Tranh chấp "tài sản vô chủ", lỗ hổng của BIDV Quảng Trị?

18/03/2014 07:30
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Khi tài sản mà BIDV Quảng Trị nhận thế chấp còn chưa xác định được ai là chủ sở hữu, vậy mà ngân hàng này cho rằng vẫn có thể phát mại để thu hồi nợ…

Theo công văn của BIDV Quảng Trị gửi Báo Giáo dục Việt Nam trình bày: Năm 2009, Công ty TNHH XD Thanh Bình (địa chỉ tại đường Hùng Vương, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị - gọi tắt là Công ty Thanh Bình), do ông Nguyễn Thanh Bình làm giám đốc đề nghị BIDV Quảng Trị cho vay 1.200 triệu đồng để đầu tư dự án mua 01 xe ô tô con TOYOTA LANDCRUISER PRADO 08 chỗ ngồi với tổng mức đầu tư 1.950 triệu đồng.

Trụ sở BIDV chi nhánh Quảng Trị, số 24 Hùng Vương, TP Đông Hà, Quảng Trị.
Trụ sở BIDV chi nhánh Quảng Trị, số 24 Hùng Vương, TP Đông Hà, Quảng Trị.

Sau khi xem xét, thẩm định xét thấy công ty có đủ điều kiện vay vốn theo quy chế 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, BIDV Quảng Trị quyết định cho vay và xác lập Hợp đồng tín dụng trung hạn ngày 14/5/2009, thỏa thuận cho Công ty Thanh Bình vay với số tiền 1.100 triệu đồng (đã giải ngân 895 triệu đồng, chiếm 46% tổng mức đầu tư) để đầu tư mua xe ô tô con PRADO 08 chỗ nhập khẩu.

Đồng thời BIDV Quảng Trị và Công ty Thanh Bình ký hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2009/HĐ ngày 14/5/2009 để bảo đảm tiền vay.

Sau khi ký hợp đồng thế chấp, ngày 3/6/2009 BIDV Quảng Trị đã tiến hành đăng ký giao dịch đảm bảo và đã được Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản tại Đà Nẵng chứng nhận.

Ngày 14/5/2009, Công ty Thanh Bình đề nghị giải ngân số tiền 895 triệu đồng, BIDV Quảng Trị đã tiến hành kiểm tra và xác minh: Ngày 29/4/2009 Công ty Thanh Bình đã chuyển tiền đặt cọc mua xe cho Công ty TNHH TM Đăng Quang số tiền 130 triệu đồng; đợt 2 vào ngày 14/5/2009 với số tiền 515 triệu đồng, tổng số tiền đã chuyển cho bên bán xe là 645 triệu đồng (có chứng từ chứng minh). Vì vậy BIDV Quảng Trị đồng ý giải ngân 895 triệu đồng và chuyển khoản vào bên bán xe.

Trên đây chỉ là một đoạn ngắn trong công văn BIDV Quảng Trị gửi cho tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam sau bài viết “Có dấu hiệu vi phạm, BIDV Quảng Trị có nguy cơ mất trắng tiền tỷ” vào ngày 12/3/2014.

Sau khi đối chiếu nội dung từ BIDV Quảng Trị cung cấp với những tài liệu mà PV có được, thấy nhiều chi tiết không trùng khớp.

Trước ngày BIDV Quảng Trị giải ngân 895 triệu, ngân hàng này có đưa ra thông tin là vào đợt 2, ngày 14/5/2009, Công ty Thanh Bình đã chuyển cho Công ty Đăng Quang 515 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi đối chiếu với “Biên bản đối chiếu công nợ” lập ngày 13/1/2012 giữa Công ty Đăng Quang và Công ty Thanh Bình, thì đợt 2 Công ty Thanh Bình chỉ chuyển cho công ty Đăng Quang 395 triệu đồng vào ngày 15/5/2009. Không phải là 515 triệu đồng vào ngày 14/5/2009 như BIDV Quảng Trị đã nêu.   

