Vụ Tiên Lãng (Hải Phòng): Lãnh đạo xã chứng kiến phá nhà?

06/02/2012 07:03
Một đảng viên ở địa phương khẳng định: Công an xã, lãnh đạo xã chứng kiến việc phá nhà. Trưởng thôn dọa “xử” phóng viên bằng “luật rừng”.

Trong khi lãnh đạo xã Vinh Quang và lãnh đạo huyện Tiên Lãng nói không biết ai phá hai căn nhà của ông Vươn, ông Quý nằm ngoài khu vực cưỡng chế thì nhiều người dân khẳng định: Lãnh đạo xã cùng nhiều công an xã đã chứng kiến việc này.

Theo tài liệu chúng tôi có được, sau khi cưỡng chế thì 14 giờ chiều 5-1, đại diện UBND huyện Tiên Lãng đã bàn giao 19,3 ha đất đầm của hộ ông Vươn cho UBND xã quản lý. Trong biên bản nhận bàn giao có chữ ký của ông Mai Công Nhìu, Phó Chủ tịch UBND xã, cùng cán bộ địa chính, cán bộ Hội Nông dân, HTX nông nghiệp, bí thư đoàn.

Theo phản ánh của người dân, sau khi tiếp nhận, UBND xã Vinh Quang đã tổ chức lực lượng chốt chặn, phong tỏa toàn bộ 40,3 ha đầm của hộ ông Vươn, có cả ngôi nhà hai tầng của ông Quý.

Căn nhà của ông Đoàn Văn Vươn trước khi bị phá bỏ.

Anh N., ngụ thôn Chùa Trên, cho biết ngay chiều hôm đó, căn nhà phụ và căn chòi cấp bốn của ông Vươn bị nhiều người dùng búa, xà beng phá sập rồi đốt cháy, buổi tối các ô đầm bị tháo hết nước. Sáng 6-1, căn nhà hai tầng của ông Quý bị phá trước mắt lực lượng chức năng của xã.

Ông Nguyễn Minh Võ, 60 tuổi, đảng viên ngụ thôn Chùa Trên, nói: Chiều 5-1, khi căn nhà cấp bốn của ông Vươn và căn nhà phụ của anh Quý bị đập có mặt lực lượng chức năng. Sáng hôm sau, trước khi căn nhà hai tầng của ông Quý bị phá, tôi cùng bảy người dân đang ở trên thuyền gần đó. Ở trong đê cũng có rất đông người dân chứng kiến việc phá nhà. Lúc đó tôi thấy bảy công an xã và ông Đoàn “mắt nai” ở xã Tiên Hưng cùng ba người mặc thường phục đứng ở đó. Lát sau, ông Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy xã và ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND, đi xe máy tới chứng kiến căn nhà bị phá sập. Khi nhà bị phá xong, ông Hoan, ông Liêm đi xe máy về trước, những người còn lại về sau.

Theo người dân, ông Đoàn “mắt nai” là anh ruột của chủ đầm tên Kết.

Theo tài liệu chúng tôi có được, trong kế hoạch chuẩn bị cưỡng chế khu đầm của ông Vươn, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng nêu rõ: “Trường hợp các đối tượng đe dọa sử dụng hoặc sử dụng chất cháy nổ, chất độc thì các lực lượng công an, quân sự phải kịp thời xử lý ngăn chặn không để xảy ra hậu quả xấu và không dừng việc cưỡng chế”. Điều này cho thấy khả năng phía người bị cưỡng chế sử dụng chất cháy nổ đã được dự liệu và việc cưỡng chế được thực hiện hết sức kiên quyết.

Trong lúc nhóm phóng viên đang ở nhà ông Võ để ghi nhận thông tin thì ông trưởng thôn Chùa Trên Nguyễn Ngọc Diễn đã xông vào gây gổ. Ông Diễn đã giơ điện thoại, gí vào mặt phóng viên báo Lao Động chửi bới, đe dọa. Khi công an xã can thiệp, đưa nhóm phóng viên về nhà văn hóa thôn giải quyết thì ông Diễn tiếp tục theo ra, đe dọa “xử” phóng viên. Nhóm phóng viên chỉ được ra về an toàn khi lực lượng công an huyện được điều đến.

Thời hạn giao đất cho các chủ đầm khác nhau là do huyện tính toán lợi thế từng vị trí, đủ khả năng họ thu hồi vốn và phấn đấu làm giàu cho bản thân, bảo vệ đê biển, phát triển quỹ đất cho địa phương. Chúng tôi chủ trương sau khi hết thời hạn sẽ tiếp tục giao đất cho họ nên không đặt ra vấn đề bồi thường. Lúc đó, huyện lo không ai chịu ra khai phá đầm, bãi ven biển giáp đê chắn sóng vì đó là những nơi “xương xẩu”, nhất là chỗ Cống Rộc. Ông Vươn đã đứng ra nhận nơi khó “nhằn” này.

Ông NGÔ QUỐC TRÃI,
nguyên Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Lãng

TRỌNG PHÚ - KIM LINH/Pháp luật TPHCM