Vụ sếp lương "khủng": Bớt lương công nhân để làm giàu cho lãnh đạo

30/08/2013 08:13
Theo Tuổi Trẻ
(GDVN) - “Tôi nói thẳng cái tội lớn nhất của các anh là bớt lương, bớt thu nhập của người lao động để làm giàu cho lãnh đạo. Tội này phải trị tới nơi tới chốn, không phải cứ nói thu rồi, giờ trả lại là thôi”.

Đó là phát biểu thẳng thắn, đầy bức xúc của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân về vụ giám đốc nhận lương khủng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp ngày 29-8 về tình hình kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách TP trong tháng 8-2013 và triển khai nhiệm vụ tháng 9-2013.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân

Cho rằng việc giám đốc bớt xén tiền lương công nhân để làm giàu cho bản thân là sự suy thoái về đạo đức, cũng là chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đặt câu hỏi: “Trong khi cả TP đang nỗ lực vượt qua khó khăn thì các anh làm như vậy có thấu tình đạt lý hay không?”.

Ông Quân yêu cầu nhanh chóng lập lại kỷ cương, ý thức trách nhiệm, không thể cứ cho rằng không đụng tới tiền nhà nước thì muốn chia làm sao thì chia, muốn làm gì thì làm.

Sai cả về tài chính lẫn đạo đức

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, sai phạm chủ yếu của các doanh nghiệp công ích chi lương “khủng” là ký hợp đồng thời vụ dưới ba tháng cho rất nhiều công nhân, dù họ đủ điều kiện ký hợp đồng có thời hạn hoặc không xác định thời hạn để không đóng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn nhập nhằng lấy quỹ lương của người lao động chi cho khen thưởng, chi lương cho cán bộ quản lý. Việc này sai cả về tài chính lẫn về đạo đức. Hoặc có đơn vị áp dụng sai đơn giá tiền lương, khi mà UBND TP đã ban hành quyết định quy định rõ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, bà Lê Ngọc Thùy Trang, chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính TP), cho biết doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước hiện có hai quỹ tiền lương: quỹ tiền lương của người lao động và quỹ tiền lương của ban điều hành.

Riêng tiền lương của người lao động thì ăn theo đơn giá. Đơn giá tiền lương của người lao động đối với lĩnh vực công ích thì được xây dựng trên bộ định mức đã rất lạc hậu. Hiện UBND TP đã chỉ đạo các sở ngành rà soát bộ định mức đó để kiến nghị cấp trung ương sửa đổi cho phù hợp.

Trả lời câu hỏi: quỹ tiền để trả lương cho ban giám đốc có bao nhiêu phần trăm là từ nguồn ngân sách nhà nước, bao nhiêu phần trăm là từ lợi nhuận thu được do làm ăn có hiệu quả, bà Trang cho biết Sở Tài chính đang rà soát để xem quỹ lương đơn giá đó có hợp lý chưa.

Ngoài ra, còn phải rà lại các hợp đồng của những doanh nghiệp này vì những đơn vị công ích ngoài việc thực hiện nhiệm vụ thì còn làm thêm các hợp đồng công việc ở ngoài. Bà Trang xác nhận tới đây sẽ tiến hành tổng kiểm tra quỹ lương của 53 doanh nghiệp thuộc sở hữu của UBND TP theo chỉ đạo của lãnh đạo TP.

Thêm 4 doanh nghiệp công ích sai phạm

Cũng trong ngày 29-8, ông Lê Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Lao động - thương binh và xã hội - có buổi làm việc với Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM để nắm tình hình về việc các công ty thuộc khối công ích có những sai phạm liên quan đến việc chi lương, ký hợp đồng lao động. Sau khi nắm tình hình, Bộ Lao động - thương binh và xã hội sẽ có báo cáo vụ việc cho Chính phủ xem xét và có hướng chỉ đạo xử lý.

