Khủng hoảng Iraq đang đe dọa trực tiếp lợi ích của Trung Quốc ở Trung Đông, Bắc Kinh có thể sẽ phải trả giá đắt. |
The Diplomat ngày 24/6 đăng bình luận của Andrea Ghiselli, người vừa lấy bằng Thạc sĩ từ đại học Bắc Kinh nhận định, cuộc khủng hoảng Iraq một lần nữa cho thấy vai trò quân sự mờ nhạt của Trung Quốc trong khu vực khó có thể bảo vệ các lợi ích của họ.
Hôm 13/6 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay, Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện xảy ra ở Iraq và đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ công dân cũng như các khoản đầu tư của nước này. Tuyên bố cho thấy nỗi sợ hãi của Bắc Kinh về một khả năng Iraq có thể biến thành Libya thứ 2.
Iraq có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc. Năm 2013, 8% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Iraq, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào lĩnh vực năng lượng và thông tin liên lạc tại Iraq.
Chỉ riêng quỹ đầu tư toàn cầu của Trung Quốc, Tracker Heritage đã đầu tư ở Libya và Iraq trong khoảng thời gian 2007-2013 làn lượt là 14,2 và 14,5 triệu USD. Bên cạnh tài sản kinh tế và đầu tư, một số lượng lớn các công dân Trung Quốc đang bị đe dọa bởi các cuộc xung đột leo thang nhanh chóng.
Năm 2011 Trung Quốc sơ tán thành công 36 ngàn công dân của họ khỏi Libya. Theo niên giám thống kê mới nhất của Trung Quốc, năm 2013 nước này có gần 10 ngàn công dân đang sống và làm việc tại Iraq.
Mặc dù có những điểm tương đồng, sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại Iraq vẫn rất nhỏ, và có vẻ như lực lượng vũ trang Trung Quốc chỉ có thể đóng một vai trò rất hạn chế như cuộc khủng hoảng Libya năm 2011.
2 học giả Andrew Erickson và Gabe Collins đã phát biểu trên The Diplomat rằng, thực tế là chính phủ Trung Quốc dường như làm ngơ trước vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã phải nhờ đến các dịch vụ đảm bảo an ninh tư nhân đang phát triển mạnh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến công du Iraq hôm 23/6 tổ chức họp báo với người đồng cấp Hoshyar Zebari. Ảnh: Aawsat. |
Trong một bản tin gần đây trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, một quản lý doanh nghiệp Trung Quốc làm việc tại Iraq nói rằng các đồng nghiệp của ông và ông không nhận được bất cứ lời khuyên nào từ đại sứ quán Trung Quốc tại Baghdad.
Nhiều người Trung Quốc đã bắt đầu chạy khỏi những khu vực gần nơi lực lượng khủng bố ISIS đang hoạt động. Công nhân Trung Quốc cần phải được di tản, Trung Quốc một lần nữa sẽ phải trả giá cho việc không có các phương tiện đảm bảo an ninh (cho công dân, doanh nghiệp của mình tại Iraq).
Hậu quả do khủng hoảng tại Iraq đối với Trung Quốc sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với Libya. Nó không chỉ làm chậm lại hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất dầu mỏ của Iraq mà chắc chắn ảnh hưởng đến Trung Quốc và doanh nghiệp của họ, chính phủ nước này còn phải đối mặt với những chỉ trích của người dân về việc thân nhân của họ không được bảo vệ tại Iraq.
Bắc Kinh phải có một quyết định khó khăn, họ có thể lựa chọn chấp nhận thiệt hại về kinh tế và chính trị nếu không tăng cường sự hiện diện quân sự của mình khu vực Trung Đông. Nhưng nếu một tiền đồn của Trung Quốc mọc lên ở Djibouti hoặc Seychelles, cả Mỹ và Ấn Độ sẽ xem đây là động thái làm suy yếu ảnh hưởng của họ trong khu vực, và căng thẳng sẽ lại gia tăng.
Libya trước đây và Iraq hiện nay là hai bài học cho Trung Quốc về khó khăn như thế nào khi làm ăn ở Trung Đông mà không có đủ kinh nghiệm hỗ trợ quân sự. Bắc Kinh phản ứng như thế nào với tình trạng khó xử này sẽ rất quan trọng trong việc xác định chiến lược kinh tế và quân sự Trung Quốc trong tương lai ở những khu vực phức tạp về an ninh.