Xúc động mãnh liệt bức thư của sinh viên ĐH Luật gửi Trường Sa

30/07/2012 06:33
Lê Thu Thảo
(GDVN) - "Đất nước - hai tiếng ấy gợi nhắc chúng ta biết bao điều thiêng liêng, ấm áp. Yêu nước, yêu Tổ quốc là tình cảm quý báu luôn thường trực trong trái tim của mỗi người con đất Việt. Tự nó đã đan dệt thành lịch sử và có thể nói lịch sử dân tộc Việt Nam cũng chính là lịch sử của lòng yêu nước".
LTS: Một lần nữa, lòng yêu nước của biết bao người dân Việt Nam lại được thử thách. Và nếu có ai đó còn đôi chút ngập ngừng, do dự hay lo lắng về tình cảm thiêng liêng đó, xin hãy đọc qua những bức thư của những người trẻ được đăng tải trên các diễn đàn, gửi tới các chiến sĩ ngày đêm đang canh giữ gìn giữ chủ quyền biển đảo ngoài khơi xa.

Đất nước - hai tiếng ấy gợi nhắc chúng ta biết bao điều thiêng liêng, ấm áp. Yêu nước, yêu Tổ quốc là tình cảm quý báu luôn thường trực trong trái tim của mỗi người con đất Việt. Tự nó đã đan dệt thành lịch sử và có thể nói lịch sử dân tộc Việt Nam cũng chính là lịch sử của lòng yêu nước.
Nếu đột nhiên có ai đó hỏi bạn có yêu nước không? Hãy tự tin trả lời bằng một câu khẳng định, bởi lẽ yêu nước không nhất thiết là cầm súng, gươm tranh đấu với kẻ thù, đó cũng không phải là khi bạn đứng trước một đám đông với hàng trăm con người và hét lên rằng: “Tôi yêu nước!”; thời bình người ta thể hiện lòng yêu nước khác với thời chiến. 
Nếu như thời phong kiến yêu nước là phải gắn liền với “trung quân ái quốc” thì ngày nay yêu nước lại gắn liền với yêu lý tưởng Xã Hội Chủ Nghĩa. Khi bạn say mê trước những cuốn sách viết về lịch sử dân tộc, khi bạn tích cực bình chọn để Vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới hiện đại hay khi bạn biết và trăn trở trước vấn đề biển Đông - một trong những vấn đề đang từng ngày, từng giờ nóng dần trên các diễn đàn, trang mạng hay báo chí và cầm bút để viết lên những dòng cảm xúc của mình để gửi đến Trường Sa thân yêu… thì chính lúc đó tình yêu đất nước trong bạn đang hiện rõ. 
Trường Sa, một phần máu mủ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam
Trường Sa, một phần máu mủ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam
Đặc biệt, những lúc chúng ta cùng theo dõi các chương trình truyền hình, đọc những trang báo viết về Trường Sa thân yêu hay tìm hiểu về những câu chuyện đến rơi nước mắt về tình cảm cha - con, anh - em, chồng - vợ… nơi đất liền với hải đảo xa xôi để cảm nhận được sự thiếu thốn về đời sống vật chất và tinh thần của những người lính đảo nơi đây, chúng ta sẽ nhận ra rằng: Tuy không vượt đạn bom như mấy mươi năm về trước, nhưng những lá thư vượt biển Đông lại có một sứ mệnh quan trọng như thế nào đối với những người dân và chiến sĩ đang sinh sống, học tập và làm nhiệm vụ ở Trường Sa.
Trường Sa - Quần đảo ở vào khoảng 120B và kinh tuyến 1110Đ, cách bờ biển Việt Nam 300km. Toàn thể quần đảo có diện tích khoảng 160.000km2, là nhóm gồm hơn 100 đảo nhỏ và đảo đá ngầm; nằm trong biển Đông quần đảo Trường Sa được bao quanh bởi những vùng đánh cá trù phú và giàu có về tài nguyên dầu mỏ và khí đốt. 
Giờ đây đến Trường Sa chúng ta chắc hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên trước một Trường Sa với những căn nhà được xây dựng kiên cố, gió chạy dọc từ đầu hiên đến cuối nhà mát rượi; tiếng ê a học bài, tiếng nô đùa của trẻ nhỏ cứ ríu rít mãi bên hàng giậu nhỏ…và cuộc sống ở đây cũng thật đặc biệt, nó không ồn ào, náo nhiệt như ở các thành phố, cũng không thật yên bình, trầm lắng như các vùng quê nhưng cái không khí mà Trường Sa mang lại cho bất kỳ ai đã từng một lần đặt chân đến đây chắc hẳn sẽ thật khó quên bởi tuy thời tiết còn khắc nghiệt, đôi lúc thiếu rau xanh nhưng tình làng nghĩa xóm ở đây vẫn đầm ấm lắm, nhất là tấm lòng của những cán bộ, chiến sĩ hải quân dành cho nhau và cho những người dân. 
