Phong cách ấy của nghệ sĩ Phan Thanh Thủ, nguyên cán bộ Đoàn Nghệ thuật Đam San, Gia Lai làm tôi ngỡ ngàng khi lần đầu diện kiến ông trong vai “tư lệnh” của Hoàng Anh Gia Lai tại các tỉnh Nam Lào.
Sân khấu lớn
Khi tôi sang Lào, tìm hiểu hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam, “đụng đến” các dự án lớn nào của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại 4 tỉnh Nam Lào thì đều được giới thiệu đến ông Phan Thanh Thủ, đơn giản ông Thủ là “tư lệnh” của Hoàng Anh tại các tỉnh này. Dù chức danh là GĐ Cty Cổ phần Hoàng Anh-Attapeu, song ông nắm rõ và điều hành tất cả các DN thành viên của Hoàng Anh tại Nam Lào, bởi một phần ông gần như là “cha đẻ” các dự án đầu tư của Hoàng Anh tại đây.
Vùng nguyên liệu caosu trên 30.000ha |
Cái mác của “tư lệnh” Thủ không chỉ vì vai trò phụ trách bao quát, là đại diện của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại 4 tỉnh Nam Lào, mà phong cách rất nhà binh của ông. Giải quyết công việc nhanh, quyết đoán, rạch ròi nhưng lại không cứng nhắc. Quan trọng hơn là sự gần gũi, bình dị của “tư lệnh”.
Tôi chứng kiến ông Thủ giải quyết công việc mọi lúc, mọi nơi và bất kể là ngoài giờ làm việc. Khi đến bản Hatxan, huyện Xaysettha, tỉnh Attapeu (Bản, là cấp chính quyền thứ 4, là đơn vị hành chính tương đương với UBND xã, phường ở Việt Nam), Bản trưởng Kavon ngay lập tức “tranh thủ”: “Báo cáo anh 4 giếng nước cụm dân cư bị hỏng, thiếu kinh phí, đường giao thông liên bản chưa cấp phối…, đề nghị anh…”.
Vùng đất nghèo hoang vu giờ là vùng nguyên liệu mía trù phú. Ảnh: Thanh Hải |
Chỉ 2 cuộc điện thoại về cấp dưới, ông Thủ thông báo lại Kavon là đã duyệt xong, cuối tuần cho đóng lại giếng mới, làm đường ngay với kinh phí cả trăm triệu kíp. Kavon bất ngờ vì có được kết quả quá nhanh, vui mừng tíu tít, và xin anh… số điện thoại. Tôi nhìn sang ông Thủ, cười (nói bằng tiếng Việt), “Anh này giống cán bộ phường ở mình. Chắc muốn lần sau được làm việc trực tiếp với tư lệnh đây”.
Nhưng thêm điều bất ngờ, Kavon lại giải thích khác: “Em xin số điện thoại để khi nào bà con dưới Bản săn được thú, bắt được cá ngon điện anh xuống ngay cho tươi”. Tôi nhìn cách ông Thủ vừa nói, vừa hát, tay vò nắm xôi nhai ngấu nghiến, cười đùa bằng tiếng Lào với bà con bản làng giống như một cán bộ dân vận thực thụ, mới hiểu được thành công của Hoàng Anh nơi đất khách quê người.
Nhà máy nhiệt điện (30MW) sử dụng từ bã mía của Cty Quang Minh- HAGL tại huyện Phu Vông- Attapeu, Lào. Ảnh: Thanh Hải |
Ông Thủ bỏ Đoàn nghệ thuật Đam San theo người bạn học là “Bầu Đức” đi làm kinh tế từ khi Hoàng Anh còn là xưởng gỗ nhỏ ở Pleiku. Ông sang Lào từ những cuối của thập niên 90, trước khi Hoàng Anh Gia Lai đầu tư sang đây 3 năm. Lúc đó, Attapeu vẫn là vùng đất đóng (chữ At- trong tiếng Lào nghĩa là đóng) tức con đường cụt. Và từ lâu, biên viễn Attapeu đã được xem là nơi xa xôi, hẻo lánh, nghèo khó và lạc hậu ở cực nam nước Lào.
Ông Thủ kể phải mất cả 1 tuần để đi vòng từ Gia Lai ra Quảng Trị, lên cửa khẩu Lao Bảo để sang Savanakhet, Lào. Từ đấy xuôi về Chămpasak, SeKong rồi mới đến được Attapeu. Mặc dù đây là vùng đất “sát nách” của miền Trung Việt Nam, vùng núi non hiểm trở này nguyên được nước bạn Lào cho Cách mạng Việt Nam mượn để mở đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh, nhưng đến thời điểm bấy giờ vẫn chỉ mới có 2 cửa khẩu Bờ Y (Gia Lai) và Đắk Ốc (Quảng Nam) nhưng chưa có đường thông tuyến ở phía Lào.
