Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững được ban hành trong lúc vấn đề nợ công, tái cơ cấu ngành tài chính-ngân hàng nhận được sự quan tâm lớn của giới chuyên gia cũng như dư luận xã hội.
Tuy nhiên, để Nghị quyết của Bộ Chính trị thực sự trở thành “kim chỉ nam” trong điều hành kinh tế vĩ mô và giải quyết được những vấn đề quản lý nợ công, đảm bảo nền tài chính minh bạch, phát triển không phải chuyện một sớm một chiều, mà cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị.
Liên quan đến vấn đề này, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Quang Thái - Phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam.
Sự lãnh đạo của Đảng-nhân tố quyết định giúp đất nước từng bước vượt qua khó khăn - ảnh minh họa/ nguồn: Quân đội nhân dân |
Cần có cơ chế giám sát
Đánh giá vai trò Nghị quyết về quản lý nợ công, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong lúc này, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái cho biết: “Nghị quyết này của Bộ Chính trị ban hành rất đúng lúc, đúng dịp Trung ương Đảng vừa ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái khẳng định, để thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội về nhiệm vụ phát triển và tái cơ cấu kinh tế, vấn đề cơ cấu lại cả thu và chi ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công có ý nghĩa như điều kiện tiền đề quan trọng.
Theo đó, nghị quyết của Bộ Chính trị không chỉ khẳng định các thành quả đã đạt được, mà còn phân tích vấn đề huy động và sử dụng ngân sách một cách toàn diện, vạch ra các thiếu sót.
Đáng chú ý là “quy mô thu ngân sách so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) giảm nhanh, cơ cấu thu chưa hợp lý, thiếu bền vững; các nguồn lực đất đai, tài nguyên, công sản chưa được huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả; tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ thuế còn nghiêm trọng.
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái - Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam - ảnh nguồn: Viện Quản lý kinh tế Trung ương. |
Nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng, vượt khả năng cân đối nguồn lực; thu không đủ chi, tích lũy ngân sách cho đầu tư phát triển thấp.
Cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, tỉ trọng chi thường xuyên tăng cao, chi đầu tư phát triển giảm; tỉ trọng chi ngân sách Trung ương giảm, chi ngân sách địa phương tăng.
Nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ; nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước ngân sách còn lớn; việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập; thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ.
Việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả”.
“Nghị quyết vạch rõ quan điểm và giải pháp lớn để bảo đảm quá trình tái cơ cấu ngân sách, làm cơ sở cho việc huy động hiệu quả ngân sách từ các nguồn lực toàn xã hội, cả trong và ngoài nước.
Nghị quyết đã nêu một cách chuẩn xác quan điểm về chi tiêu ngân sách có hiệu quả là chỉ chi tiêu trong phạm vi có khả năng nguồn thu hợp lý, đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu.
Đồng thời trong phạm vi nguồn thu ngân sách có được mới bố trí kế hoạch chi tiêu và đầu tư, kể cả các khoản chi tiêu cho việc duy tu bảo dưỡng các dự án khi đưa vào hoạt động, làm cho nền kinh tế hoạt động ngày càng có hiệu quả”, GS.Thái đánh giá.
Để Nghị quyết của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn nhanh nhất, theo GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, cần có cơ chế giám sát các Bộ, Ngành trong việc thực hiện nghị quyết.
Đất nước sẽ gặp muôn vàn khó khăn với nỗi lo nợ nần "Làm cái gì có hiệu quả thì triển khai và phải làm ra tấm ra món" Bộ Chính trị ra nghị quyết về chủ trương, giải pháp quản lý nợ công |
GS. Nguyễn Quang Thái cho biết, bất cứ nghị quyết nào của Đảng cũng không chỉ dành riêng cho các tổ chức Đảng và đảng viên thực hiện.
Nghị quyết liên quan đến cơ cấu lại thu chi ngân sách và nợ công là vấn đề có liên quan đến toàn dân, các doanh nghiệp và từng người dân.
“Như vậy, Nghị quyết này cần được quán triệt trong các luật lệ, quy chế của Nhà nước.
Đặc biệt, cần công khai và minh bạch các bản kế hoạch, dự toán và thực hiện ngân sách, kể cả vấn đề nợ công.