Cuộc sống trên đảo giờ đây đã dần ổn định với hệ thống điện, đường, trường, trạm đang từng bước được hoàn thiện, cơ sở vật chất hạ tầng cũng đang được chú trọng đầu tư nhưng có lẽ những cán bộ, chiến sĩ đang sinh sống và công tác ở đây vẫn luôn mang một nỗi nhớ khôn nguôi hướng về đất liền - nơi đó có quê hương, gia đình, bạn bè và những người thân cũng đang từng ngày nhớ về họ. 
Có ai có thể hiểu được nỗi lòng của các anh khi phải sống và công tác ở một nơi xa quê nhà đến thế, hình bóng mẹ già, người vợ tần tảo sớm hôm cùng tiếng gọi bi bô của các con mỗi lúc khi bố đi công tác về…- đó chắc hẳn sẽ là một nỗi nhớ da diết mà có lẽ chỉ có những người trong cuộc như các anh mới có thể hiểu được. Chính vì lẽ đó mà các cán bộ, chiến sĩ hải quân ở đây đang rất mong chờ để được nhận những lá thư của người thân hay đơn giản chỉ là những dòng tâm sự, gửi gắm, chia sẻ giữa đất liền với Trường Sa bởi hơn ai hết các anh cần lắm những tình cảm, hơi ấm quê nhà - chính nó sẽ là cái gạch nối dài cho những yêu thương, chờ đợi; sự nhớ mong mỏi mòn; nỗi nhớ thương cồn cào, da diết; nỗi trông chờ đến khắc khoải mà hai bến bờ yêu thương: đất liền và hải đảo muốn gửi đến cho nhau và chính nó cũng sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc giúp các anh có được niềm tin, đó không chỉ là niềm tin vào cuộc sống, vào hạnh phúc mà hơn thế đó còn là một niềm tin sắt đá vào một tương lai tươi sáng mà ở đó chủ quyền biển đảo Việt Nam sẽ được khẳng định và định hình vững chắc trên bản đồ thế giới, bởi một công việc mang tính chất đặc thù là những người lính đảo như các anh thì trên hết yếu tố bản lĩnh và sự vững vàng về chính trị là một điều rất cần thiết.
Những chiến sĩ đảo Trường Sa
Những chiến sĩ đảo Trường Sa
Đâu cần phải là những món quà đắt tiền hay những thứ vật dụng tiện nghi… cái mà các cán bộ, chiến sĩ hải quân ở đây đang cần chính là những “sợi nhớ, sợi thương” nối liền khoảng cách bởi “Không xa đâu Trường Sa ơi. Không xa đâu Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em.”.
Giờ đây tôi đang ngồi đọc cuốn truyện ký “Đảo chìm” của tác giả Trần Đăng Khoa, một tác phẩm rất hay viết về con người và cuộc sống ở các đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa và cùng khe khẽ hát theo những giai điệu du dương của bài hát “Gần lắm Trường Sa” với những lời ca thật đẹp: 
“Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi. Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ. Bên đồng đội yêu thương chỉ có loài chim biển…” mà lòng lại trào lên những cản xúc bồi hồi đến khó tả, vừa thiêng liêng, gần gũi; vừa sâu lắng, trữ tình nhưng cũng không kém những trăn trở, suy tư của một sinh viên năm 2 Đại học.

TOÀN CẢNH TRƯỜNG SA - HOÀNG SA NHÌN TỪ ĐẤT LIỀN
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY

Mấy tháng nay, nhân dân cả nước vẫn luôn hướng về Trường Sa thân yêu, luôn từng ngày từng giờ dõi theo những sự việc đang diễn ra cực kỳ phức tạp trên biển Đông, đây là một vần đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam. Qua những thông tin hằng ngày vẫn liên tục được cập nhật trên các trang báo mạng hay những tờ báo như Tuổi trẻ, Thanh niên, Thời đại hay Sài Gòn giải phóng… chúng ta có thể thấy hiện nay vấn đề biển Đông đang có nhiều biến chuyển khó lường bởi giờ đây không chỉ có Trung Quốc mà nhiều cường quốc khác cũng đang dần can thiệp sâu vào vấn đề biển Đông. 
