Vụ tai nạn đâm tàu ngoài biển Vũng Tàu: Xót lòng người ở lại

04/10/2013 07:53
Ngọc Luân
(GDVN) - Kết quả điều tra mới nhất của cơ quan chức năng cho thấy, trách nhiệm chính trong việc để xảy ra vụ tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng ngoài khơi Vũng Tàu vào rạng sáng 16/9/2013, vừa qua là thuộc về truyền trưởng và thuyền phó 2 của con tàu container Sima Sapphire.

Cụ thể, 2 sĩ quan chỉ huy chiếc tàu này đã lơ là cảnh giới và không kịp thời phát tín hiệu nguy hiểm khi chiếc tàu cá tới gần, khiến cho vụ tai nạn xảy ra, làm thiệt mạng 3 người và 5 người khác còn mất tích cho đến hôm nay.

Trách nhiệm của từng cá nhân và tập thể trong vụ tai nạn này chắc chắn sẽ được truy cứu theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên, nhìn lại diễn biến của vụ tai nạn thảm khốc vừa qua, không khỏi khiến cho người ta phải xót lòng…

Thỉnh nguyện ngừng công tác tìm kiếm nạn nhân

Đến nay, đã hơn nửa tháng trôi qua, kể từ thời khắc định mệnh đối với 16 ngư dân trên con tàu cá bé nhỏ TG 92819 TS gặp nạn ngoài khơi Vũng Tàu.

Khoảng thời gian quá ngắn để có thể nói mọi nỗi đau ở cái xóm chài nghèo bên dòng sông Tiền, đã được nguôi ngoai. khi mà những đền bù thiệt hại mà người ta quy ra bằng vật chất ấy là không thể nào khỏa lắp được khoảng trống tinh thần mà những người ra đi để lại.

Nỗi đau người ở lại
Nỗi đau người ở lại

Mọi công tác tìm kiếm các nạn nhân đã chính thức được dừng lại, sau mười mấy ngày rong ruổi trong vô vọng trên mặt biển mù khơi. Hôm qua, người thân trong 5 gia đình có thuyền viên bị mất tích trên biển sau tai nạn thảm khốc ấy đã ký chung một thỉnh nguyện gửi đến các cơ quan có liên quan đề nghị ngưng các hoạt động tìm kiếm thi thể người thân của mình

Theo họ, sau hơn nửa tháng, các lực lượng cứu nạn cứu hộ đã làm hết khả năng của mình nhưng vẫn không có kết quả. Những thân nhân này bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng xác nhận tử vong để hoàn tất các thủ tục kế tiếp.

Nói trong nước mắt, chị Cao Kim Huệ - vợ của ngư dân mất tích Nguyễn Văn Tân chua xót cho biết: “Anh Tân ra đi để lại cho tôi 2 đứa con thơ dại. Không biết những ngày sắp tới, chúng sẽ sống ra sao?”.

Trước những nỗ lực kéo dài công cuộc tìm kiếm cứu nạn, tập thể gia đình các nạn nhân đã mất hết kiên nhẫn, hay nói đúng hơn, họ muốn sớm khép lại một nỗi đau.

Vậy là, cái tâm nguyện nhỏ bé “được đưa xác của anh em vào bờ để chôn cất cho tử tế” của người chủ tàu, giờ đây đã không thể hoàn thành được.

Công tác tìm kiếm thuyền viên gặp nạn trên tàu cá TG 92819 TS chính thức được tạm ngưng
Công tác tìm kiếm thuyền viên gặp nạn trên tàu cá  TG 92819 TS chính thức được tạm ngưng

Ông Nguyễn Văn Hơn – chủ nhân chiếc tàu cá gặp nạn bồi hồi kể lại: “Khi gặp nạn, con tàu đang trên đường vào bờ sau gần 2 tháng lênh đênh trên biển. Nghe anh em trên tàu vui mừng báo về, đây là chuyến đi biển trúng lớn nhất từ đầu năm đến nay. Ai cũng hồ hởi về viễn cảnh sẽ được chia kha khá để có tiền chăm lo cho vợ cho con. Nhưng ngờ đâu… những gia đình nghèo giờ càng khốn khó hơn…”

Đến thời điểm hiện tại, ngoài 8 thuyền viên sống sót, 3 thi thể nạn nhân được tìm thấy đưa vào bờ sau tai nạn 2 ngày, thì thi thể của 5 ngư dân khác trên tàu cá TG 92819 TS vẫn còn trôi dạt đâu đó ngoài biển khơi.  

Lão ngư Võ Văn Nhiệm – thuyền viên lớn tuổi nhất được may mắn thoát hiểm tâm sư trong ray rứt: “Anh em đi biển đều là dân lao động nghèo, ai cũng là trụ cột của gia đình, giờ đã chết, vợ con họ không biết sau này nương tựa vào ai…”

Cứu hộ - cứu nạn hay chỉ là tìm kiếm?

Tai nạn là điều không ai mong muốn xảy ra, đặc biệt là với các nạn nhân và người thân của họ. Tuy nhiên, một khi tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra thì yếu tố tiên quyết để giảm thiểu thiệt hại, giành giật mạng sống của nạn nhân với tử thần chính là công tác cứu hộ - cứu nạn.

Vậy mà, soát xét lại những diễn biến của công tác cứu hộ - cứu nạn trong vụ tai nạn này, những thân nhân của các nạn nhân không khỏi ngao ngán mà ta thán với nhau về công tác cứu hộ, cứu nạn...?”