Nghị quyết có nêu ra các ngưỡng an toàn cho thu chi ngân sách và quản lý nợ công”, GS.Thái nêu quan điểm.
Lo ngại “méo mó” chỉ đạo của Trung ương
Trong quá trình đưa Nghị quyết quản lý nợ công, cơ cấu ngân sách nhà nước vào thực tế, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái lo ngại có nhiều nguy cơ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện Nghị quyết này.
Cụ thể GS.Nguyễn Quang Thái lo ngại, trước hết đó là quan điểm cục bộ của các ngành và địa phương, làm “méo mó” sự chỉ đạo của Trung ương, nên các điều chỉnh về cơ cấu lại cả nguồn thu và chi, không sử dụng có hiệu quả nguồn lực quốc gia và chi tiêu ngân sách và chi đầu tư vượt sức cân đối của ngân sách, hoặc sử dụng không hiệu quả.
“Phải chống lại tư tưởng cục bộ, ỷ lại vào 'sự chi viện' của ngân sách trung ương cho hầu hết các địa phương.
Nếu công khai và minh bạch ngân sách toàn quốc, từng ngành và trong các địa phương sẽ làm cho người dân và các tổ chức của mặt trận tổ quốc, nhất là các tổ chức chuyên ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán… có thể đóng góp giải pháp để cân đối nguồn thu, sử dụng ngân sách cho hiệu quả vào mục đích chi thường xuyên, đầu tư, vay và trả nợ trong và ngoài nước”, GS.Thái nêu rõ.
Theo GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Quốc hội và Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương cần có kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết này trong từng thời kỳ, với các chế tài giám sát chặt chẽ.
“Đặc biệt, cần giao cho các tổ chức xã hội và người dân để nắm được đầy đủ các khoản thu, chi ngân sách và nợ công, cũng như các giải pháp để xử lý.
Từ đó, người dân và doanh nghiệp có thể đóng góp thêm các giải pháp cụ thể, cũng như có thông tin đa chiều để giám sát thực hiện. Qua đó làm cho các nghị quyết của Đảng, kể cả Nghị quyết này có thêm sức sống”, GS.Thái cho biết.
Nhà máy đạm Ninh Bình là một trong 5 dự án thua lỗ đã được nêu ra tại Quốc hội. ảnh: vtc. |
Phải làm rõ trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu
Theo GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, nợ công tăng cao có phần nguyên nhân đến từ những dự án đầu tư thua lỗ, mà gần nhất là 5 dự án thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng đã được đề cập nhiều lần tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.
Vấn đề bức thiết phải có những giải pháp để ngăn ngừa hiệu quả sự lãng phí này.
“Các dự án công không hiệu quả kéo dài là một vấn đề rất được công luận quan tâm, nhưng việc điều chỉnh, sửa đổi và quy trách nhiệm đã thực hiện rất chậm trễ, không đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước”, GS.Thái nhận định
GS.Nguyễn Quang Thái đề nghị, cần tiếp tục nâng cao chất lượng các kế hoạch đầu tư công hằng năm và trung hạn; tăng cường giám sát các dự án từ quy hoạch tổng thể quốc gia đến việc kiểm tra thực hiện.
“Phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, các cơ quan và cá nhân thực thi công vụ và cả các đơn vị và cá nhân trực tiếp 'bày mưu', 'tư vấn' sử dụng nguồn vốn ngân sách và vốn của người dân một cách không hiệu quả”, GS.Thái nêu quan điểm.
Mặt khác, sau khi làm rõ cá nhân vi phạm, theo GS.Nguyễn Quang Thái cần có những xử phạt nhanh tình trạng tham nhũng, lãng phí, mà lãng phí từ chủ trương đầu tư là cực kỳ nguy hại, vì nó gây mất cân đối chung.
“Việc quản lý dự án trong quá trình thực hiện và sử dụng hiệu quả trong khai thác từng dự án và nối kết các dự án trong toàn bộ quy hoạch phát triển dài hạn đất nước sẽ có tác dụng rất lớn đến hiệu quả chung”, GS.Thái nhấn mạnh.