Vụ sếp công ích: “Đơn vị chủ quản khó tránh khỏi trách nhiệm liên đới”

17/10/2013 10:16
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Theo LS Hà Thị Thanh, để xảy ra sự việc “sếp công ích nhận lương khủng”, ngoài trách nhiệm của các cá nhân thì trách nhiệm của đơn vị chủ quản có trách nhiệm quản lý về Nhà nước không thể tránh khỏi “trách nhiệm liên đới”…

Liên quan đến việc xử lí nhiều cán bộ trong vụ “sếp công ích nhận lương khủng” trong TP. Hồ Chí Minh, sáng 16/10/2013, ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản chấp thuận đề nghị của Sở Lao động Thương binh và Xã hội về việc cung cấp đầy đủ tài liệu, hồ sơ về các doanh nghiệp dịch vụ công ích có vi phạm pháp luật về lao động, tiền lương, cho cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM để tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự các cá nhân và tập thể theo quy định của pháp luật.

Công nhân thoát nước làm việc trong môi trường độc hại, cực khổ mà lương chỉ bằng 1/41 lần lương giám đốc. Ảnh: Người Lao Động
Công nhân thoát nước làm việc trong môi trường độc hại, cực khổ mà lương chỉ bằng 1/41 lần lương giám đốc. Ảnh: Người Lao Động

Ông Lê Mạnh Hà đã nhấn mạnh, đây là sai phạm nghiêm trọng về pháp luật lao động, tiền lương của lãnh đạo bốn doanh nghiệp công ích. Bên cạnh đó, ông Hà cũng khẳng định, UBND TP sẽ xử lý nghiêm, nhằm lập lại kỷ cương trong khối doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc, cũng như trả lại sự công bằng cho người lao động.

Đánh giá về mức độ nghiêm trọng của vụ việc trên, Luật sư Hà Thị Thanh – GĐ C.ty Luật TNHH Song Thanh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tỉnh Hưng Yên; Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc cho rằng: “Mức độ ảnh hưởng, tác động của vụ việc này là rất nghiêm trọng”.

Luật sư Hà Thị Thanh
Luật sư Hà Thị Thanh
LS Thanh nói: “Đây là hành vi vi phạm pháp luật về lao động tiền lương, vi phạm trật tự quản lý kinh tế có tính chất hàng loạt tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ công ích - lĩnh vực độc quyền của Nhà nước, có thu phí dịch vụ của nhân dân.

Sự việc trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin, sự tín nhiệm của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nói chung và của các đơn vị sự nghiệp công ích nói riêng”.

LS Thanh dẫn chứng thêm, theo trả lời của Thứ trưởng Bộ LĐ, TB và XH thì mức lương cao nhất của lãnh đạo doanh nghiệp công ích có thể được hưởng là 40 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo thông tin từ các cơ quan báo chí đưa tin thì tất cả "sếp công ích" này đều hưởng mức lương cao hơn mức tối đa theo quy định. Như vậy là đã có dấu hiệu "làm sai", gây thất thoát tài sản Nhà nước để "tư lợi bản thân".

“Nếu các doanh nghiệp công ích này hoạt động có lãi, đạt hiệu quả cao, cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ tốt thì việc lãnh đạo hưởng lương cao có thể xem là điều hợp lý (tuy nhiên cũng không thể cao hơn mức tối đa theo luật) nhưng có thể thấy vấn đề cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ công ích ở TP Hồ Chí Minh nói riêng cũng như cả nước nói chung vẫn còn rất kém, phí dịch vụ thu cao mà Nhà nước hàng năm vẫn phải bù lỗ.

Việc lãnh đạo hưởng lương cao là do "chèn ép", đối xử bất công với người lao động trong doanh nghiệp. Vì thế mà vụ việc này đã gây bức xúc lớn trong dư luận nhân dân và cần phải xử lý thật nghiêm minh”, LS Thanh nếu quan điểm.

Bên cạnh đó, vị Luật sư này cũng cho rằng, để xảy ra sự việc như vậy, ngoài trách nhiệm trực tiếp của các cá nhân thì trách nhiệm của đơn vị chủ quản có trách nhiệm quản lý về Nhà nước không thể tránh khỏi “trách nhiệm liên đới”.

LS Thanh nói: “Như chúng ta đã biết, Việt Nam là 1 trong những nước có hệ thống quy định chặt chẽ về vấn đề lương, thưởng, quản lý sử dụng tài sản công trong khối doanh nghiệp Nhà nước. Các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đều phải lập Dự toán kinh phí hoạt động và thực hiện quyết toán hàng năm, chưa nói đến việc tiến hành kiểm toán, thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm.

Xảy ra vi phạm pháp luật lao động, quản lý kinh tế ở hàng loạt các doanh nghiệp công ích này cho thấy cách làm việc quan liêu, quản lý lỏng lẻo, mang tính hình thức của cơ quan chức năng. Đơn vị chủ quản và các đơn vị có liên quan này không thể tránh khỏi "trách nhiệm liên đới", Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, UBND và Công an TP.HCM cần phải làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan để có biện pháp xử lý phù hợp”.

Trước đó ông Lê Mạnh Hà, PCT UBND TP.HCM đã khẳng định, đây là vụ việc sai phạm rất nghiêm trọng về pháp luật lao động, tiền lương. Nói về quy định xử phạt vi phạm tại khoản này, LS Thanh phân tích:

“Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các hành vi vi phạm pháp luật về lao động, tiền lương bị xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật lao động chứ chưa có chế tài xử lý hình sự. Bộ luật hình sự hiện nay chưa có quy định về các tội danh trong lĩnh vực lao động, tiền lương.

Tuy nhiên, trong vụ việc này cần phải làm rõ hành vi của các lãnh đạo doanh nghiệp công ích này để xem xét có dấu hiệu của các Tội vi phạm trật tự quản lý kinh tế hay tham nhũng hay không?”

Ngoài ra LS Thanh cũng cho rằng, hành vi của các sếp công ích trên có dấu hiệu của tội “Báo cáo sai trong quản lý kinh tế” được quy định tại Điều 167 Bộ Luật hình sự.

Theo LS Thanh, tội "Báo cáo sai trong quản lý kinh tế" theo quy định tại Điều 167, BLHS thuộc chương XVI, là các tội xâm phạm quản lý trật tự kinh tế, tức là các tội phạm về kinh tế, không thuộc Chương các tội xâm phạm về chức vụ (tham nhũng).

Về tội "Báo cáo sai trong quản lý kinh tế" có quy định như sau: 
Người nào vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những số liệu, tài liệu rõ ràng không đúng sự thật gây hậu quả nghiêm trọng cho việc xây dựng hay thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của Nhà nước hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Hành vi vi phạm của tội danh này là: Báo cáo số liệu, tài liệu không đúng sự thật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, gây hậu quả nghiêm trọng. Động cơ, mục đích của tội phạm này là vụ lợi cá nhân.
                                                                              LS Hà Thị Thanh
VIẾT CƯỜNG