Đi lại trong rừng sâu, “gặp lại” những dấu tích cũ, bất cứ người Việt nào cũng bồi hồi xúc động. Bởi vậy, vùng đất xa xôi về cửa ngõ này nhưng tôi lại cảm thấy rất thân quen, gần gũi. Thế là khảo sát, lập dự án và quyết tâm thuyết phục Tập đoàn đầu tư sang đây. Sau khi Hoàng Anh Gia Lai đầu tư dự án trồng cao su được 4 năm thì Chính phủ Việt Nam đầu tư, xây QL18 giúp Lào, hơn 100 km nối từ Việt Nam sang đến thủ phủ Attapeu, tiếp nối QL13 của Lào.
Vùng dự án của Hoàng Anh giáp với đất Việt giờ chỉ chưa đầy 60km. Ông Thủ tâm sự, đến bây giờ tôi vẫn không nghĩ được vì sao mình có thể bỏ gia đình, lăn lộn được giữa rừng sâu đất nghèo này hơn mười mấy năm nay. Còn tôi thì thì đoan rằng, chất nghệ sĩ, luôn yêu đời đã giúp ông có thể “tồn tại” ở bất cứ ngữ cảnh nào trên sân khấu cuộc đời.
“Đũa thần” ở vùng đất đóng
Cho đến thời điểm này, các dự án trồng cao su, mía đường, thuỷ điện… do tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư tại các tỉnh Nam Lào gồm Attapeu, SeKong, Chămpasak đã lên con số hàng tỉ USD. Trong đó, 2 dự án cao su của Cty Hoàng Anh Attapeu và Cty mía đường Quang Minh tại tỉnh Attapeu là điểm sáng về sự thành công, được Chính phủ, Nhà nước Lào đánh giá cao, hết sức khen ngợi.
Đặc biệt, 2 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp này đã góp phần quan trọng, thay đổi phương thức sản xuất, thói quen canh tác cho nhân dân cho cả tỉnh Attapeu. Sự có mặt của Hoàng Anh Gia Lai tại Attapeu cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông với hơn 200km đường liên huyện, hàng chục cầu cống, các công trình dân sinh như 2.000 nhà ở cho dân, trường học, bệnh viện… cho đến việc xây dựng sân bay Attapeu đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của tỉnh cực nam, nghèo nhất nước Lào này.
Bệnh viện Attapeu- một trong những công trình dân sinh mà HAGL đã đầu tư, giúp Lào. Ảnh: Thanh Hải |
Với vùng nguyên liệu caosu trên 30.000ha, vùng nguyên liệu mía, 6.000ha trải khắp 5 huyện cùng hệ thống các nhà máy chế biến mủ caosu, nhà máy mía đường, nhà máy nhiệt điện 30MW, riêng các doanh nghiệp thuộc HAGL đã thu hút khoảng 15.000 lao động. Từ khi người dân có thu nhập khá cao và ổn định, sức tiêu thụ các loại hàng hoá, dịch vụ tăng nhanh, từ đó lĩnh vực thương mại và dịch vụ của địa phương cũng rất phát triển.
GDP của tỉnh Attapeu đã tăng bình quân 13% liên tiếp 3 năm trước. Riêng năm 2012, khi cao su HAGL có thu hoạch mủ, lập tức GDP tỉnh tăng trên 38%. Thu nhập bình quân đầu người từ 600USD năm 2010, đến năm 2012 đã là 1.340USD. Dự kiến đến năm 2014, khi toàn bộ diện tích caosu đưa vào khai thác mủ, HAGL sẽ sử dụng khoảng 20.000 lao động. Nếu tính một lao động nuôi 2 người phụ thuộc thì lúc ấy, các dự án của HAGL đã nuôi sống gần một nửa dân số của tỉnh Attapeu (hiện khoảng 130.000 người).
“Tư lệnh” Phan Thanh Thủ thăm nhà máy mía đường Quang Minh. Ảnh: Thanh Hải |
Chưa kể các hoạt động dịch vụ thương mại khác sẽ phát triển theo vùng dự án với mức đầu tư hàng tỉ USD ở vùng đất thưa dân như Attapeu. Bí thư kiêm Tỉnh trưởng Attapeu, ông Khăm Phăn khẳng định, các nhà đầu tư Việt Nam, đặc biệt là Hoàng Anh Gia Lai đã giúp địa phương này phát triển, thay đổi hoàn toàn diện mạo như một phép thần kỳ.