Hơn nữa, nếu theo BIDV Quảng Trị, trước khi cho Công ty Thanh Bình vay tiền để mua xe, Công ty Thanh Bình đã chuyển tiền đặt cọc cho Công ty Đăng Quang tổng cộng hai đợt là 645 triệu đồng. Vì thế nên BIDV Quảng Trị đã đồng ý và chuyển 895 triệu đồng cho bên bán xe là Công ty Đăng Quang.

Nếu đúng như BIDV Quảng Trị nói thì tính tổng số tiền mà Công ty Thanh Bình và của BIDV Quảng Trị chuyển cho Công ty Đăng Quang (bên bán xe) là 645+895=1540 (Một tỉ năm trăm bốn mươi triệu đồng)

Trong khi đó, theo Biên bản đối chiếu công nợ lập ngày 13/1/2012 giữa Công ty Đăng Quang và Công ty Thanh Bình, chiếc ô tô PRADO 08 chỗ ngồi đó chỉ có giá là 77.000USD (khoảng gần 1,5 tỉ đồng).

Như vậy, với số tiền Công ty Thanh Bình đặt cọc từ trước cho Công ty Đăng Quang, cộng với 895 triệu đồng mà BIDV Quảng Trị chuyển cho Công ty Đăng Quang, lẽ ra đã đủ để Công ty Thanh Bình “mua đứt” chiếc xe đó.

Công ty Đăng Quang (bên bán xe) hiện còn giữ nhiều loại giấy tờ gốc liên quan đến chiếc xe PRAD mà công ty Thanh Bình mua trước đó
Công ty Đăng Quang (bên bán xe) hiện còn giữ nhiều loại giấy tờ gốc liên quan đến chiếc xe PRAD mà công ty Thanh Bình mua trước đó

Nhưng sau nhiều năm, không hiểu "vì lý do gì" Công ty Thanh Bình vẫn còn nợ Công ty Đăng Quang cả gốc lẫn lãi tiền mua xe là 40.000 USD.

Bên cạnh đó, Công ty Thanh Bình do không có khả năng trả nợ BIDV Quảng Trị nên tính đến nay vẫn còn nợ ngân hàng này gần 1,2 tỉ đồng (cả gốc lẫn lãi).

Nhằm thu hồi lại tiền đã cho Công ty Thanh Bình vay, BIDV Quảng Trị đã khởi kiện công ty này ra tòa. Hiện tại, tài sản xe ô tô nói trên đã được Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị kê biên, lưu giữ và tiến hành xử lí theo luật định để thu hồi nợ vay cho BIDV Quảng Trị (không phải có thể “mất trắng” như bài báo đã đề cập – Công văn BIDV Quảng Trị viết).

Tuy nhiên, trong Bản đối chiếu công nợ giữa Công ty Đăng Quang (bên bán xe) và Công ty Thanh Bình (bên mua xe), hai bên đã thống nhất, sau khi Công ty Thanh Bình thanh toán hết số nợ cả gốc lẫn lãi (40.000 USD), Đăng Quang sẽ giao hai loại giấy tờ nguồn gốc và giấy chứng nhận chất lượng trên cho Công ty Thanh Bình. Nếu quá ngày 15/4/2012, Công ty Thanh Bình không thanh toán hết số nợ này thì Đăng Quang sẽ thu hồi tài sản đã bán.

Tình trạng hiện tại, chiếc xe ô tô đã bị Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị thu biển số, đăng ký và đang nằm ở Cục thi hành án của tỉnh Quảng Trị.

Giấy tờ gốc gồm đăng kiểm và tờ khai nguồn gốc nhập khẩu thì Công ty Đăng Quang (bên bán xe) đang cầm vì Công ty Thanh Bình chưa trả hết tiền. Còn BIDV Quảng Trị chỉ giữ bản gốc Giấy đăng ký xe mà trước đó Công ty Thanh Bình đã thế chấp.

Chiếc xe không có đăng ký, không có biển số nhưng BIDV vẫn cho rằng có thể phát mại để thu hồi nợ quả thực là điều khó hiểu. Lí do, chiếc xe trên hiện tại không xác minh được ai là chủ sở hữu. Một chiếc xe ô tô không có giấy tờ đầy đủ, không biết chủ sở hữu là ai thì cơ quan nào dám đem ra phát mại?

VIẾT CƯỜNG