Vương Nghị công du ASEAN, 1 trong 2 "gọng kìm" độc chiếm Biển Đông

02/05/2013 14:15
Hồng Thủy
(GDVN) - Giới học giả Đài Loan cho rằng chuyến thăm này là 1 trong 2 "gọng kìm" nhằm kẹp chặt cái gọi là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc ở Biển Đông cùng với gọng kìm còn lại - bành trướng sức mạnh quân sự, cơ bắp.
Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc
Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc
Chuyến công du 4 nước ASEAN của Vương Nghị với tư cách Ngoại trưởng Trung Quốc đang khiến dư luận khu vực và quốc tế đặc biệt quan tâm. Thông tấn xã Đài Loan (CNA) tổng hợp nhận định, phân tích của giới học giả Đài Loan cho rằng chuyến thăm này là 1 trong 2 "gọng kìm" nhằm kẹp chặt cái gọi là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc ở Biển Đông cùng với gọng kìm còn lại - bành trướng sức mạnh quân sự, cơ bắp.
Cánh học giả Đài Loan cho rằng Biển Đông có giá trị chiến lược trọng yếu về địa chính trị và kinh tế, một trong những tuyến hàng hải tấp nập nhất thế giới hiện nay. Khống chế được Biển Đông là khống chế được khu vực Đông Nam Á, thậm chí là cả Tây Bắc Thái Bình Dương. Ngoài ra trữ lượng dầu khí ở Biển Đông cũng là sự "thèm khát, tham vọng" của Trung Quốc. Cả Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố về cái gọi là chủ quyền với gần 90% diện tích Biển Đông thông qua đường lưỡi bò (đường chín đoạn, đường chữ U) phi pháp, điều này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia ven Biển Đông, đặc biệt là các bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, gồm Philippines, Malaysia, Việt Nam và Brunei. Để thực hiện tham vọng phi pháp độc chiếm Biển Đông thành ao nhà, Trung Quốc đã và đang xiết chặt 2 gọng kìm chiến lược. Gọng kìm thứ nhất, Bắc Kinh dùng chính trị - ngoại giao cố tìm cách phân hóa nội khối ASEAN và lái sự chú ý của ASEAN trong vấn đề Biển Đông sang chuyện khác - thúc đẩy quan hệ "đối tác chiến lược", kinh tế thương mại song phương. Thủ đoạn của Trung Quốc đã tỏ ra khá hiệu quả khi can thiệp vào nội khối ASEAN thông qua Campuchia hồi năm ngoái và đang tìm cách tác động tới Brunei, Thái Lan, Indonesia và Singapore trong năm nay. Hà Lượng Lượng, nhà bình luận thời sự Hồng Kông nói với đài Phượng Hoàng, chuyến công du ASEAN của Vương Nghị rõ ràng là nhằm phân hóa ASEAN trong vấn đề Biển Đông, chống lại những nỗ lực của các bên liên quan mà chủ yếu là Philippines và Việt Nam nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông qua con đường hòa bình, đối thoại giữa ASEAN với Trung Quốc. Tống Yến Huy, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông của Viện Nghiên cứu trung ương Đài Loan nói với CNA rằng, Vương Nghị đi thăm 4 nước ASEAN rõ ràng là nhằm mục đích phân hóa ASEAN và gia tăng áp lực, buộc Philippines phải rút đơn kiện (đường lưỡi bò phi pháp và các hành động leo thang gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông). Tuy nhiên, không phải Trung Quốc cứ muốn là được. Với sự đồng thuận trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa rồi tại Brunei, trong chuyến công du Đông Nam Á lần này, dù Vương Nghị có thuyết phục các thành viên trong khối để Bắc Kinh "thương lượng tay đôi" với các bên tranh chấp, thì ít nhiều Vương Nghị cũng sẽ phải trả lời câu hỏi, khi nào sẽ ngồi vào bàn đàm phán Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) với ASEAN. Gọng kìm còn lại để phối hợp với đòn chính trị - ngoại giao trong chuyến đi của Vương Nghị chính là hoạt động bành trướng sức mạnh quân sự, leo thang của Bắc Kinh trên Biển Đông với hàng loạt động thái kể từ sau khi thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" phi pháp hồi tháng 6 năm ngoái. Mới nhất, ngày 28/4 Trung Quốc tổ chức tour du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt phi pháp năm 1974, trong đó chủ yếu là giới chức các địa phương Trung Quốc tham gia. Trước đó, ngày 16/4 Trung Quốc ban hành sách trắng quốc phòng, thể hiện rõ thái độ cứng rắn trong cái gọi là "bảo vệ chủ quyền". Thậm chí Lý Kiệt, một chuyên gia phân tích hải quân Trung Quốc cho hay, có khả năng Bắc Kinh sẽ phái tàu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông, chưa kể tới cuộc tập trận (phi pháp) rầm rộ trên Biển Đông của hạm đội Nam Hải đầu năm nay.
Hồng Thủy