Kể từ giữa năm 2009, Trung Quốc liên tục “gây chuyện” với từng nước riêng rẽ liên quan đến tranh chấp, trực tiếp và gián tiếp với cả khu vực: Xây dựng đơn vị hành chính, đơn vị cấm đánh bắt cá, xây dựng cơ sở hải quân khổng lồ ở đảo Hải Nam; tổ chức tàu tuần tra, tập trận không quân và hải quân trong khu vực tranh chấp… là những bước leo thang của Trung Quốc trong việc làm căng thẳng tình hình biển Đông.
Và cũng chính từ sự kiện biển Đông mà nó đã giúp chúng tôi nhận ra được nhiều điều, trong những điều đó có lẽ điều quan trọng nhất chính là việc chúng tôi - lớp trẻ của thế hệ hôm nay cũng đã phần nào nhận ra được vai trò và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giữ gìn và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cùng nhiều trăn trở, suy tư chưa có lời giải đáp. 
Hướng về Trường Sa thân yêu, tôi nghĩ rằng điều đầu tiên là mỗi chúng ta cần phải rèn luyện tốt, đặc biệt là việc rèn luyện về đạo đức bởi đạo đức chính là nền tảng, là “gốc” của mỗi con người, đặc biệt là phải biến cuộc vận động “Góp đá xây Trường Sa” thành hành động thực sự của cá nhân và chính mỗi chúng ta sẽ phải trở thành chủ thể tích cực của cuộc vận động đó.
Đồng thời xây dựng cho mình bản lĩnh để đủ sức phán xét thật nghiêm khắc đạo đức làm người của chính mình, biết phân biệt rạch ròi giữa cái đúng - cái sai, cái tốt - cái xấu để hành động; không ngừng giữ gìn, xây đắp cho Tổ quốc thêm giàu mạnh, không ngừng cảnh giác và chống lại những nguy cơ có thể xâm hại đến An ninh quốc gia. 
Đặc biệt, cần phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh xông pha vào những thử thách để trui rèn nhân cách bằng chính những hoạt động tình nguyện như Mùa hè Xanh hay Hiến máu nhân đạo…bởi vũ khí trong tay những thế hệ trẻ như chúng ta chính là sức mạnh tuổi trẻ, là nhiệt huyết thanh xuân, là tri thức vững vàng, là nhân cách đạo đức trong sáng, hãy luôn nhớ rằng: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi rằng ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. 
Vì vậy mà không có lý do gì để chúng ta không noi gương tinh thần yêu nước của cha anh, không có lý do gì để chúng ta không hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ học tập của mình, không có lý do gì để chúng ta không làm giàu cho quê hương, đất nước bằng chính sức lao động chân chính của mình, và càng không có lý do gì để chúng ta không thể đối diện chiến đấu với các thế lực thù địch để giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương bởi chắc chắn trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam chúng ta ai cũng mang trong mình tình yêu đất nước, nhưng làm thế nào để tình yêu đó ngày càng nồng nàn, tha thiết, ngày càng mãnh liệt hơn – đó là điều mà ai cũng cần phải tự giác nhận thức và tìm cho ra câu trả lời. Và một điều rất quan trọng nữa là mỗi chúng ta- những sinh viên Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, vững vàng về pháp luật, giữ vững sự thăng bằng của “cán cân công lý” để góp phần vào công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Lúc tôi viết bài viết này thì cũng là lúc vấn đề biển Đông đang diễn ra cực kỳ phức tạp với nhiều biến chuyển khó lường, diễn đàn ASEAN cũng đang tiến hành nhiều cuộc hội nghị để tìm cách giải quyết. Hy vọng rằng trong thời gian sắp tới tình hình biển Đông sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực hơn và các nước lại cùng bắt tay nhau để cả thế giới được chung sống trong hòa bình như trước đây. Và tôi cũng muốn, tôi và tất cả các bạn, chúng ta không chỉ viết những dòng cảm nhận này với ý nghĩa là những lá thư mà thông qua đó chúng ta hãy góp một phần tiếng nói của mình vào việc khẳng định: “Quần đảo Trường sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam” và sự khẳng định đó không chỉ được thể hiện bằng niềm tin mà phải bằng chính những giá trị pháp lý vững chắc nhất.TOÀN CẢNH TRƯỜNG SA - HOÀNG SA NHÌN TỪ ĐẤT LIỀN
BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY
Rất nhiều con dân Việt dù đang sinh sống trên Đất Mẹ hay cách xa hàng nghìn km, vẫn ngày ngày đau đáu nhớ thương về Tổ Quốc. Chắc chắn họ có rất nhiều kỷ niệm, cảm xúc về Trường Sa, Hoàng Sa như tác giả bài viết này. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam kính mời Quý độc giả gửi về tòa soạn những tâm sự, kỷ niệm liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam. Bài viết xin gửi về địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn. Trân trọng cảm ơn!
Lê Thu Thảo