Suốt ngày tiếp xúc với bùn dơ, nhưng lương của người công nhân móc cống quá thấp so với giám đốc - Ảnh: T.TRUNG
Suốt ngày tiếp xúc với bùn dơ, nhưng lương của người công nhân móc cống quá thấp so với giám đốc - Ảnh: T.TRUNG

Ông Trần Trung Dũng, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết ngoài bốn công ty gồm Công ty TNHH một thành viên (MTV) Thoát nước đô thị, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng TP.HCM, Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh, có thêm bốn đơn vị công ích có sai phạm về tiền lương.

Trong đó có Công ty TNHH MTV Cầu phà đang được thanh tra, ba đơn vị công ích khác ở các quận huyện đã được thanh tra cũng có các sai phạm về tiền lương nhưng mức độ sai phạm nhỏ, không giống các công ty mà báo chí nêu trong mấy ngày qua.

"Lương của tôi tương đương lương bộ trưởng, tất cả thu nhập, tính cả tiền khoán, tiền cơm trưa thì được khoảng 11 triệu đồng/tháng. Lương mấy ông giám đốc công ty dịch vụ công ích vậy là cao hơn gấp mấy chục lần"

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân

* Trước thông tin cơ chế định mức, định ngạch duy tu hạ tầng giao thông lạc hậu đang góp phần giúp lãnh đạo các doanh nghiệp công ích nhận lương cao ngất ngưởng, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-8, ông Phạm Văn Khánh - vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) - cho biết: “Quy định hiện nay cũng cho phép trong những trường hợp không còn phù hợp về công nghệ, không còn phù hợp với điều kiện định mức cũ đã tính thì cho phép chủ đầu tư được xây dựng định mức mới.

Định mức mới do các chủ đầu tư tự làm dựa trên cơ sở yêu cầu theo quy trình mới, kỹ thuật mới để áp dụng cho phù hợp, sau đó gửi về Bộ Xây dựng hoặc Bộ Giao thông vận tải.

Còn họ thấy bất cập mà họ không làm định mức mới đó là lỗi trực tiếp của chủ đầu tư. Nhà nước đã hướng dẫn rất rõ, không thể dựa vào định mức cũ để áp dụng cho quy trình công nghệ mới, kỹ thuật mới”.

“Bầu sữa ngân sách thoải mái quá?”

Tại buổi giám sát đối với UBND TP.HCM về thu chi ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý TP.HCM cần hết sức chú trọng thực hiện các biện pháp chống lãng phí, đặc biệt trong tình hình ngân sách đang gặp khó như hiện nay.

Ông Hiển đặt vấn đề: vừa qua báo chí nêu như vậy, phải chăng vì “bầu sữa ngân sách” thoải mái quá nên có trường hợp giám đốc doanh nghiệp công ích hưởng lương đến 2,6 tỉ đồng/năm.

Theo ông Hiển, trước đây có trường hợp lương của một vị quản lý ở doanh nghiệp tài chính nhà nước khoảng 800 triệu đồng/năm mà Bộ Tài chính đã phải giải trình đi giải trình lại, rồi một lãnh đạo của ngành điện lực lương 52 triệu đồng/tháng cũng phải trả lời những chất vấn của Quốc hội. Còn ở TP có trường hợp lương của giám đốc doanh nghiệp hơn 200 triệu đồng/tháng là thu nhập không nhỏ...

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng giải trình: theo quy định, quỹ tiền lương được duyệt có hai nhóm: nhóm dành cho ban lãnh đạo doanh nghiệp công ích và nhóm dành cho người lao động. Nhưng doanh nghiệp đã sử dụng lấn qua quỹ tiền lương của người lao động để chi cho bộ máy khối văn phòng, quản lý cao hơn. Cũng có ý kiến của thành viên đoàn giám sát cho rằng cơ cấu tiền lương tại các doanh nghiệp khối công ích là không hợp lý giữa những người lao động trực tiếp và những người quản lý.

Theo Tuổi Trẻ