỏ để ăn thôi. Mọi việc phải bắt đầu lại từ đầu nên trong năm nay chưa thể đi vào sản xuất, nuôi trồng ngay được”, bà Hiền cho biết.


Cụm chuối đầu lối vào nhà vẫn còn trơ những tàu lá chuối bị cháy sém nhưng cũng bung ngọn lá non xanh mơn mởn. Hiện nay, thu nhập của bà Hiền, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) chỉ trông chờ vào thu hoạch chuối. Hàng ngày, họ lần mò trong vườn chuối rậm rạp để tìm những buồng chuối già cắt bán. Bà Thương cho biết “bây giờ chuối cũng không còn nhiều, thu được buồng nào thì quý buồng đấy. Đợt trong năm ấy chưa kịp thu hoạch chuối bán Tết thì xảy ra việc này nên sau đó cũng bị mất nhiều. Chúng tôi đang đùa nhau, hết chuối rồi thì làm cái gì để lấy tiền trang trải đây”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đứa con đầu của vợ chồng ông Quý bị tai nạn nên phải nằm viện điều trị từ ngày mồng 4 Tết đến giờ vẫn chưa khỏi. “Trăm dâu đổ đầu tằm”, bà Hiền vừa phải chạy lên viện chăm con vừa phải tính kế sinh nhai, lo cho đứa bé 5 tuổi ở nhà. 

Sống ở vùng sông nước mênh mông, nguy hiểm luôn rình rập những đứa trẻ con ông Vươn, Quý. Không có không gian vui chơi an toàn, các bé vui đùa cạnh nơi cửa cống, đầu ngòi, chỉ cần bất cẩn cũng có thể bị đuối nước. Những năm trước đó, đứa con đầu của ông Vươn cũng đã mất ở đây.
 

Không có bố ở nhà, tụi trẻ vẫn luôn tin “bố đi chơi mai về” vì “mẹ cháu bảo thế”! Khi được hỏi, bé Đoàn Hải Long (con ông Đoàn Văn Qúy) mong bố sớm về để dẫn đi chơi. Sự thơ ngây của con trẻ đặt ra bao điều nghĩ suy với người lớn. Kinh tế gia đình đang gặp nhiều khó khăn, họ đang sống trong chờ đợi sự phán quyết cuối cùng để mọi việc được xử lý công bằng, rõ ràng. 

BẤM VÀO ĐÂY XEM HÌNH ẢNH MỚI NHẤT CUỘC SỐNG NGƯỜI THÂN ÔNG ĐOÀN VĂN  VƯƠN

Dựng lại nhà cạnh vạt rừng ngập mặn, phía ngoài kia là biển khơi, những người ở lại dường như muốn sống gần với biển hơn. Có lẽ, họ muốn ra xa hơn một chút để lòng tĩnh lại, hay đơn giản là muốn một giấc ngủ không mộng mị, ồn ào. Biển khơi đã cho họ thỏa khát khao, hoài bão làm giàu nhưng cũng có thể lấy đi tất cả, chỉ cần một con sóng xô bờ cuốn đi dấu chân trên cát trắng.



Sau giông tố cuộc đời, họ đủ để thấu hiểu lời của biển khơi. Dẫu biết rằng sức người hữu hạn nhưng bà Thương, bà Hiền vẫn gắn bó với biển. Họ phải thay chồng tiếp tục cuộc mưu sinh nhọc nhằn vì đường đời phía trước còn dài. Tôi xin trích lời trong một bài hát của nhạc sỹ Hồng Đăng để kết bài này “Mỗi một tình yêu, mỗi một cuộc đời/ Qua bao nhiêu thăng trầm lửa thử vàng mới nên người/ Biển xanh vẫn nhắc những lời yêu thương/ Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương”.
 

Điểm nóng:
Chùm ảnh: Chiêm ngưỡng những cổ vật... có tiền cũng không mua được

Hồi ức ghê rợn của “huyền thoại đua xe” Sài thành

Bộ trưởng Bộ Y tế: BHYT như hiện nay, đừng đòi hỏi chất lượng bác sĩ Giám đốc bị tố “đãi khách” bằng nữ nhân viên

Nhiều ngôi mộ bị lấp trong đêm: Chủ đầu tư phủ nhận không san lấp mộ

Vụ Thiếu úy bị ô tô húc: Lái xe bỏ chạy là con một nữ doanh nhân
Người thân cháu Bích: Ghê sợ khi cháu đối diện với Lê Văn Luyện Hình ảnh mới nhất về cuộc sống của người thân ông Đoàn Văn Vươn

Ngọc Khánh