Vụ tai nạn xảy ra ngoài khơi, cách Vũng Tàu 50 hải lý về hướng Đông Nam, vào khoảng 2h sáng ngày 16/9/2013. Khi đó, tàu vận tải Sima Sapphire (mang quốc tịch Singapore) đang trên đường từ TP. HCM đi Malaysia đã đâm vào tàu cá TG 92819 TS, khiến con tàu gãy đôi và toàn bộ 16 thuyền viên trên tàu rơi xuống biển trong đêm lạnh. 

Ông Phạm Hiển - Giám đốc Vungtau MRCC thường xuyên lặp lại điệp khúc: "do thời tiết xấu, sóng to gió lớn nên công tác cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn..."
Ông Phạm Hiển - Giám đốc Vungtau MRCC thường xuyên lặp lại điệp khúc: "do thời tiết xấu, sóng to gió lớn nên công tác cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn..."

Khi tai nạn xảy ra, tàu hàng Sima Sapphire đã dừng lại và tổ chức cứu nạn tại chỗ đồng thời báo cho cơ quan chức năng Việt Nam.

Vậy mà, không hiểu sao mãi đến 8h45 sáng cùng ngày, tức là hơn 6 tiếng đồng hồ sau, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn mới có lệnh điều động đầu tiên với máy bay trực thăng 917 thuộc Sư đoàn Không quân 370 ra biển tìm kiếm cứu nạn.  

Ai cũng biết rõ rằng, trong lúc thời gian là yếu tố tối quan trọng để cứu hộ các nạn nhân thì không hiểu sao cái sự “phản ứng” của một cơ quan chuyên trách cấp quốc gia lại được tiến hành chậm đến như vậy?

Kết quả là sau khoảng 1 giờ 30 phút quần đảo xung quanh vị trí tàu gặp nạn với phạm vi bán kính 25 km, đội bay đã không phát hiện ra nạn nhân nào ngoài việc phát hiện vết dầu loang và mũi tàu cá nhô lên tại hiện trường.

Những thông tin báo về từ đội bay không khỏi làm thất vọng những ánh mắt dõi theo ra biển khơi suốt trong ngày hôm ấy.  

Và không thể không đặt ra một câu hỏi hoài nghi: vì sao phương tiện trực chiến cứu nạn nhanh nhất, cơ động nhất của Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn lại được triển khai quá chậm trễ như thế?

Chưa hết, bên cạnh chuyện 2 chiếc trực thăng được điều động ra hiện trường trong thực tế chỉ để tăng độ “hoành tráng” cho công tác tìm kiếm cứu nạn, thì các phương tiện khác trên mặt nước như 2 tàu cứu nạn chuyên dụng SAR 272 và SAR 273 (thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực III – Vungtau MRCC) khi chạy ra hiện trường cũng chỉ để chạy lòng vòng mà không thể tiếp cận được với xác của con tàu cá.

Trong khi đó, những người có trách nhiệm tại Vungtau MRCC, luôn ngân mãi điệp khúc: thời tiết xấu, sóng cao, biển động, tầm nhìn hạn chế… khiến cho công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn, rồi nào là dàn lưới trên con tàu cá bủa vây khắp xung quanh nên gây khó khăn cho thợ lặn…

Và, mãi đến trưa ngày hôm sau, lực lượng tìm kiếm cứu nạn mới vớt được thi thể ngư dân đầu tiên.

Hơn 30 giờ đồng hồ sau tai nạn xảy ra, lực lượng cứu hộ mới tìm được thi thể nạn nhân đầu tiên
Hơn 30 giờ đồng hồ sau tai nạn xảy ra, lực lượng cứu hộ mới tìm được thi thể nạn nhân đầu tiên

Vì vậy, những người quan tâm đến vụ việc này có quyền không hài lòng về một đơn vị cứu nạn chuyên nghiệp, được Nhà nước đầu tư bài bản, cùng nhiều trang thiết bị chuyên dụng, hiện đại... lại không có khả năng cứu hộ trong điều kiện thời tiết bất lợi như vậy.

“Nếu trời yên – biển lặng, tàu cá tụi tôi cũng ra ứng cứu được mà, cần gì ồn ào đến vậy?” – anh Lê Hoàng, một ngư dân ở Vũng Tàu phẫn uất vì quá xót ruột khi theo dõi công tác tìm kiếm cứu hộ trong vụ tai nạn này.  

Rõ ràng qua vụ tai nạn này, có thể thấy, lực lượng cứu nạn chuyên trách của quốc gia chưa thực hiện tốt chức trách của mình. Điều này cũng đồng nghĩa, họ đã phụ lại sự kỳ vọng của mọi người, đặc biệt là những nạn nhân trực tiếp của vụ tai nạn thương tâm này.

Khép lại bài viết này, chúng tôi cũng hy vọng rằng, công tác cứu hộ - cứu nạn trên vùng biển nói riêng và trên nhiều địa hình khác nói chung của nước ta sẽ rút ra được nhiều bài học quý báu. Từ đó, một khi có tai nạn không mong muốn xảy ra, công tác cứu hộ - cứu nạn là chỗ dựa, là niềm tin của nạn nhân khi lâm vào khoảnh khắc sinh tử, chứ không phải chỉ đi nhặt xác hay làm dịu lòng những người ở lại… 


Ngọc Luân