Vụ “giảm án chủ Tân Hoàng Phát”: Bất thường thành bất bình

15/12/2011 07:25
Đọc các báo đưa tin về việc Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM giảm án đồng loạt cho các bị cáo trong vụ Tân Hoàng Phát với mức giảm rất mạnh...
Theo quy định, việc thẩm vấn của HĐXX phải vô tư, khách quan; chủ tọa phiên tòa phúc thẩm chỉ có quyền yêu cầu kiểm sát viên đối đáp với luật sư và bị cáo chứ không được chất vấn, đặt câu hỏi...

Đọc các báo đưa tin về việc Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM giảm án đồng loạt cho các bị cáo trong vụ Tân Hoàng Phát với mức giảm rất mạnh, tôi cũng thấy đúng là bất thường thật!

Thẩm vấn phải vô tư, khách quan

Sự bất thường đó nếu đúng pháp luật thì đáng để cho mọi người “tâm phục, khẩu phục”. Điều đáng trách lúc này sẽ nhằm vào tòa sơ thẩm là “tại sao lại có thể xét xử sai lầm đến như vậy”. Tuy nhiên, ở đây tòa phúc thẩm đã biến sự bất thường thành sự bất bình của dư luận, không chỉ ở mức án mà tòa phúc thẩm quyết định đối với các bị cáo mà còn ở ngay việc điều khiển phiên tòa và nội dung xét hỏi của HĐXX. Vị chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, theo tôi biết là một thẩm phán TAND Tối cao có thâm niên lâu nhất trong ngành tòa án mà xử như vậy, chắc phải có lý do nào đó!?

Chưa bàn đến việc giảm án cho các bị cáo đúng hay sai, chỉ căn cứ vào những câu hỏi của chủ tọa phiên tòa cũng có thể dễ thấy HĐXX đã vi phạm nguyên tắc “bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng” tại phiên tòa rồi. Điều này được thể hiện rất rõ ở những câu hỏi của chủ tọa phiên tòa đối với bị cáo, người bị hại mà các báo đã nêu.

Dù pháp luật tố tụng hình sự nước ta vẫn còn mang nặng tính “thẩm vấn” nhưng khi thẩm vấn, chủ tọa phiên tòa chỉ được đặt câu hỏi, không giải thích, không giáo dục, lại càng không được thể hiện thái độ trước những lời khai của người tham gia tố tụng dù đó là những lời khai chối tội; không được bình luận, đánh giá nội dung những lời khai; phải luôn giữ một thái độ khách quan, không được có biểu hiện thiên vị đối với bất cứ bên nào tại phiên tòa; không được để cho người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa biết được ý định của HĐXX khi chưa công bố bản án.

Vụ “giảm án chủ Tân Hoàng Phát”: Bất thường thành bất bình ảnh 1

Các bị cáo được dẫn giải về trại giam sau phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: H.YẾN

Không được chất vấn kiểm sát viên

Tại phiên phúc thẩm, không chỉ có HĐXX xem xét tính hợp pháp của bản án sơ thẩm mà kiểm sát viên tham gia phiên tòa cũng có quyền này. Chính vì vậy mà BLTTHS quy định tại phiên phúc thẩm, kiểm sát viên trình bày “kết luận” về vụ án chứ không phải trình bày “lời luận tội” như kiểm sát viên ở phiên sơ thẩm. Việc bảo vệ cáo trạng không thuộc trách nhiệm của kiểm sát viên tại phiên phúc thẩm. Nếu bản cáo trạng truy tố không đúng, tòa sơ thẩm xác định không đúng thì kiểm sát viên trong bản kết luận của mình tại phiên phúc thẩm có quyền đề nghị HĐXX hủy hoặc sửa bản án sơ thẩm.

Tại phiên phúc thẩm, chủ tọa phiên tòa chỉ có quyền yêu cầu kiểm sát viên phải đối đáp với người bào chữa và bị cáo về những nội dung mà người bào chữa hoặc bị cáo đưa ra yêu cầu kiểm sát viên tranh luận chứ chủ tọa không có quyền chất vấn, thậm chí không được đặt câu hỏi đối với kiểm sát viên. Bởi lẽ kiểm sát viên tham gia phiên tòa với tư cách người tiến hành tố tụng. Những kiến thức cơ bản này, thẩm phán nào cũng nắm rất chắc.

Hủy án chứ không sửa

Khi giảm hình phạt cho các bị cáo, tòa phúc thẩm chỉ nêu những vi phạm về tố tụng, về xác định người bị hại, về cách viết bản án, về quyền kháng cáo, về sự vắng mặt của người kháng cáo... mà không phân tích nhận xét việc áp dụng pháp luật của tòa sơ thẩm có đúng pháp luật hay không. Các vi phạm này không phải là căn cứ để quyết định hình phạt đối với các bị cáo mà là căn cứ để hủy án sơ thẩm. Hơn nữa, những vấn đề tòa phúc thẩm nêu ra cũng chưa được điều tra xác định đúng sai thế nào mà vẫn giảm hình phạt cho các bị cáo thì rõ ràng là không có căn cứ.

Cho hưởng án treo sai luật

Đặc biệt đối với Phan Thị Yến, tòa phúc thẩm cho rằng bị cáo không oan nhưng xét bị cáo là nữ phụ thuộc chồng, có chồng và em đều là bị cáo trong vụ án, sinh mổ ba lần sức khỏe yếu, đã trả lại một phần tiền, có con nhỏ để giảm hình phạt từ sáu năm tù xuống còn ba năm tù treo là không đúng quy định tại Điều 60 BLHS và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về án treo.

