Bình luận của Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc:

Trung Quốc hậm hực khi Nga hợp tác với Việt Nam, im lặng về Biển Đông

15/07/2013 06:40
Đông Bình
(GDVN) - "Nga hợp tác với TQ khi có cùng lợi ích, phần "đối thủ" nhiều hơn "đồng minh", Nga còn hợp tác dầu khí với Việt Nam, im lặng trong tranh chấp biển Đông" là bình luận của tờ Thời báo Hoàn Cầu.
Nga-Trung tiến hành diễn tập "Liên hợp trên biển-2013" từ ngày 5 đến ngày 12 tháng 7 năm 2013
Nga-Trung tiến hành diễn tập "Liên hợp trên biển-2013" từ ngày 5 đến ngày 12 tháng 7 năm 2013

Ngày 12 tháng 7, tờ Thời báo Hoàn Cầu, TQ có trích dẫn một số thông tin trên tờ "International Herald Tribune" Mỹ đăng bài viết nhan đề "Quan hệ đối tác hết sức thận trọng giữa Trung-Nga" của tác giả Jefferey Mankoff.

Theo bài viết, những năm gần đây, Trung-Nga cải thiện quan hệ, thương mại giữa hai nước mở rộng, gặp gỡ lãnh đạo tăng lên... Nhưng, hợp tác đã che đậy sự bất đồng. Moscow và Bắc Kinh cho rằng, hai nước là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, thực ra hợp tác của họ về cơ bản là mang tính chiến thuật.

Lập trường nhìn nhận thế giới của hai bên hoàn toàn khác nhau. Trung Quốc đang trỗi dậy, nền kinh tế kiểu xuất khẩu phát triển nhanh chóng, khát vọng giành lấy lợi ích từ toàn cầu hóa. Còn Nga là một quốc gia dầu mỏ trì trệ, muốn tự đoạn tuyệt với lực lượng cải cách.

Moscow thổi phồng quan hệ đối tác với Bắc Kinh, chủ yếu là chứng minh với nước khác rằng Nga vẫn quan trọng, Trung Quốc thì coi họ là một phương thức giá rẻ an ủi Nga. Hai nước thiếu mục tiêu chung, hợp tác giới hạn ở những điểm trùng lặp lợi ích (như tăng thương mại). Ở những điểm quan trọng nhất của hai nước, phần "đối thủ" giữa Nga-Trung nhiều hơn phần "đồng minh".

Chẳng hạn ở Đông Nam Á, yêu cầu lãnh thổ mạnh mẽ của Bắc Kinh đối với Biển Đông thúc đẩy Washington đưa hợp tác an ninh với các quốc gia khu vực đi vào chiều sâu.

Thời báo Hoàn Cầu nói rằng: "Điều gây thất vọng cho Bắc Kinh là, Moscow vẫn giữ thái độ lặng im đối với tranh chấp trên, Công ty Năng lượng Nga thậm chí ký kết thỏa thuận với Việt Nam, khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông" - nơi Trung Quốc tham lam tuyên bố hầu hết chủ quyền, tự cho Biển Đông là ao nhà của mình.

Ở Trung Á, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc dần đẩy Nga sang một bên. Trung Quốc đầu tư xây dựng đường ô tô, đường sắt và đường ống mới, làm cho Trung Á càng rơi sâu vào vòng tay của Trung Quốc. Năm 2012, ngoài Uzbekistan, thương mại với Trung Quốc của các nước Trung Á đều nhiều hơn thương mại với Nga. Động thái kêu gọi xây dựng đồng minh Âu-Á của Moscow chủ yếu là ngăn chặn kinh tế các nước Trung Á nghiêng về Bắc Kinh.

Trung Quốc cử 7 tàu chiến chủ lực tham gia diễn tập "Liên hợp trên biển-2013" giữa Nga-Trung, trong đó có 4 tàu khu trục, 2 tàu hộ tống, 1 tàu tiếp tế; cùng 3 máy bay trực thăng săn ngầm và 1 phân đội đặc nhiệm. Trong hình là tàu khu trục Lan Châu của Hạm đội Nam Hải tham gia cuộc diễn tập lần này.
Trung Quốc cử 7 tàu chiến chủ lực tham gia diễn tập "Liên hợp trên biển-2013" giữa Nga-Trung, trong đó có 4 tàu khu trục, 2 tàu hộ tống, 1 tàu tiếp tế; cùng 3 máy bay trực thăng săn ngầm và 1 phân đội đặc nhiệm. Trong hình là tàu khu trục Lan Châu của Hạm đội Nam Hải tham gia cuộc diễn tập lần này.

Hợp tác giữa quân đội hai nước Nga-Trung chỉ có thể nói là ngẫu nhiên, loại hợp tác này không thể làm thay đổi sự thực là sự tự tin của Trung Quốc khiến cho Nga lo ngại không kém gì sự lo ngại của Mỹ. Các tướng lĩnh Quân đội Nga thừa nhận coi Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng, tuy chính thức tiếp tục nhấn mạnh đến mối đe dọa của Mỹ và NATO.

Điều duy nhất làm cho Nga-Trung cảm thấy thực sự đứng cùng nhau là hai nước đều cho rằng trật tự quốc tế sau Chiến tranh Lạnh là do Mỹ thiết kế, ngăn cản hai nước được hưởng vị thế, đồng thời làm cho Washington làm mưa làm gió. Nga-Trung cảm thấy mình bị gạt ra ngoài, cảm giác này thúc đẩy họ ủng hộ các cơ chế mới như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), BRIC.

Người Nga và người Trung Quốc yêu cầu mối quan tâm của họ được quan tâm xem xét. Bài học đối với Mỹ là, càng không hiểu yêu cầu này, sự lo ngại của trục Nga-Trung sẽ càng trở thành hiện thực. Ở những chỗ liên quan đến lợi ích thực sự của Moscow hoặc Bắc Kinh, Washington cần chuẩn bị lắng nghe, tiến hành thỏa hiệp trước khi hành động. Đối với các tổ chức mới - đặt Nga và Trung Quốc ở vị thế bình đẳng với đối tác Mỹ truyền thống, như G20.

Dành thị phần quản lý thế giới nhiều hơn cho Bắc Kinh và Moscow có lẽ sẽ không thoải mái, nhưng kết quả ngoài điều đó chính là trục chống Mỹ giữa Trung-Nga như lo ngại của các nhà hoạch định chính sách Mỹ tiếp tục đến gần với hiện thực.

Biên đội tàu chiến Trung Quốc rời quân cảng Nga, về nước.
Biên đội tàu chiến Trung Quốc rời quân cảng Nga, về nước.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Đông Bình