Chiều 22/11, sau một tuần xét xử, Toà án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Hứa Thị Phấn 20 năm tù, đồng thời xem xét khoản tiền 3.658 tỷ đồng cùng 144 bất động sản được chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận trong Hợp đồng giữa Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn.
Hội đồng xét xử nhận định, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ, kết quả xét hỏi, tranh tụng công khai tại tòa, đã đủ căn cứ xác định việc chiếm đoạt hơn 1.338 tỷ đồng từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Tín (Trustbank) của Hứa Thị Phấn và đồng phạm thông qua 2 hành vi phạm tội.
Hành vi của bị cáo và các đồng phạm đặc biệt nghiêm trọng với số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn.
Bị cáo Hứa Thị Phấn được xác định là chủ mưu chiếm đoạt hơn 1.338 tỷ đồng của ngân hàng, bị tuyên 20 năm tù. (Ảnh: TL/Congluan.vn) |
Cụ thể, lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Trustbank, là cổ đông lớn của ngân hàng, Hứa Thị Phấn đã thâu tóm và chỉ đạo toàn bộ Hội đồng quản trị, Ban điều hành và cán bộ, nhân viên Ngân hàng Trustbank, chỉ đạo cấp dưới làm các thủ tục để ngân hàng đầu tư trực tiếp 1.037 tỷ đồng vào 4 dự án bất động sản do 3 công ty của Phấn làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, số tiền này Hứa Thị Phấn không sử dụng để đầu tư vào dự án như hợp đồng hợp tác mà rút tiền mặt để chiếm đoạt cá nhân và đến nay chối bỏ toàn bộ trách nhiệm thanh toán trả lại cho Ngân hàng Trustbank.
Hứa Thị Phấn còn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc mua và nâng khống giá trị 4 bất động sản: Số 10 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1; số 422B Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3; số 409 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10 (đều ở thành phố Hồ Chí Minh) và số 30 Quang Trung (phường Vạn Thắng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Sau đó, Hứa Thị Phấn chỉ đạo Hội đồng quản trị và Ban điều hành Ngân hàng Trustbank mua 4 bất động sản này với lý do là mở rộng hệ thống hoặc đầu tư bất động sản, với tổng giá trị trên 661 tỷ đồng; trong khi Ngân hàng Đại Tín đã vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định, dẫn đến 4 bất động sản này đến nay chưa thể hạch toán vào tài khoản tài sản cố định của ngân hàng.
Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Hứa Thị Phấn phải bồi thường số tiền 437 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB Bank - nguyên đơn dân sự kế thừa mọi quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của Ngân hàng Trustbank); buộc Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh liên đới bồi thường 901 tỷ đồng cho CB Bank.
Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng tuyên buộc bị án Phạm Công Danh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thanh Thiên liên đới hoàn trả hơn 756 tỷ đồng cho CB Bank.
97/114 bất động sản thuộc về Phạm Công Danh
Tại phiên tòa, các luật sư làm rõ vấn đề quyền và nghĩa vụ của Phạm Công Danh trong việc nhận chuyển nhượng 84,92% cổ phần Trustbank của Hứa Thị Phấn.
Luật sư của Phạm Công Danh đặt vấn đề, theo thỏa thuận các bên, thời điểm chuyển nhượng, giá trị cổ phần của nhóm Phú Mỹ do Hứa Thị Phấn đại diện là 0 đồng, thậm chí bị âm.
Thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều kết quả tích cực |
Vì vậy, các bên thảo thuận, nhóm Thiên Thanh chuyển giao cho nhóm Phú Mỹ 3.658 tỉ đồng, trong đó nợ gốc là 3.581 tỉ đồng, lãi là 76,9 tỉ đồng, để nhận chuyển giao nghĩa vụ từ nhóm Phú Mỹ nhằm tất toán 29 khoản vay, tương đương 114 bất động sản.
Luật sư tiếp tục đặt câu hỏi cho Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB): “Mục tiêu chuyển giao quyền nghĩa vụ của nhóm ông Danh hướng tới mục tiêu là gì, hướng tới giá trị của hơn 84% cổ phần, hay là tới 114 bất động sản đảm bảo cho 29 khoản vay mà ông Danh đã thanh toán 3.658 tỉ đồng?".
