Tổng quan về dự án đường Vành đai 4 dự kiến khởi công tháng 6/2023

02/11/2022 09:54
Phúc Khang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đường Vành đai 4 với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, tổng chiều dài 112,8km sẽ đi qua địa phận thành phố Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, với 474/475 đại biểu tham gia đã biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Đường Vành đai 4 là tuyến đường liên vùng phục vụ kết nối giao thông giữa Hà Nội với các tỉnh thuộc vùng Thủ đô.

Việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Kết luận số 11-KL/TW ngày 13/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại Hội nghị lần thứ ba về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 và thực hiện thành công Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bản đồ hướng tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô. Ảnh: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Bản đồ hướng tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô. Ảnh: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Để đảm bảo tiến độ đề ra, Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội cũng đã tổ chức hội nghị cam kết tiến độ và ký giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Qua tính toán, diện tích đất cần giải phóng mặt bằng cho dự án này là hơn 1.300 ha. Trong đó, Hà Nội khoảng 740 ha tại 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín). Bắc Ninh cần thu hồi 320 ha tại 4 huyện, thành phố (Thuận Thành, Quế Võ, thành phố Bắc Ninh, Gia Bình). Hưng Yên cần thu hồi khoảng 270 ha tại 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu; Yên Mỹ, Văn Lâm).

Theo đó, tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112,8 km, chia làm 7 dự án thành phần, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng. Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm hơn 19.380 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 22.470 tỷ đồng (Hà Nội hơn 19.470 tỷ; Hưng Yên 1.000 tỷ; Bắc Ninh 2.000 tỷ).

Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 hơn 14.500 tỷ đồng, bao gồm 8.790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương; nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 5.710 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng.

Với tiến độ như hiện nay, dự kiến trước ngày 15/11/2022 sẽ cắm xong 3.000 mốc giới của dự án Vành đai 4 đi qua Hà Nội.

Tính đến cuối tháng 10/2022, đã có 2.000/3.000 mốc giới thuộc dự án Vành đai 4 (đoạn đi qua Hà Nội) được cắm. Đây là một hạng mục quan trọng quyết định đến tiến độ của dự án trong tương lai.

Liên quan đến công tác khảo sát địa hình, địa chất, đại diện Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI cho biết, đơn vị này đã huy động 12 mũi triển khai trên toàn dự án, đảm bảo sẽ đáp ứng được đúng tiến độ theo yêu cầu. Số liệu đo đạc sẽ được bàn giao cho các địa phương cắm cọc phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và cung cấp cho các bên thiết kế, đảm bảo tiến độ thành phố đề ra.

Theo quy hoạch, tuyến đường Vành đai 4 tại Hà Nội sẽ có cả hệ thống đường sắt tương lai chạy song song, các tuyến quy hoạch đường sắt cắt ngang, quy hoạch đường bộ cắt ngang các cao tốc hướng tâm. Chính vì vậy, công tác khảo sát địa chất cần độ chính xác cao. Để đảm bảo tính chính xác cao cho việc cắm mốc, đơn vị sử dụng hệ thống máy bay không người lái, đo chiếu, chụp và xác định tọa độ rõ ràng, sau đó ghi chép, báo cáo đầy đủ để có được tổng thể bản vẽ cắm mốc giới đầy đủ và chi tiết nhất.

Theo quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ đường vành đai 4 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6, tỷ lệ 1/500 do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập.

Cụ thể, vị trí nghiên cứu điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ tuyến đường vành đai 4 đoạn đi ngoài đê sông Đáy hiện trạng, điểm đầu (điểm A) cách nút giao với đại lộ Thăng Long khoảng 1200m, điểm cuối (điểm B) cách tuyến đê sông Đáy tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức khoảng 170m. Chiều dài đoạn tuyến nghiên cứu điều chỉnh khoảng 5,8km.

Ngày 18/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, yêu cầu ba địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần, hoàn thành trước 31/1/2023; đảm bảo khởi công tuyến đường vào tháng 6/2023.

Chủ tịch ba địa phương quyết định lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Các địa phương được áp dụng hình thức chỉ định thầu với gói tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan đến các dự án thành phần bằng vốn đầu tư công, trong hai năm.

Phúc Khang