Phục dựng cảnh Trung - Nga ký điều ước Ái huy năm 1858. Ảnh: China.com/Thời báo Hoàn Cầu. |
South China Morning Post ngày 24/5 có bài bình luận của tác giả Li Jing cho biết, truyền thông Trung Quốc đang "xới lại vết thương cũ" làm dấy lên những tin đồn về bản chất, thực hư quan hệ đối tác chiến lược Trung - Nga. Truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV, Tân Hoa Xã gần đây đưa tin tỉnh Hắc Long Giang đã khôi phục lại tên cũ của quận Ái Huy, đồng âm nhưng khác chữ viết để công khai nhắc nhở dân Trung Quốc về một giai đoạn lịch sử "đau thương" của người Trung Quốc.
Chương trình phát sóng giờ vàng của CCTV đã nhắc lại chi tiết về hiệp ước biên giới Trung - Nga được ký giữa nhà Thanh với Nga năm 1858 mà Bắc Kinh sau này cho rằng họ đã bị mất khoảng 600 km vuông lãnh thổ vào tay Nga. Việc đổi lại tên cũ của quận An Huy được CCTV nói rằng sẽ giúp công chúng ghi nhớ một giai đoạn lịch sử "nhức nhối của dân tộc".
Điều này khiến dư luận Trung Quốc tự hỏi, liệu đó có phải là dấu hiệu của một sự thay đổi trong mối quan hệ Trung - Nga bề ngoài có vẻ khá ấm áp. Moscow gần đây tỏ ra khá quan tâm cải thiện quan hệ với Bắc Kinh trong khi bị phương Tây chỉ trích và trừng phạt vì vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Lãnh thổ luôn là một vấn đề nhạy cảm thường có khả năng thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong xã hội Trung Quốc.
Căng thẳng Trung - Nhật ở Hoa Đông hay với các nước láng giềng ở Biển Đông như Việt Nam và Philippines rất dễ (bị Bắc Kinh) châm ngòi cho cơn giận trong lòng xã hội Trung Quốc. Vì vậy khi câu chuyện "Trung Quốc mất đất vào tay Nga" được phát sóng trên truyền hình quốc gia khung giờ vàng một cách chi tiết có thể hấp dẫn một số người.
Vương Trương Dương, một giáo sư thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã viết trên trang weibo cá nhân sau chương trình của CCTV rằng, việc phát sóng nội dung này báo hiệu một sự thay đổi trong chính sách và thái độ của Trung Quốc đối với Nga. "Các nhà chức trách từ lâu đã im lặng về lịch sử cuộc xâm lược của Nga, trong đó đã chiếm một phần lớn đất của Trung Quốc. Bây giờ đột nhiên câu chuyện trở lại trong bản tin thời sự", ông Dương nói.
Học giả này cho rằng: "Đã có vấn đề gì đó nảy sinh trong quan hệ với Nga. Trước đây Trung Quốc cũng đã nhắc đến 'cuộc xâm lược của Nga' khi quan hệ với Liên Xô trở nên căng thẳng. Việc lấy lại tên cũ của quận Ái Huy bản thân nó không có gì lớn, nhưng lại được phát sóng và bình luận trên CCTV vào giờ vàng cùng với lịch sử mất đất vào tay Nga", ông Vương Trương Dương lưu ý.
Tuy nhiên Nhân Dân nhật báo, Thời báo Hoàn Cầu, Qianjiang Evening News đã lập tức cố gắng giảm nhẹ tầm quan trọng của bản tin này trên CCTV. Nhân Dân nhật báo, Thời báo Hoàn Cầu cho rằng việc Hắc Long Giang đổi lại tên cũ cho quận Ái Huy có thể gây chú ý hoặc tranh luận, nhưng dựa vào đó cho rằng quan hệ Trung - Nga "có vấn đề" là hết sức "ngây thơ về chính trị".
Tân Hoa Xã ngày 18/5 vừa qua cũng dẫn bài xã luận trên tờ Nhật báo Hắc Long Giang cho rằng, việc lấy lại tên cũ của quận Ái Huy là để nhắc nhớ người dân "khắc cốt ghi tâm" bài học lịch sử "đau đớn" của người Hán.