Nếu đúng tòa sơ thẩm có những sai phạm nghiêm trọng như tòa phúc thẩm xác định thì không có lý do gì mà tòa phúc thẩm lại không hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Lý do mà tòa phúc thẩm đưa ra là vụ án xảy ra đã lâu, các sai sót không ảnh hưởng đến tội danh nên không cần phải hủy án là không đúng quy định. Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, có nhiều trường hợp tòa sơ thẩm xét xử đúng người, đúng tội, hình phạt cũng thỏa đáng nhưng nếu có vi phạm tố tụng nghiêm trọng thì vụ án vẫn bị hủy để xét xử lại. Nếu sự vi phạm tố tụng nghiêm trọng đó diễn ra ở giai đoạn điều tra, truy tố thì tòa phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Vụ án gây xôn xao dư luận nhưng tòa phúc thẩm xét xử như vậy, tôi tin là chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao sẽ không bỏ qua; các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm cũng sẽ kiến nghị cấp trên xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Mức án của tòa sơ thẩm đã thỏa đáng!

Tòa sơ thẩm áp dụng các điểm a, d, đ khoản 2 Điều 123 BLHS và các điểm a, d khoản 2 Điều 135 BLHS để phạt Phan Cao Trí năm năm tù về tội bắt giữ người trái pháp luật, bảy năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt chung là 12 năm tù; phạt Phan Việt Hậu bốn năm tù về tội bắt giữ người trái pháp luật, sáu năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt chung là 10 năm tù. Tòa cũng áp dụng các điểm a, d, đ khoản 2 Điều 123 BLHS và điểm a khoản 2 Điều 135 BLHS phạt Phan Quốc Cường bốn năm tù về tội bắt giữ người trái pháp luật, năm năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt chung là chín năm tù. Đối với Phan Thị Yến, tòa áp dụng các điểm a, d khoản 2 Điều 135 BLHS để phạt sáu năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Đối với Nguyễn Minh Phương và Nguyễn Hoài Nhanh, tòa áp dụng điểm a khoản Điều 123 BLHS để phạt Phương ba năm tù, Nhanh hai năm tù về tội bắt giữ người trái pháp luật.

Căn vào hành vi phạm tội của các bị cáo, vai trò của từng bị cáo trong vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì mức hình phạt mà tòa sơ thẩm tuyên đối với từng bị cáo, theo chúng tôi là thỏa đáng!

ĐINH VĂN QUẾ

Tùy tiện

Nhận định và phán quyết của tòa phúc thẩm về việc giảm án cho các bị cáo là tùy tiện, không tuân thủ quy định của pháp luật. Bởi lẽ tòa phúc thẩm không hủy án khi xác định cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng mà cho rằng vụ án xảy ra đã lâu, không ảnh hưởng đến tội danh, chỉ cần nêu ra cho cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm là không hợp lý và không đúng quy định. Cạnh đó, việc thay đổi tư cách tham gia tố tụng của 92 người bị hại thành nhân chứng của tòa phúc thẩm cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của họ cũng như việc đánh giá hậu quả, mức độ, tính chất hành vi phạm tội của các bị cáo.

TS luật NGUYỄN DUY HƯNG, ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương)

Xác định lại số nạn nhân

Trong vụ án, việc một số người bị hại đột ngột thay đổi lời khai bênh vực các bị cáo cần phải được tòa phúc thẩm làm rõ. Vì sao trước đó họ tố cáo hành vi phạm tội của các bị cáo trong suốt giai đoạn điều tra đến khi xét xử sơ thẩm, giờ lại thay đổi hoàn toàn? Họ có động cơ, mục đích gì không? Tòa phúc thẩm đã triệu tập hết 93 người để thẩm vấn chưa mà bác bỏ tư cách người bị hại của họ, chỉ công nhận một người?

Theo luật, việc xác định người bị hại trong các vụ bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản là hết sức quan trọng để đánh giá mức độ, tính chất hành vi phạm tội. Số lượng nạn nhân càng ít thì mức án của các bị cáo càng nhẹ. Chính sự chênh lệch quá lớn về số lượng nạn nhân giữa hai cấp tòa là một dấu hỏi cần được làm sáng tỏ.

Kiểm sát viên NGUYỄN ANH ĐỨC, Quảng Trạch (Quảng Bình)

Tòa làm thay cơ quan điều tra, VKS

Về tội bắt giữ người trái pháp luật, vấn đề quan trọng nhất chính là người bị hại bởi mức án dành cho các bị cáo phụ thuộc vào hậu quả của vụ án, trong khi số lượng nạn nhân là một trong những căn cứ để xem xét, đánh giá hậu quả. Việc xác định lời khai của 93 nạn nhân tại phiên phúc thẩm chưa được làm rõ nhưng tòa phúc thẩm lại mạnh dạn loại bỏ 92 người là không ổn. Đồng thời, việc tòa phúc thẩm xác định họ trở thành nhân chứng là không đúng thẩm quyền, là làm thay việc của cơ quan điều tra và VKS.

Về tội cưỡng đoạt tài sản, nếu tòa phúc thẩm thấy bản án sơ thẩm chưa làm rõ và đầy đủ về hành vi, vai trò phạm tội của các bị cáo thì cũng cần phải tuyên hủy án để điều tra, xét xử lại. Bởi sửa án ngay thì bản án có hiệu lực pháp luật ngay sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người tham gia tố tụng. Chưa làm rõ được vai trò, tính chất phạm tội của từng bị cáo có thể gây oan, sai, quyết định hình phạt không thỏa đáng đối với họ hoặc xâm hại đến quyền lợi của các nạn nhân.

Luật sư NGUYỄN HỨA THIÊN DƯƠNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao/Pháp luật TPHCM