Vụ TS xin đi tù: 'Bộ Y tế im lặng vì chưa được hỏi'

19/11/2011 06:02
Tuệ Minh
(GDVN) - Tại sao việc 147 trẻ em chết do bệnh TCM lại không được công bố thành dịch? Tại sao TS. Khải lại bị đối xử "lạnh nhạt" khi chữa bệnh TCM cho các cháu?
Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Tiên – Phó chủ nhiệm UB về các vấn đề Xã hội của Quốc hội.

Im lặng do không được hỏi?

PV: Đã nhiều tuần kể từ khi thông tin TS Nguyễn Văn Khải chữa trị bênh Tay chân miệng (TCM) đạt kết quả ban đầu được nhiều cơ quan báo chí đăng tải nhưng Bộ Y tế phản ứng khá "lạnh nhạt". Điều này là do đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tiên: Ông Khải làm như thế là có cái đúng và cái chưa đúng. Bệnh như vậy phải chữa bằng thuốc chứ không thể chỉ chữa ngoài da không. Ông ấy phải kết hợp với cơ sở bệnh viện để chữa bệnh chứ ông ấy không thể tự chữa được bệnh. Một mình ông ấy thì chữa sao nổi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Võ Đại đã thấy được hiệu quả phương pháp điều trị TCM của TS Khải
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Võ Đại đã thấy được hiệu quả phương pháp điều trị TCM của TS Khải
Và Bộ Y tế im lặng vì chưa được hỏi. Có thể như vậy vì chỉ nghe báo chí nói thôi và có thể ở phía các tỉnh, họ chưa hỏi Bộ Y tế. Ví dụ như tỉnh phải có công văn chính thức hỏi Bộ Y tế những trường hợp này có được chữa bệnh hay không? Khi đó Bộ Y tế sẽ trả lời ngay. Chưa hỏi thì làm sao Bộ Y tế họ biết. 
PV: Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã tận mắt chứng kiến hiệu quả bước đầu phương pháp chữa bệnh của ông Khải...
Ông Nguyễn Văn Tiên: Trong đó là có vấn đề. Ông Khải muốn chữa bệnh thì phải được cấp chứng chỉ chữa bệnh chứ đâu phải chuyện đơn giản.
PV: Vậy tại sao Bộ Y tế không đình chỉ ngay lập tức vào cuộc, xử lý hoặc đình chỉ việc chữa bệnh của ông Khải? Nếu ông là Bộ trưởng Bộ Y tế, ông sẽ làm gì trong trường hợp này?
Ông Nguyễn Văn Tiên: Thứ nhất là về ông Khải. Luật quy định ai được quyền chữa bệnh. Khi ông Khải đến tỉnh Ninh Thuận thì chỉ giống như người ngoài đến tham gia góp ý kiến cùng địa phương, cùng tham gia. Ông ấy dùng cái thuốc của ông ấy bôi ở bên ngoài. Vì bản chất thuốc của ông ấy chỉ để bôi bên ngoài. Mà bệnh lại từ bên trong phát ra bên ngoài. 

Việc làm của ông ấy hiện nay như là bịt bên ngoài mà bên trong không điều trị thì vẫn vậy. Như vậy, ở địa phương trăn trở là đúng. Nhỡ để ông ấy bôi thuốc bên ngoài làm trẻ con chết thì làm thế nào? Ai chịu trách nhiệm? Lúc đó người ta mới tra ra ông Khải không có bằng mà lại đi chữa bệnh thì lúc đó xử lý ra sao?
Ý tưởng của ông ấy rất tốt nhưng phải phối hợp với địa phương cùng làm, cùng thực hiện. Trong khi đứa trẻ vừa được tiêm, vừa được uống thuốc lại vừa được bôi thuốc bên ngoài của ông Khải thì mới có tác dụng chứ không chỉ bôi riêng thuốc của ông Khải. 
Tất cả phải làm theo luật không thể chỉ vì thích thế này, thích thế kia mà được. Cả một đất nước phải làm theo pháp luật.
Còn vấn đề ông Khải thì phải để địa phương trả lời vì đây là các vấn đề liên quan đến thẩm quyền nên nếu địa phương hỏi thì người ta sẽ có ý kiến. Như báo chí đã đưa tin, PCT tỉnh Ninh Thuận đã mời ông Khải vào. Mời ông Khải vào nhưng không có nghĩa giao tính mạng các đứa trẻ cho ông ấy. Ông ấy phải phối hợp với y tế địa phương để làm. 

Trong quá trình phối hợp ấy thì phải phụ thuộc vào thiện chí của các bên. Có khi ông Khải khuếch trương biện pháp ấy quá mà bên y tế thì lại không tin ông Khải có khả năng chữa bệnh. Khi hai bên không gặp nhau thì khó lắm.
PV: Thưa ông, dư luận đang đặt dấu hỏi, bệnh TCM đã cướp đi sinh mạng của 147 đứa trẻ nhưng tại sao cơ quan chức năng vẫn không công bố dịch?
Ông Nguyễn Văn Tiên: Công bố dịch phụ thuộc vào địa phương. Theo luật công bố dịch truyền nhiễm thì việc công bố dịch là thẩm quyền của UBND huyện. Nếu thấy cần thì tỉnh công bố. Khi vài ba tỉnh công bố thì trên toàn quốc họ sẽ công bố dịch. Tỉnh phụ thuộc vào HĐND, UBND. Người ta thấy công bố không có tác dụng gì, tất nhiên phải bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng thì người ta không công bố.
Công bố dịch tức là kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài, chứng tỏ khả năng của anh không đảm bảo được nữa. Nếu người ta vẫn thấy trong vòng kiểm soát thì người ta không công bố dịch. 
PV: Khi cháu bé ở Bắc Giang bị chém cụt tay thì ngay lập tức bà Bộ trưởng Bộ Y tế xuất hiện mà không cần có công văn nào từ tỉnh đó cả trong khi đó có tới 147 cháu bé bị chết do bệnh chân tay miệng thì Bộ trưởng Bộ Y tế lại im lặng ngay cả trong sự việc TS. Khải chữa bệnh cho các cháu. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Ông Nguyễn Văn Tiên: 147 cháu bé chết là rải rác trong các tỉnh trong nhiều tháng. Bộ chỉ đạo theo ngành dọc có các biện pháp vệ sinh phòng dịch rải rác trong nhiều tháng. Người ta có tiến trình, chi tiền dự phòng làm đấy chứ không phải người ta không làm gì. Nếu không làm gì thì làm sao giữ được tình hình ổn định như vậy. 
Tuệ Minh