Ngày 1/2/2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bế mạc sau hơn 7 ngày làm việc khẩn trưởng, sớm hơn gần 2 ngày so với chương trình dự kiến ban đầu.
Trong Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Đại hội Đảng XIII của Đảng khẳng định: Đến giờ phút này, chúng ta có thể vui mừng báo cáo với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân rằng: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công tốt đẹp!
Để có được sự thành công đó, là một trong số các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phục vụ tốt cho Đại hội không thể không không nói đến việc bảo đảm an toàn tuyệt đối với an toàn thực phẩm, trong đó vai trò của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) là hết sức quan trọng.
Đầu năm Tân Sửu, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để nhìn lại quá trình chuẩn bị, thực hiện công tác phục vụ Đại hội Đảng XIII đảm bảo an toàn, đúng quy trình, tiến độ đã đề ra.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ Đại hội XIII. |
- Xin ông cho biết, quá trình chuẩn bị đã được tiến hành ra sao để bảo đảm an toàn tuyệt đối tại Đại hội?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long: Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Đại hội lần thứ XIII của Đảng từ ngày 24/1/2021 đến 1/2/2021 đã bảo đảm an toàn tuyệt đối cho toàn bộ đại biểu, lực lượng phục vụ Đại hội với hơn 97 nghìn suất ăn, không để xảy ra bất cứ sự cố nào về ngộ độc thực phẩm, góp phần đảm bảo Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thành công rực rỡ.
Xác định đây là trách nhiệm và niềm vinh dự lớn lao được trực tiếp bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với trách nhiệm đầu mối, Cục An toàn thực phẩm xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các hoạt động đảm bảo, các văn bản quản lý chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, tổ chức các đội trực tại các khách sạn, nhà khách nơi phục vụ ăn nghỉ của các đại biểu và lực lượng phục vụ Đại hội, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Thời điểm trước khi diễn ra Đại hội, trong vòng một tháng trước khi diễn ra Đại hội, Cục An toàn thực phẩm đã chủ trì, phối hợp triển khai 5 lớp tập huấn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho hơn 60 nhân viên y tế và trên 700 nhân viên của các khách sạn trực tiếp chế biến thực phẩm phục vụ Đại hội.
Cục cũng đã xây dựng các phương án và tổ chức diễn tập xử lý các tình huống khác nhau, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra 2-3 lượt tất cả các khách sạn, nhà khách về vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, quy trình chế biến, lưu mẫu thức ăn, kiểm thực ba bước, nguồn gốc thực.
Việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm được thực hiện đến tận cơ sở trồng rau, nuôi heo, gia cầm hoặc đơn vị nhập khẩu. Tất cả các cơ sở này phải được chứng nhận an toàn mới được phép ký hợp đòng với các khách sạn, nhà khách phục vụ Đại hội.
Trong thời gian diễn ra Đại hội chính thức, ngay từ ngày các đại biểu tới khách sạn, các tổ trực an toàn thực phẩm (gồm 4 thành viên: 1 của Cục An toàn thực phẩm, 1 thuộc Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, 2 thuộc Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hà Nội) thường trực 24/24 giờ kiểm soát toàn bộ thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm từ lúc nhập vào, quá trình chế biến và lưu mẫu thực phẩm.
Các nội dung kiểm tra tập trung vào việc thường trực, triển khai nhiệm vụ của các tổ thường trực; việc khắc phục các tồn tại của các đoàn kiểm tra, giám sát phát hiện; việc tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của các nhà hàng, khách sạn phục vụ Đại hội (kiểm thực 3 bước, ghi chép sổ kiểm thực, thực hành chế độ vệ sinh trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm đến quá trình bảo quản thức ăn đã chế biến, quá trình lấy mẫu và lưu mẫu thực phẩm…).
Tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên mẫu nguyên liệu và vệ sinh thiết bị, dụng cụ liên quan và thức ăn đã chế biến tại các địa điểm phục vụ Đại hội do các tổ thường trực thực hiện; lấy mẫu ngẫu nhiên và gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để kiểm nghiệm mẫu rau tươi sống, thịt, cá tươi sống để kiểm nghiệm hóa chất bảo vệ thực vật… Đã kiểm nghiệm, xét nghiệm nhanh 2.429 mẫu về an toàn thực phẩm, trong đó phát hiện 3 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau vượt ngưỡng cho phép và đã dừng sử dụng các rau này và yêu cầu chấm dứt hợp đồng với cơ sở cung cấp, lấy rau từ nguồn khác có đủ điều kiện và xét nghiệm đạt tiêu chuẩn.
Trong suốt thời gian diễn ra Đại hội, không xảy ra trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm.
- Cục An toàn thực phẩm đã chuẩn bị như thế nào để đối phó với những tình huống có thể phát sinh, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long: Trong thực tiễn quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các hội nghị, sự kiện quốc gia, khu vực và quốc tế, dù công tác bảo đảm được chuẩn bị chu đáo, kỹ càng thì vẫn có nguy cơ xảy ra sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.
Với quan điểm dự phòng, kiểm soát hiệu quả, chủ động công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã chủ động tham mưu, tổ chức triển khai các biện pháp để đối phó với những tình huống có thể phát sinh xảy ra sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, cụ thể:
Nghiên cứu, phân tích, đánh tình hình, dự kiến nguy cơ sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm (đối tượng, địa điểm, quy mô, thời gian...).
Xây dựng kế hoạch chi tiết đối phó với sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, đặc biệt xác định cụ thể mục tiêu, yêu cầu, nội dung, biện pháp và phối hợp tổ chức triển khai các nguồn lực bảo đảm để thực hiện.
Xây dựng các kịch bản, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, quyết định thành lập, thường trực các Đội điều tra, xử lý sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt tổ chức tập luyện trong suốt một tuần và diễn tập thực địa để đánh giá năng lực, tính sẵn sàng triển khai hành động cụ thể đối với từng tình huống: Có ít người ngộ độc; có nhiều người cùng ngộ độc và nhiều người ngộ độc trong đó có bệnh nhân nặng. Cuộc diễn tập đã được Tiểu Ban Y tế và Ban Tổ chức Đại hội đánh giá cao.
Thiết lập hệ thống giám sát, thông tin, báo cáo từ cơ sở đến cơ quan có thẩm quyền để phát hiện sớm thông tin, đánh giá tình hình, đề xuất và quyết định các giải pháp, biện pháp kịp thời để điều tra, xử lý sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm (nếu có).
- Sau khi Đại hội đã thành công, Cục An toàn thực phẩm có nhận được những đánh giá, phản hồi của đại biểu dự Đại hội không? Cục có tổng kết đánh giá ra sao về công tác phục vụ Đại hội để có thể tiếp tục có sự chuẩn bị tốt cho những sự kiện lớn khác của đất nước?
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Long: Hiện nay, Cục đã tổ chức đánh giá kết quả bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Đại hội và gửi báo cáo lên Tiểu Ban Y tế. Theo ý kiến nhận được trong quá trình giám sát, hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao công tác phục vụ Đại hội nói chung và công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nói riêng. Đại biểu hài lòng với các bữa ăn cả về chất lượng cũng như vệ sinh an toàn và thái độ phục vụ.
Trân trọng cảm ơn ông!