Vụ TS văng tục: "Nói đuổi việc như PGS Văn Như Cương có lẽ hơi quá"?

15/03/2012 08:44
Bình An (thực hiện)
(GDVN) - GS Nguyễn Lân Dũng: "Cuốn hút sinh viên trong bài giảng không phải là lấy dẫn chứng chuyện "chăn gối" để bàn mà chỉ cần người thầy chuẩn bị kỹ bài..
Xung quanh vụ việc đang được dư luận quan tâm: Tiến sĩ Lê Thẩm Dương văng tục trong khi giảng bài cho học viên, nhiều ý kiến của giáo giới chê trách TS Dương không nên buông những lời lẽ thiếu văn hóa trong môi trường sư phạm. Tuy nhiên nhiều học sinh, sinh viên, độc giả lại bày tỏ thái độ thích thú với bài giảng vui nhộn của Tiến sĩ Dương.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - người thầy đã hơn 50 năm giảng bài cho sinh viên để nghe những suy tư của ông về việc giảng dạy cho sinh viên như thế nào để vừa có văn hóa vừa cuốn hút sinh viên.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong buổi giảng thực hành cho sinh viên
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trong buổi giảng thực hành cho sinh viên

PV: Thưa Giáo sư ông nhìn nhận vấn đề “văng tục” của TS Lê Thẩm Dương như thế nào?

GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi cũng mới chỉ được đọc những thông tin về vụ việc xung quanh câu chuyện của TS Lê Thẩm Dương trên mặt báo. Nhưng qua câu chuyện này cũng đủ thấy thật là kỳ quái đối với một thầy giáo Đại học có trình độ Tiến sĩ. Điều không ai có thể hình dung nổi khi nói chuyện trước một cử tọa là những nhà quản lý ngân hàng và lãnh đạo doanh nghiệp

PV: Nhiều ý kiến cho rằng việc giảng bài của TS Lê Thẩm Dương khác biệt và cuốn hút học viên hơn việc dạy lý thuyết đơn thuần trong giáo trình có sẵn? ý kiến của giáo sư về việc dạy học sinh viên những kiến thức mở ngoài giáo trình?


GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi đã dạy ở môi trường Đại học trên 50 năm. Tôi nghĩ bài giảng của mình không hề khô khan vì đã được chuẩn bị kỹ. Sinh viên cần tiếp nhận kiến thức một cách trong sáng, dễ hiểu chứ đâu cần thầy pha trò. Đôi khi gắn với một ví dụ thực tế thì càng làm cho sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ. Chẳng hạn khi nói về các nguyên tố chủ yếu của mọi sinh vật  (C,H,O,N,S,P.K.Mg,Ca,Fe) tôi nói vui là các em nhớ thế này cho dễ CHỌN Sư Phạm Không ManG Cà Fê. Cả lớp cười tươi vì đúng là dễ nhớ thật. Thiếu gì những tình tiết như vậy, đâu cần dẫn đến các chuyện “vợ chồng, chăn gối” như ông TS Dương?

PV: Việc TS Dương có cách dạy như vậy có phải do tính cách của tiến sĩ Dương hay là do giới học viên, sinh viên bây giờ dễ dãi với môi trường sư phạm nên thầy giáo cũng dễ dàng nói phiếm, nói tục với sinh viên hơn?

GS Nguyễn Lân Dũng: Thầy là Thầy, Trò là Trò. Thầy phải là tấm gương cho trò. Không thể thấy trò nói tục thì thầy cũng nói tục. Sinh viên hiện nay ghi bài hay nhắn tin bằng các từ viết tắt rất kỳ lạ, nhưng họ hiểu được, Thầy không thể bắt chước để viết lên bảng theo kiểu ấy được. Nhà giáo dục Mme de Genlis (1747-1830) từng nói: Khi người ta thụ hưởng một nền giáo dục xấu thì bao nết hư thời thơ ấu vẫn còn giữ mãi cho đến lớn, đến già.

Nói như anh Văn Như Cương thì có lẽ hơi quá (Nếu là Hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh thì tôi sẽ đuổi việc TS Lê Thẩm Dương)
Nói như anh Văn Như Cương thì có lẽ hơi quá (Nếu là Hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh thì tôi sẽ đuổi việc TS Lê Thẩm Dương)

Thế hệ chúng tôi may mắn được học ở Trường Phổ thông và Trường Đại học với toàn những bậc thầy mẫu mực nên có ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của tất cả mọi người. Lớp 7E của chúng tôi cách đây đã 61 năm, vậy mà cho đến nay vẫn giữ mối giao hữu thân thiết thường xuyên , đây là chuyện không thể tách rời với sự giáo dục và tư cách gương mẫu của các thầy từ thời xa xưa ấy.
PV: Nếu không phải trong môi trường sư phạm mà là ngoài thực tế cuộc trò chuyện bình thường giữa học viên với chuyên gia, việc văng tục của TS Dương có chấp nhận được không thưa ông?

GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ một người có giáo dục khi nói đến những chuyện tế nhị, khi dùng những chữ tục tằn phải cảm thấy ngượng mồm. Ngoài đời không thiếu gì những người văng tục một cách rất hồn nhiên, người nghe cũng đã thấy ngượng rồi, nhưng họ lại cho nói thế mới thân mật. Tôi nghĩ đó là những người ít được giáo dục.

Là thầy giáo đại học, lại có cả trình độ Tiến sĩ không thể dễ dãi như vậy được. Nói như anh Văn Như Cương thì có lẽ hơi quá (Nếu là Hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh thì tôi sẽ đuổi việc TS Lê Thẩm Dương), nhưng cũng là biểu lộ sự bất bình chung của giáo giới khi thấy cái clip kỳ lạ của TS Dương. Tôi chưa được xem nhưng chỉ đọc những câu ghi lại trên báo đã thấy khó tin nổi đó lại là sự thật

PV: Là một người thầy, ông giảng dạy cho sinh viên của mình như thế nào để sinh viên cảm thấy: sự cần thiết phải đến giảng đường không phải chỉ điểm danh mà là học kiến thức?

GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi rất mừng khi đã đào tạo được rất nhiều thế hệ các sinh viên chuyên sâu về Vi sinh vật học. Nhiều người đã là những GS,PGS,TS thành danh, mà thật tình càng những lớp về sau càng thấy họ giỏi hơn mình.

Tôi đã dồn hết tâm huyết để xây dựng ngành khoa học mới mẻ này và góp phần để hôm nay có được một Viện nghiên cứu mang tầm quốc gia với một đội ngũ cán bộ trẻ đủ sức hội nhập quốc tế. Các bạn ấy vẫn tôn trọng tôi không phải vì tôi còn giỏi hơn họ nữa, mà có lẽ do họ được hiểu cái tâm của tôi từ khi  bát đầu tham gia giảng dạy và nghiên cứu cho đến nay.

Tôi không còn đủ sức làm được những việc mà các bạn ấy đang làm , nhưng vẫn thường xuyên giúp được các bạn ấy không ít việc nhờ uy tín và kinh nghiệm của mình. Không gì hạnh phúc bằng việc thấy trò lớp lớp giỏi giang hơn thầy. Cũng không gì sung sướng bằng khi thấy học sinh, sinh viên cũ vẫn giữ được tình cảm tốt đẹp đối với mình.

Bình An (thực hiện)