Hưởng ứng ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái, ngày 29/11, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh đã tổ chức tiêu hủy 30 mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các đội Quản lý thị trường trong tỉnh phát hiện, thu giữ, xử lý trong năm 2018.
Hàng giả tiêu hủy chủ yếu là thực phẩm, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, quần áo, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực... với tổng giá trị tương đương với hàng thật khoảng 644 triệu đồng.
Ngày 29/11, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh đã tổ chức tiêu hủy 30 mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Từ đầu năm 2018 đến nay, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh đã kiểm tra, xử lý trên 1.387 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phạt gần 4 tỷ đồng, tổng số hàng hóa đã đã tiêu hủy tương đương với hàng thật gần 5.620 triệu đồng.
Hoạt động này nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của hàng giả, hàng nhái, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Nhằm đẩy lùi những vấn nạn về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất và buôn bán hàng giả, Điều 193, Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 về “Tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và phụ gia thực phẩm” đã quy định rõ người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và phụ gia thực phẩm thì bị phạt tù từ 2-5 năm.
Nếu có thêm các tình tiết tăng nặng như: phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ quyền hạn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng… mức án tù cũng tăng lên từ 5-10 năm, 10-15 năm, 15-20 năm và cao nhất là tù chung thân.
Cá nhân phạm tội còn có thể bị phạt hành chính từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.