Y đức xuống cấp do bệnh nhân tiếp tay?

26/03/2012 17:27
Theo Thái An/Vietnamnet
Trả lời truy vấn của đích thân Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khi đã gần trưa, Bộ trưởng Y tế phân trần: Việc giảm tải bệnh viện không thể thực hiện nhanh chóng, phải ngoài năm 2015 mới có hiệu quả rõ rệt.
Được truyền hình trực tuyến đến các đoàn đại biểu QH, buổi sáng chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tại Ủy ban Thường vụ QH diễn ra trong không khí thẳng thắn, tuy còn nhiều trả lời “đang xây dựng" hoặc "đã đệ trình đề án chờ phê duyệt”.

'Quá tải ảo'

Câu chuyện muôn thuở quá tải bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến trên, là tâm điểm của buổi chất vấn.

Bà Tiến cho biết, Bộ đang đang biên soạn và sẽ trình Chính phủ đề án gồm nhiều giải pháp tổng thể giải quyết vấn đề như tăng cường cơ sở vật chất và nhân lực cho tuyến tỉnh, xây dựng các bệnh viện vệ tinh, tiến hành phân tuyến rõ rệt giải quyết tình trạng 'quá tải ảo', quy định nghiêm ngặt việc chuyển viện.

Y đức xuống cấp do bệnh nhân tiếp tay?, Tin tức trong ngày, giam tai benh vien, y duc, dua phong bi bac si, bac si, benh nhan, bo truong y te, bo truong nguyen thi kim tien, tang vien phi, bao, tin tuc, tin hot, tin hay
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) hỏi: “Tại sao phần lớn người khám chữa bệnh chuyển lên tuyến trên, nguyên nhân do đâu?”.

Bộ trưởng Y tế cho rằng, sâu xa là do kinh tế phát triển, dân trí tăng nên người dân có tâm lý muốn lên tuyến trên vì tin có bác sĩ giỏi, cơ sở vật chất tốt. Cũng có lý do là tuyến dưới chưa đáp ứng chất lượng về con người và dịch vụ. Bà Tiến khẳng định: “Giải quyết thực trạng này cần có lộ trình, khắc phục từng bước”.

Bộ trưởng cho rằng, việc nâng cao chất lượng nhân lực và cơ sở vật chất tuyến dưới, giúp người dân tin tưởng hơn vào dịch vụ y tế cũng biện pháp làm giảm tình trạng quá tải bệnh viện, các bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người/giường. "Thực trạng là có một số trường hợp như sinh thường, hay mổ ruột thừa, các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện có thể giải quyết rất tốt, nhưng dân vẫn muốn chuyển lên tuyến trên. Chúng tôi sẽ kiên quyết thực hiện quy định phân tuyến rõ ràng". Lãnh đạo y tế khẳng định: "Cần mở rộng đào tạo nhân lực y tế cho các lĩnh vực kém thu hút như tâm thần, lao, phong, truyền nhiễm, y tế dự phòng; mở rộng quy mô đào tạo; có chế độ ưu đãi để giải quyết sự mất cân đối về phân bổ nguồn lực y tế giữa các vùng miền, chuyên khoa".

Chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng, đích thân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng "truy": “Có quá nhiều đề án, nghị định được đề xuất. Nhiều nguyên nhân giải pháp được đưa ra. Vậy bản thân Bộ trưởng dự định việc gì hoàn thành được trong năm nay, năm tới và đến năm 2015?”.

Bà Tiến khẳng định, mục tiêu năm nay là hoàn tất và cho ra được nghị định về cải tổ cơ chế tài chính cho các bệnh viện. Đưa ra bảy nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong nhiệm kỳ 5 năm, bà cho biết, vấn đề giảm tải bệnh viện nằm trong số đó.

Người đứng đầu Bộ Y tế nói, trước mắt phấn đấu trong năm 2013 cố gắng giảm tải ở các bệnh viện lớn như viện K, Bạch Mai… Bà thừa nhận: “Việc giảm tải không thể nhanh chóng thực hiện. Phải ngoài năm 2015 mới có hiệu quả rõ rệt nhưng từ nay tới 2015 cố gắng giải quyết các điểm nóng”.

Y đức xuống cấp: Bệnh nhân tiếp tay

Chia sẻ với các đại biểu về vấn đề y đức, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh: Những hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế không chỉ đơn thuần xuất phát từ cán bộ y tế mà trong nhiều trường hợp được khởi xướng và tiếp tay bởi chính bệnh nhân và gia đình. Sự xuống cấp của các cơ sở y tế, nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao dẫn tới tình trạng quá tải ở bệnh viện, khiến không thể cung cấp đầy đủ dịch vụ chất lượng cao. Tình trạng này khiến người bệnh và người thân trong gia đình cố gắng tiếp cận, tranh thủ cán bộ y tế để tạo sự quan tâm hơn tới bệnh nhân.

Bà Tiến khẳng định, đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về đạo đức ngành y như luật khám bệnh, chữa bệnh; luật phòng chống tham nhũng, luật Viên chức. Bộ Y tế cũng đã ban hành 12 điều y đức, quy định về giao tiếp, chỉ thị tăng cường y đức trong các cơ sở khám chữa bệnh, quy tắc ứng xử của cán bộ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế cho rằng, để khắc phục vấn đề, cần có sự hợp tác và hỗ trợ từ nhiều phía, nhiều thành phần xã hội tham gia, từ các hiệp hội trong ngành, từ quốc hội và chính phủ, từ phía người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội.

Bà Tiến đã đề cập tới các giải pháp mà Bộ Y tế đang tiến hành, trong đó có đề án đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính ở các bệnh viện công, đề xuất xây dựng mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học, chú trọng công tác kiểm tra giám sát tại chỗ, thu thập ý kiến phản ánh của người dân, ban hành quy tắc ứng xử và xử lý nghiêm khắc cán bộ y tế vi phạm quy tắc ứng xử…

Trả lời chất vấn về giá thuốc, Bộ trưởng Y tế thừa nhận có nhiều bất cập trong thông tư về đấu thầu giá thuốc. Bà Tiến khẳng định: “Bộ sẽ trình hồ sơ hướng dẫn mời thầu, thống nhất thông tư về quản lý giá thuốc Bộ đã ký thông tư hướng dẫn đấu thầu, trình chính phủ kế hoạch thí điểm quản lý giá theo kiểu quy định giá tối đa được lời nhằm tránh hình thức trung gian”.

'Điều chỉnh viện phí không ảnh hưởng người nghèo'

Về việc điều chỉnh viện phí, Bộ trưởng cho rằng, việc điều chỉnh giá là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Giúp người bệnh thụ hưởng dịch vụ tốt hơn, bệnh viện có kinh phí để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nhân lực cũng như dịch vụ. Việc điều chỉnh lần này cũng giảm bớt sự bao cấp tràn lan với người có khả năng chi trả viện phí, tạo điều kiện để nhà nước dành ngân sách để mở rộng đối tượng hưởng chính sách bảo hiểm y tế. Đồng thời không ảnh hưởng nhiều tới người nghèo và gia đình chính sách.
Theo Thái An/Vietnamnet