Bị án Phan Thành Mai trả lời thời điểm đó thứ mà ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh nhắm tới toàn bộ 114 bất động sản liên quan tới 29 khoản vay và các bất động sản khác theo thỏa thuận của nhóm Phú Mỹ.
Tiếp tục, Luật sư Phan Trung Hoài hỏi: “Với tư cách Tổng giám đốc VNCB thời điểm xảy ra vụ án, đã bao giờ từ phía nhóm Thiên Thanh nhận được bất cứ tài sản nào liên quan hợp đồng chuyển giao nào không?”.
Phan Thành Mai cho biết, không nhận được bất cứ tài sản nào, lý do chính nhóm bị cáo Hứa Thị Phấn đã không thực hiện theo thỏa thuận của hợp đồng.
Luật sư Phan Trung Hoài hỏi đại diện CB Bank: “Có phải khi nhóm Thiên Thanh thanh toán 3.658 tỉ đồng theo hợp đồng chuyển giao, thì nợ xấu của Trustbank thời điểm đó giảm tương ứng gần 3.658 tỉ đồng, đúng không?”.
CB Bank cho biết cần xem lại ai là người thanh toán khoản vay, bà Phấn hay ông Danh, và theo hồ sơ ngân hàng thì bà Phấn đã trả nợ vay.
Cũng tại phiên tòa các luật sư tiếp tục đặt câu hỏi cho Phạm Công Danh, Phan Thành Mai về việc thời điểm tháng 10.2013, lãi trên 29 khoản vay có được miễn giảm hay không.
Theo đó, Phạm Thành Mai và Phạm Công Danh đều trả lời, với tư cách đại diện nhóm cổ đông Thiên Thanh, trong cuộc họp 4.10.2013 với đại diện Ngân hàng Nhà nước, Danh đã đưa ra yêu cầu miễn giảm khoản lãi này.
Đồng thời Hội đồng quản trị thời điểm đó đã có văn bản, tờ trình gửi Ngân hàng Nhà nước về việc xin miễn giảm 100% cho 29 khoản vay, tương đương 842 tỉ đồng.
Qua đó, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nêu việc miễn giảm lãi liên quan đến các khoản nợ của nhóm Phú Mỹ sẽ do VNCB tự quyết định theo quy định pháp luật.
Theo Phan Thành Mai, khi nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng quản trị theo ý chí đã quyết miễn giảm 100% các khoản lãi phát sinh cho 29 khoản vay trên.
Với những chứng cứ tài liệu thể hiện trong hồ sơ vụ án, cũng như lời khai của những tố chức, cá nhân có liên quan.
Khi được hỏi về 3.658 tỉ đồng tất toán 29 khoản vay, ông Phạm Công Danh khẳng định số tiền chuyển cho Hứa Thị Phấn là tiền của ông. (Ảnh: TL/Congluan.vn) |
Luật sư Phan Trung Hoài tiếp tục kiến nghị duy trì lệnh kê biên, giao trả lại cho ông Phạm Công Danh (không phải Ngân hàng CB Bank) nhằm đảm bảo cho việc khắc phục hậu quả vụ án (các giai đoạn) của ông Phạm Công Danh gồm: 114 tài sản gồm: 108 tài sản kê biên, 6 tài sản (21.894,05m2 đất tại phường An Phú, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) đã được giải chấp (6 tài sản thế chấp bảo đảm cho 5 khoản vay đã được ông Phạm Công Danh trả tiền nợ gốc là 515 tỷ đồng và 76,9 tỷ tiền lãi phát sinh.
Đối với 29 khoản vay trong hợp đồng chuyển quyền, nghĩa vụ giữa Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn, tòa cho rằng ông Danh phải có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ của bà Phấn và nhóm Phú Mỹ để tiếp quản TrustBank nên phải cùng Tập đoàn Thiên Thanh trả nợ gốc và lãi cho CB Bank (tính đến ngày khởi tố vụ án).
Do có một công ty đã trả nợ 4 khoản vay và được cấn trừ vào 17 bất động sản, Hội đồng xét xử công nhận 97 bất động sản còn lại là của Phạm Công Danh.
Do bị án Danh đang thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong nhiều vụ án khác nên tòa quyết định tiếp tục kê biên 97 bất động sản nhằm đảm bảo thi hành án.